Thế nhưng tại một số CV lớn, nhiều diện tích đất đang bị “xẻ thịt” làm nhà hàng, quán nhậu, nơi kinh doanh, buôn bán...
Nhằm trả lại mặt bằng và thực hiện đúng chức năng của CV, mới đây Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Thành Phong đã giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT), Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT)… rà soát lại toàn bộ diện tích đất CV bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích; yêu cầu di dời toàn bộ công trình, trụ sở, quán ăn, bãi xe... tồn tại trên đất CV.
Tấp nập ăn uống, bán buôn ở CV 23-9
Công viên 23-9 trên địa bàn Q1 nằm giữa 2 con đường Lê Lai, Phạm Ngũ Lão, trải dài từ Công trường Quách Thị Trang đến chợ Nguyễn Thái Bình. Trong đó, 2 tuyến Nguyễn Thái Học, Tôn Thất Tùng cắt ngang và chia CV làm 3 phần.
Trước đây, khu đất này là ga xe lửa Sài Gòn, từ khi ga dời về quận 3, một phần mặt bằng gần 10ha biến thành CV, do Sở GTVT TPHCM quản lý. Công viên 23-9 được ví như “lá phổi xanh” của khu trung tâm TP, diện tích trên 9,46ha, nhưng hiện nay một số khu vực (KV) đang bị sử dụng sai mục đích.
Thực khách ăn uống, nhậu nhẹt dưới hầm ở công viên 23-9
Hiện phần CV gần chợ Nguyễn Thái Bình rất nhếch nhác, bởi phần lớn được tận dụng làm bến xe buýt (XB), ôtô khách đường dài núp bóng xe du lịch; một phần là sân khấu Sen Hồng; phần giữa của CV là nơi giữ xe, khu mua sắm thương mại.
Không dừng lại đó, một số KV của CV còn bị bỏ hoang khiến nhiều đối tượng khả nghi lượn lờ. Theo thống kê, CV 23-9 chỉ còn dưới 3ha là diện tích đất cây xanh. Ngoài một phần đất phải cắt làm đường giao thông nhằm giải quyết nạn ùn tắc và làm nhà ga chính tuyến metro số 1 thì nhiều tổ chức, đơn vị đã “xẻ” diện tích đất CV để kinh doanh.
Nhiều nhất là khu B với những hạng mục kiên cố trong khi chẳng liên quan gì đến CV như trạm dừng đỗ XB, nhà hàng, tiệm cà phê, quán nhậu. Trong đó có trung tâm thương mại dưới lòng đất được khai thác phục vụ khách đến tận khuya như: Yolo Pub & Cafe, Route99 Saigon, BFF Zone, Kingdom Beer Garden.
Nơi đây còn có trung tâm thương mại Sense Market “ngự” giữa CV, chiếm hơn 1ha, thu hút gần 100 gian hàng ẩm thực Việt Nam, Lào, Campuchia, Ấn Độ, Nhật Bản... cùng hơn 400 gian hàng chuyên kinh doanh giày dép, quần áo thời trang... Kế đến là sân khấu Sen Hồng nhưng lại có cả quán cà phê GM bên trong, tận dụng hết khoảng trống của khu đất để tối đa hóa lợi nhuận.
Các shop thời trang, quán ăn ở công viên 23-9
Ngoài ra, ở khu B còn thường xuyên được tận dụng làm nơi tổ chức hội chợ ngoài trời. Cạnh CV 23-9 có CV Lê Lai, gần 1 năm nay cũng bị “xẻ thịt” làm quán cà phê Mylife Coffee. Những hoạt động chẳng liên quan gì đến CV này khiến người dân khó thể đi dạo gần các điểm trên.
Ông Nguyễn Văn Hoàng - cán bộ hưu trí ngụ P.Bến Thành, Q1 - cho biết, CV 23-9 có 9 chức năng, trong đó chức năng chính là CV cây xanh, khu sinh hoạt văn hóa, quảng trường; chức năng phụ là đầu mối giao thông, nhưng hiện nay các chức năng chính đang bị lấn át.
Một phần công viên 23-9 biến thành trung tâm mua sắm.
Tại CV 23-9, hầu như các khu A, B, C đều bị chiếm dụng vì nhiều mục đích khác nhau. Khu A bị trưng dụng một phần để phục vụ thi công tuyến metro đầu tiên của thành phố; để có mặt bằng, 51 cây xanh ở đây đã bị đốn hạ.
Tại khu C, hầu như không còn diện tích nào dành cho người dân đi bộ, tập thể thao, bởi phần lớn diện tích đất nơi đây đã bị biến thành bãi XB; hàng loạt cây xanh bị triệt hạ, thảm cỏ bị đào bới để lấy mặt bằng. 2ha đất CV biến thành bến bãi XB. Kế đó, gần 1ha đất CV bị trưng dụng làm trụ sở Trung tâm phát triển quỹ đất TPHCM (thuộc Sở TN-MT TPHCM) và Chi cục Quản lý thị trường TPHCM (thuộc Sở Công thương).
Công viên Kỳ Hòa còn đâu?
Tương tự, CV Kỳ Hòa ở Q10 cũng bị các nhà hàng, quán ăn “nuốt” gần hết diện tích đất. Theo tìm hiểu của chúng tôi, CV này có diện tích hơn 14ha, từng nổi tiếng là nơi vui chơi, giải trí, tham quan, thư giãn của người dân, du khách, nhưng giờ nếu có người hỏi thì ít ai biết, trong khi đó nếu hỏi khu quán nhậu Kỳ Hòa thì được chỉ chính xác liền.
Bảng chỉ dẫn trên đường 3-2 ghi rõ hướng đi tới “Công viên Kỳ Hòa”, nhưng với người lạ chắc hẳn khó thể tìm thấy dù đi đúng hướng, nguyên nhân là vì phần lớn diện tích CV đã “biến” thành các nhà hàng, quán cà phê, nơi giữ xe. Bóng dáng của CV này chỉ còn lại qua một vài cây lâu năm còn tồn tại bên trong.
Cổng công viên Kỳ Hòa giờ là cổng vào trung tâm tiệc cưới.
Phải mất hơn 10 phút đi loanh quanh, chúng tôi mới xác định được CV Kỳ Hòa là khu đất được bao bọc bởi hàng chục quán nhậu, nhà hàng và dãy nhà văn phòng cho thuê. Một bảo vệ tại đây cho biết: “Vào sáng sớm cũng có vài người đến tập dưỡng sinh, còn lại cả ngày gần như chẳng có ai ghé vì không còn chỗ vui chơi.
Đi sâu vào bên trong, diện tích CV còn lại khá khiêm tốn với vài ba chiếc ghế đá. Bóng dáng của CV chỉ là con đường nội bộ nối từ Lê Hồng Phong sang hướng Sư Vạn Hạnh. Từ 6 giờ chiều, các quán ẩm thực Kỳ Hòa, nhà hàng Đất Sét, quán Phi Phố Biển... tấp nập người đến, tiếng cụng ly trên nền nhạc ầm ĩ khiến những người sống xung quanh ngán ngẩm.
Chưa hết, trên giấy tờ, CV này nằm ở số 16 Lê Hồng Phong, nhưng đến đúng địa chỉ trên lại thấy cổng chào ghi rõ “Trung tâm hội nghị tiệc cưới Queen Plaza Kỳ Hòa”. Bên hông hướng dẫn thông tin tên văn phòng, quán nhậu, tiệm cà phê...
Các tài xế xe ôm ở đây thường lắc đầu ngao ngán cho biết, giờ nói đến Kỳ Hòa, người ta chỉ biết quán nhậu, chứ CV có còn nữa đâu! Hiện gần như toàn bộ diện tích phần đất mặt tiền dài hàng trăm mét của CV này đều bị quán nhậu bao kín, bảng hiệu vây tứ bề...
Nhằm chấn chỉnh lại tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, gần đây Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Thành Phong đã họp với các sở, ban ngành liên quan, chỉ đạo công tác lập lại văn minh, trật tự tại thành phố. Trong cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Công viên gì mà toàn thấy quán nhậu, cà phê, ca nhạc... thì làm sao người dân vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi? Sở GTVT, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Văn hóa - Thể thao sớm có báo cáo về hiện trạng của các CV hiện nay và giải pháp xử lý việc chiếm dụng sai mục đích...”.
Về CV 23-9, nằm trên địa bàn Q1, Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Thành Phong cho rằng hạ tầng đã xuống cấp trầm trọng; tình trạng buôn bán, kinh doanh diễn ra phức tạp, cảnh quan nhếch nhác, an ninh không đảm bảo, ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng của người dân sống xung quanh. Sở TN-MT chỉ đạo Trung tâm phát triển quỹ đất chấm dứt, không gia hạn hợp đồng cho thuê đối với các đơn vị đang sử dụng mặt bằng tại đây. UBNDTP thống nhất sử dụng nguồn vốn ngân sách để lập quy hoạch và chỉnh trang tổng thể CV này. Việc di dời, hoàn trả phải kết thúc trước ngày 30-4-2019. Thành phố thống nhất sẽ thiết kế lại toàn bộ CV thành khu vực đi bộ thưởng ngoạn trong không gian cây xanh, phục vụ người dân và du khách.