Đường đi của những món quà từ thiện (kỳ 2):

Khi tình thương bị…rao bán

Thứ Sáu, 15/03/2019 09:08

|

(CAO) Có ai ngờ, những hộp cơm, lon sữa, cái bánh… được chắt góp từ biết bao tấm lòng nhân ái, lại bị những người nhận được “hất hủi”, đem đi rao bán!

Tại khu vực trung tâm TP.HCM, hoạt động tiêu thụ quà từ thiện diễn ra nhộn nhịp hằng đêm.

Quà từ thiện bán cho ai?

Ng. “mập”, người phụ nữ trung niên sống trong một khu chung cư dưới chân cầu Ông Lãnh (Q.4), được giới “cái bang” ở TPHCM biết đến là “đầu nậu” chuyên đứng ra thu mua toàn bộ số quà từ thiện. Mỗi đêm, Ng. “mập” lại lên xe máy và rảo quanh khu vực trung tâm TP để săn hàng.

Vật dụng mua lại được từ các nhóm ăn xin, Ng. “mập” sẽ tiếp tục lọc lựa rồi bán lại cho các cửa hàng tạp hoá lân cận. Lẽ đương nhiên, ả ta mua một nhưng bán lại… mười! Cái “nghề” độc nhất vô nhị này mang lại cho chị ta một nguồn lợi nhuận đáng kể.

Tối 6-3, từ sâu trong một con hẻm ở Q.4, Ng. “mập” bắt đầu một đêm đi “săn” hàng từ thiện trên chiếc xe máy cà tàng của mình. Chúng tôi đã bí mật theo sát, ghi lại cuộc hành trình của người đàn bà này.

Sau một hồi vòng vèo, Ng. “mập” tiến về phía cầu Chữ Y (Q.5), vừa đi vừa nhá đèn báo hiệu cho nhóm “cái bang” ở phía trước. Thấy nhóm này ai cũng mang bịch đồ nặng trĩu trên tay, cô ta cười đắc chí vì sắp vớ được món hời.

Ng. “mập” (khoanh tròn) trong một lần đi thu mua quà từ thiện trên cầu Ông Lãnh, Q.1

“Bịch này 100 ngàn” – Ng. “mập” chốt giá cho một bịch đồ từ thiện trên tay một “cái bang” gồm sữa, bánh quy và nhiều thứ khác. Tuy vậy, người bán vẫn chưa đồng tình với cái giá rẻ bèo này nên vẫn kì kèo: “Toàn đồ ngon mà mua giá đó sao bán”.

Sợ người đi đường để ý, Ng. “mập” muốn kết thúc nhanh lẹ thoả thuận, tăng giá thêm: “50 ngàn nữa được không. Treo lẹ lên xe không người ta nhìn”. Thấy khó mặc cả được thêm, “cái bang” này vội treo túi đồ lên xe của “đầu nậu”, hớn hở nhận tiền.

Ng. “mập” nổ máy xe rời đi, mắt láo liên. Đồng hồ điểm 0 giờ, bà “trùm” cho xe quay đầu tiến thẳng về phía cầu Ông Lãnh, nơi gia đình U. “tửng” và các “cái bang” khác đang cắm chốt.

Số hàng từ thiện thu mua được sẽ được Ng. “mập” mang về nhà trữ, sau đó bán lại cho các tiệp tạp hoá

Tại đây, thấy bóng Ng. “mập” xuất hiện, một “cái bang” liền choàng dậy. Giống như lúc nãy, Ng. “mập” lại tiếp tục mặc cả trước khi chi tiền. Nhưng lần này, cuộc trao đổi của cả 2 bị “đứt gánh” do có sự xuất hiện của nhóm thanh niên lạ. Họ chính là những người vừa mang quà từ thiện đi tặng các “cái bang” này trước đó. Tận mắt chứng kiến những món quà mà mình vừa trao tay đang bị kì kèo mua bán, cả nhóm vô cùng bức xúc.

Thấy không khí căng thẳng, sợ có chuyện chẳng lành, Ng. “mập” hớt hải nổ máy xe chạy đi, bỏ lại “người bạn” lúc nãy của mình chịu trận. Trước hàng loạt câu hỏi truy vấn của nhóm thanh niên này, “cái bang” nói trên cũng đành… tháo chạy!

“Hồi nãy tụi em thấy hoàn cảnh của họ khổ quá nên tính quay lại giúp đỡ thêm. Ai ngờ…” – một người trong nhóm thiện nguyện nói với sự thất vọng hiện rõ trên khuôn mặt.

“Chiến lợi phẩm” sau một đêm “săn” quà từ thiện của Ng. “mập”

Những đêm tiếp theo, phóng viên tiếp tục có mặt tại nhiều địa điểm thường tập trung đông người ăn xin. Cũng như hàng loạt trường hợp trước đó mà chúng tôi chứng kiến, hoạt động tiêu thụ quà từ thiện diễn ra khá nhộn nhịp.

Khuya 8-3, phía trước cổng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, phóng viên bắt gặp một người đàn ông đi xe 2 bánh đang thu mua quà từ thiện của một nhóm người. Đêm hôm sau tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, ống kính của chúng tôi tiếp tục phát hiện một người phụ nữ di chuyển trên một xe lôi, âm thầm thu mua toàn bộ số cơm từ thiện vừa được phát trước đó vài phút.

Cái giá của niềm tin

Chúng tôi đã đến gặp những người đi bán quà từ thiện, để hỏi về suy nghĩ của họ. Và dường như, ai cũng đều cho rằng việc làm nói trên là “chẳng có gì phải suy nghĩ”.

“Nếu giả sử bản thân anh mang quà đi cho người khác vì tưởng họ nghèo, nhưng phát hiện ra bị lừa dối, anh sẽ như thế nào?”. Sau một hồi im lặng, “cái bang” U. “tửng” bao biện cho hành vi đáng bị lên án của mình, U. “tửng” bằng nói gọn trơn: “Không ăn, để làm chi”.

Màn hồi đáp có lẽ sẽ gây sốc cho người nghe, nhất là với những người bị lừa dối. Nhưng xét ở phương diện nào đó, thì câu nói trên đang thay cho một thực tế hiển nhiên. Mỗi đêm đóng giả làm người vô gia cư vật vạ trên lòng cầu, vệ đường, các “cái bang” nhận được không ít sự bố thí của người đi đường.

Đó có thể là hộp cơm, bịch bánh hay lon sữa… Nhưng với những “cái bang”, cái mà họ cần nhất luôn là tiền! “Tiền cho lẹ. Gọn nhẹ, dễ xài. Thử nghĩ coi, một ngày nhận được tới mấy hộp cơm, rồi các thứ khác, bụng đâu chứa” – một “cái bang” khác cát cứ trên cầu Chữ Y (Q.5) đã từng nói về điều mà anh ta cần.

Hai bạn trẻ này không thể ngờ những hộp cơm đong đầy ân tình của họ lại bị bán đi với giá rẻ mạt

Tiền thì ai cũng cần thật nhưng rõ ràng trong câu chuyện này, những người đi bán quà từ thiện đã không màng đến giá trị to lớn hơn mà anh ta nhận được, đó là tình thương! Có bao giờ U. “tửng”, Ng. “mập” hay hàng trăm “cái bang” khác đang từng ngày sống nhờ việc qua mặt người tốt, một lần nghĩ về giá trị của niềm tin?

Với những món quà từ thiện có được bằng lợi dụng tình thương của cộng đồng, mỗi ngày các “cái bang” nêu trên có thể thu lợi vài trăm ngàn đồng. Nhưng thứ mà họ mất đi đó sẽ là nhân cách bản thân. Sâu xa hơn, đó là hành vi góp phần tạo nên sự vô cảm trong xã hội, khiến niềm tin bị tổn thương, lòng tốt bị dập tắt.

Rồi sẽ ra sao khi những người thật sự cần sự giúp đỡ, chung tay của cộng đồng lại bị “ngó lơ”, mà nguyên nhân cốt yếu là do những trò lừa gạt như thế?

Cơm từ thiện được bán lại cho… heo

Không những thu mua bánh, sữa… để bán lại cho các tiệm tạm hoá, nhiều “đầu nậu” còn thu mua cả cơm, cháo từ thiện. Ở cầu Ông Lãnh, có đêm một “cái bang” nhận được tới mấy hộp cơm từ những người hảo tâm. Không thể ăn hết, họ bèn nghĩ cách bán lại cho “đầu nậu” để cho… heo ăn!

Ông T. – một “đầu nậu” thu mua cơm từ thiện tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM kể, mỗi ngày 2 đợt, ông thu về cả trăm hộp cơm mà nếu không tiêu thụ được sẽ bị vứt lăn lóc trên đường.

“Những phần cơm từ thiện do được mấy nhà hảo tâm tự nấu nên thường rất chất lượng, nhiều dinh dưỡng. Thiệt nếu bị vứt đi thì phí quá. Còn để đó thì đâu ai ăn nên tôi mua về bán lại cho mấy trang trại nuôi heo” – nghe câu nói này của ông T., chúng tôi nghẹn đắng giọng, không thể nói nên lời.

(Còn tiếp)...

Đường đi của những món quà từ thiện
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang