Đường đi của những món quà từ thiện (kỳ 1):

Những vở kịch trong đêm

Thứ Tư, 13/03/2019 14:51

|

(CAO) Tình thương là nghĩa cử không thể đo đếm bằng tiền. Nhưng nhiều khi, đồng tiền lại khiến một số người mờ mắt mà đem tình thương làm công cụ để… lọc lừa, rao bán!

Bằng cách đó, những kẻ vốn lành lặn, bình thường lại “hoá thân” thành người vô gia cư, nghèo khổ để rồi hằng đêm la lết trên các tuyến phố, nhận những món quà từ thiện của người hiền lương. Điều tra của phóng viên Báo Công an TP.HCM mang lại một sự thật trần trụi và đầy cay đắng!

Đằng sau những vẻ mặt bất hạnh ấy là biết bao toan tính, lọc lừa mà nếu không tinh ý nhận ra, bất cứ ai cũng dễ bị biến thành “nhân vật” trong một “vở kịch” được dàn sẵn! Khi màn đêm buông dài trên những tuyến phố, cũng là lúc các “diễn viên” đến giờ nhập vai…

Những “diễn viên” trên cầu Ông Lãnh

23 giờ khuya 4-3, nhưng mọi ngã đường ở trung tâm TP.HCM vẫn nhộn nhịp người qua lại. Phía xa trên cầu Ông Lãnh (Q1), gia đình của U. “tửng” nằm co ro trong sương lạnh. Đêm nào cũng vậy, U. “tửng” cùng vợ và 3 con nhỏ đều lếch thếch kéo về đây, rồi nằm vật vờ. Trông họ, chẳng khác nào những người đói khổ, vô gia cư.

Nửa tiếng sau, một nhóm thiện nguyện mang theo nhiều phần quà, hướng về phía gia đình U. “tửng” đang ngồi. “Sao khuya rồi mà anh chị không đưa các cháu về nhà, còn nằm trơ trọi ngoài này?” – một người trong nhóm bước đến, hỏi han.

Vợ U. “tửng” đưa tay che miệng, ho tràng dài rồi mới đáp: “Dưới quê khổ quá nên vợ chồng tui lên Sài Gòn ăn xin kiếm sống. Nhà đâu để về?”.

Gia đình U. “tửng” đang ngồi trên cầu Ông Lãnh (đoạn giáp ranh giữa Q.1 và Q.4) để vào vai diễn “kiếm ăn”

Động lòng trắc ẩn, cả nhóm nhanh chóng lấy từ trong túi đeo ra những hộp sữa, ân cần đưa vào lòng bà mẹ lam lũ. “Anh chị lấy sữa cho mấy cháu uống nhé!” – một cô gái trong nhóm người tốt động viên.

Chụp xong một vài kiểu ảnh, cả nhóm rời đi để lại gia đình U. “tửng” phía sau. “Diễn cả buổi mà chỉ được mấy hộp sữa bò” – gã chồng cau có vì món quà nhận được không như mong muốn. Nhưng tức khắc, mặt gã bỗng giãn ra khi phát hiện một nhóm từ thiện khác chuẩn bị tấp vào.

Hễ thấy có người mang quà từ thiện đến, đội quân giả dạng ăn xin lập tức bu lại nháo nhào

Lần này, thấy người cho quà đi trên xe ô tô, U. “tửng” hí hửng vì sắp vớ được “kèo thơm”. Một người phụ nữ tuổi trung niên mở cửa xe bước xuống, trên tay cầm theo xấp tiền dày cộm. U. “tửng” lại nháy mắt ra hiệu cho vợ diễn lại “bổn cũ”.

Vợ của gã vội vàng ôm vội lấy đứa con út đang nhắm nghiền đôi mắt, mặt ra vẻ đau khổ. “Đứa nhỏ bị gì vậy chị?”. Nghe người lạ hỏi, chị ta mới há miệng thỏ thẻ: “Cháu nó sốt nhiều ngày liền mà gia đình không đủ tiền cho con đi bệnh viện”. Gã chồng lúc này ngồi kế bên, mặt cũng ra vẻ buồn thiu, mắt rơm rớm, giang tay ôm vợ.

Những gì diễn ra trước mắt khiến người phụ nữ tốt bụng không cầm được lòng. Chị rút trong ví ra nhiều tờ tiền polyme rồi dúi vào tay người vợ, căn dặn: “Thôi cầm lấy chút tiền, vô tiệm thuốc tây thăm bệnh cho cháu”. Dứt lời, vị khách rời đi, thoáng chút ưu tư. Có lẽ, trong tâm khảm chị vẫn đang đau đáu về những phận đời côi cút giữa sương đêm. Nhưng trái lại, đôi vợ chồng “cái bang” lại đang cười tít mắt vì số tiền kiếm được từ việc lợi dụng tình thương của người khác.

"Chiến thuật" bao vây

Nhiều ngày liên tục đeo bám, phóng viên Báo CATP xác định gia đình U. “tửng” không phải người tỉnh lẻ như lời giới thiệu. Cả 2 hiện đang trú tại một căn nhà bên trong khu chợ Cầu Muối, Q.1. Hàng ngày, cặp vợ chồng này lại dắt díu nhau ra đầu cầu Ông Lãnh (điểm giáp ranh giữa Q.1 và Q.4) đóng giả làm người nghèo khổ để ăn xin, đến gần sáng mới về.

Không chỉ đôi vợ chồng này mới chọn “nghề cái bang” làm kế sinh nhai, ở cây cầu này còn có nhiều đối tượng khác cũng chung cách kiếm tiền lọc lừa như thế. Thủ đoạn ăn xin nêu trên “hái ra tiền” đến mức, mỗi đêm “giả khổ”, mỗi đối tượng kiếm được sơ sơ cũng vài trăm ngàn đồng từ sự thương xót của người đi đường.

Những “cái bang” giả này có một đặc điểm nhận dạng dễ nhận ra là luôn trùm kín mặt mày và cực kỳ sợ ống kinh máy ảnh

Đêm 6-3, khu vực giữa cầu Ông Lãnh lổm nhổm người ngồi chầu chực. Đội quân “cái bang” lúc này lên tới hơn chục người, được chia rải rác thành nhiều nơi. Những gương mặt hốc hác, trong bộ quần áo nhếch nhác, thất thểu… trông ngóng theo những ánh đèn xe qua lại. Họ gieo vào ánh nhìn của người đi đường niềm ái ngại, xót xa và chút ít chạnh lòng. Tất cả, vừa đủ để không ít người xa lạ sẵn sàng dừng xe dúi vào tay họ dăm ba đồng tiền thương cảm.

Một cặp thanh niên đi trên chiếc xe tay ga là “đợt mở hàng” đầu tiên cho nhóm ăn xin. Họ mang theo một bịch cơm hộp, trao tận tay từng người một với những lời chia sẻ đồng cảm.

Với vẻ mặt bất hạnh, kham khổ, những lời van lơn được từng người một trong nhóm ăn xin thốt lên. “Tui bệnh nặng lắm. Giờ còn tiền đâu chạy chữa. Cô chú làm phước cho bà già thêm ít đồng để sống được ngày nào hay ngày đó” – một bà lão trong nhóm này rên rỉ, ngỏ lời xin xỏ. Chẳng đặng lòng rời đi, cô gái mở ví rút ra thêm tờ 50 ngàn đồng để “làm phước”.

Nghề của người mẹ này là “ăn xin chuyên nghiệp”. Mỗi đêm chị ta có thể kiếm được vài trăm ngàn nhờ đứa con bé bỏng bồng trên tay

Chỉ chờ tới đó, 3 “người cùng khổ” khác cũng mò tới, cầu viện sự “thương tình giúp đỡ của quý nhân”. Chẳng thể làm khác, cô gái lại móc ví và tiền lại trao tay. Nhưng đó chưa phải là điểm dừng! Đám đông đang ngồi vật vờ ở phía thành cầu đối diện như thấy được “mồi ngon”, hùa nhau kéo tới. Đến lúc này thì cặp đôi tốt bụng dù không muốn làm khác cũng phải… làm khác. Họ lập tức lên xe đề máy chạy đi trong hoảng hốt!

Lại có một chiếc “xế hộp” đánh đèn xi – nhan chuẩn bị tấp vào. Những hạt gạo trắng tinh được bọc kỹ lưỡng thành bao 5 kg được người trên xe vác xuống. Nhưng số lượng của bố thí chỉ có hạn, còn số ăn xin đang chực chờ thì… đông! Khung cảnh hỗn loạn chẳng mấy chốc xảy ra. “Này, này! Của tôi đâu? Sao 2 người này có mà tụi tui không có?”. Những lời gắt gỏng phát ra từ miệng của một người phụ nữ mà trước đó, ai nhìn vào cũng tưởng chừng chị ta bị bệnh nan y. Từ chỗ là người đi ban phát, nhóm người trên xe bỗng trở thành… tội đồ!

Một đối tượng “kinh doanh thương hại bằng con trẻ” khác tại cầu Ông Lãnh

Bao gạo cuối cùng vẫn còn trên tay một thành viên của nhóm phát quà từ thiện. Nhưng bằng một tác động nào đó, nó đã “nhảy” sang tay của một “cái bang” khi người bố thí vẫn chưa biết cho ai (?). Những người ăn xin, chỉ ít phút trước được nhận diện với hình ảnh tội nghiệp, thê lương giờ trở thành một đám đông hung dữ. Cảnh tượng trước mắt khiến nhóm phát gạo ai nấy cũng mặt mày hớt hải. Họ vội chui vào xe, đóng cửa kính rời đi ngay.

Một thực tế được nhìn thấy là ở cầu Ông Lãnh, không phải ai cũng dùng thủ đoạn lọc lừa để nhận được quà từ thiện. Vẫn còn đó những hoàn cảnh cơ nhỡ cần sự giúp đỡ của cộng đồng, cần được san sẻ yêu thương. Nhưng những hình ảnh xấu xí mà chúng tôi nêu ở trên, đã từng ngày đánh mất niềm tin ở những người hiền lương muốn phát tâm giúp đời.

Không chỉ dừng ở việc đóng kịch ăn xin, kèo nài lấy tiền bố thí của người đi đường, câu chuyện “rao bán tình thương” mà chúng tôi đã nhìn thấy còn có cả một đường dây tiêu thụ quà từ thiện khá bài bản và trơn tru…

Dòng nhật ký chua chát về tình thương

Đêm 28 tháng Chạp. Cái Tết đã cận kề! Ngoài cầu Ông Lãnh, vẫn còn những nhóm người co rụm, cần sự giúp đỡ. Đâu đấy là tiếng khóc ré lên của một đứa trẻ con. Ngay hành lang cầu, một người phụ nữ mặt mũi lem luốc, nhếch nhác ngồi trên một tấm bạt được trải cẩn thận, tay vừa bế con vừa xuýt xoa: “Mẹ xin lỗi, mẹ xin lỗi con”. Thấy lạ, chúng tôi ghé lại. Chưa kịp bắt chuyện thì một người gần đấy lên tiếng: “Nó giành gạo mà để con nó té, khóc quá trời, tội ghê! Có gì thì cho nó đi!”. Người phụ nữ bế con đá mắt nhìn chúng tôi vẻ dò xét. Nhưng dường như biết chúng tôi chẳng có gì nên ngoảnh đi mà không nói thêm lời nào.

Chưa kịp hiểu hết chuyện thì từ phía xa, một đám người lững thững tiến đến. Nhiều người khập khiễng, vài người ngửa đôi bàn tay co quắp, miệng lẩm bẩm rằng “xin hãy rủ lòng thương”. Nhóm trẻ con chân trần chạy trước vẻ mặt như van nài. Bất ngờ, chúng tôi chỉ kịp lặp lại: “Mình không có gì để cho”. Người đàn ông đứng gần nhất rụt bàn tay lại: “Người cho người không! Không cho ghé lại làm gì! Biến đi!”. Đám người còn lại tản ra. Một bài học không thể trần trụi hơn của cuộc đời!

(Trích dòng nhật ký của Trần Thái Ý Linh (23 tuổi) - một tình nguyện viên hay phát quà từ thiện trên đường phố TPHCM - trong một đêm đi trao tình thương)

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang