Đường đi của những món quà từ thiện (kỳ cuối):

Đừng để lọc lừa đổi lấy tình thương

Thứ Sáu, 15/03/2019 09:22

|

(CAO) Tình thương không có giá và niềm tin cũng là… vô giá! Chúng tôi đã thật sự thấu hiểu giá trị này khi đi sâu thâm nhập vào thế giới của những “cái bang” sống bằng nghề mừa lọc sự cảm thương của xã hội.

Nhưng ở đây, vẫn còn một thắc mắc mà các tác giả của loạt phóng sự này vẫn chưa thể giải đáp nổi: Rồi những kiếp người sống bằng nghề lọc lừa ấy sẽ về đâu? Những người có lòng tốt là nạn nhân hay chính họ mới là nạn nhân của dòng đời thật – giả?

“Nghệ thuật” lừa

Người ta nói, nghề nào cũng vậy, khi chúng ta tập tành, rèn luyện nó thì từ kỹ năng sẽ chuyển sang kỹ thuật. Nhưng khi kỹ thuật đã đạt đến mức thượng thừa thì sẽ trở thành… nghệ thuật. Mà đỉnh cao của nghệ thuật lại chính là những kỹ năng cơ bản nhất, hành nghề như không hành nghề! Nói thế để hiểu, “cái bang” cũng là một nghề và chuyện lừa đảo thiên hạ để kiếm tiền, cũng có cả một trời “nghệ thuật” chứ chẳng chơi.

P. “lé” dặn đi dặn lại rằng mỗi một nhóm “cái bang” hoạt động ở thành phố đều được phân chia địa bàn rạch ròi. Mỗi địa bàn đều có một “đại bàng” tiếp quản. Do vậy nên luật “nước sông không động nước giếng”, tránh xâm phạm “chén cơm” của nhau, là bất thành văn. Nếu muốn yên thân kiếm tiền thì “việc ai nấy làm”, “cơm ai nấy ăn” và “mạnh ai nấy sống”.

Phần tiếp theo là “truyền nghề”. Gã nói, muốn trở thành một “cái bang” chính hiệu, ngoài tạo ra một vỏ bọc hoàn hảo bên ngoài như: quần áo, mũ nón rách bươm, băng gạc, thuốc đỏ… thì yếu tố quan trọng nhất chính là “diễn xuất”. “Nghệ thuật nằm ở chỗ này.

Nhóm “cái bang” của P. “lé” đang “hành nghề” xin tiền khách hành hương tại chùa M.Đ.Q. (Q.2)

Trước khi tiếp cận nhóm “cái bang” ở cầu Ông Lãnh, nhóm phóng viên cũng đã nhiều ngày rong ruổi trong vai những kẻ lang thang tại các chùa ở khu trung tâm TPHCM để “kết thân” được P. “lé” (một “đại bàng” chính hiệu của giới “cái bang” ở đây) với mục đích “tầm sư học thuật”.

Cuối cùng thì gã “cái bang” này vì thấy sự kiên trì của chúng tôi nên đã thuận ý. Chúng tôi được P. “lé” căn dặn đủ các điều lệ (hay còn gọi là “bang quy”) hà khắc trước khi “nhập hội”. Trong số đó, quy định về nơi ở, hay việc không được phép nói chuyện với người lạ, không để lộ về bí quyết hành nghề… là tối mật nhất!

Ăn tiền được thiên hạ hay không cũng ở chỗ này” – P. “lé” nhấn mạnh. Dứt lời, P. “lé” vận ngay một bộ quần áo mà hằng ngày y hành nghề vào để “thị phạm” cho “gà mới”. Trong phút chốc, người trước mặt chúng tôi không còn là một thanh niên lành lặn mà bị biến thành kẻ tật nguyền.

Hắn bắt đầu lết, vừa lết vừa nhăn nhó, vẻ mặt đau khổ tột cùng khiến chúng tôi hết sức ngỡ ngàng. “Nghệ thuật là chỗ đó” – P. “lé” nhắc lại thêm lần nữa trước khi căn dặn thêm một vài thứ cho màn “trình diễn” vào ngày mai của chúng tôi.

Sáng 19-2 (tức Rằm tháng Giêng), phóng viên được P. “lé” giao nhiệm vụ đến chùa M.Đ.Q. (Q.2) để “cắm chốt” cùng một vài phụ nữ, đóng giả làm người nghèo khổ xin ăn. Buổi trưa đứng bóng, dòng phật tử đến viếng chùa mỗi lúc một đông.

Và đương nhiên, chúng tôi cũng phải nhăn mặt bò lết suốt mấy tiếng ròng. Những đồng tiền được người tốt nhét vào khắp nơi trên cơ thể chúng tôi nhưng quả nhiên, họ không mảy may nhận ra được trò lừa.

Bài dạy của P. “lé” quả thật hiệu nghiệm, đến mức, có những khoảnh khắc chúng tôi thoáng nghĩ rằng kiếm bằng trò này sao dễ đến vậy! Hôm nay, P. “lé” không trực tiếp đi làm mà ngồi ở một góc xa, tỉ mỉ quan sát mọi hành động của các “đệ tử”. Sở dĩ y kỹ lưỡng như vậy là vì toàn bộ số tiền xin được từ khách hành hương sau đó sẽ được gom lại để P. “lé” phân chia.

16 giờ, khách viếng chùa M.Đ.Q. thưa dần, chúng tôi nhận “lệnh” chuyển về khu vực trung tâm TP tiếp tục “làm ăn”. Chiếc xe máy cà tàng nhanh chóng đưa những tay “cái bang” học việc tiến về địa điểm tập kết. Vị trí hành nghề được P. “lé” định sẵn là khu vực xung quanh công viên Tao Đàn, Q.1. Và lại là nhăn và… lết!

Phóng viên Báo CATP nhập vai ăn xin lết trên đường Bùi Thị Xuân, Q.1

Suốt một đoạn dài từ đường Bùi Thị Xuân đến đường Cánh Mạng Tháng Tám, chúng tôi trườn người xuôi theo dòng xe đông đúc. Cũng lại là những đồng polyme có được nhờ dụ dỗ được sự cảm thương của người khác. Nhưng sự ray rứt đã bắt đầu xuất hiện với những người nhập vai. Đồng tiền, lúc này đã mang một mùi vị hoàn toàn khác…

Thoáng nghĩ về nhận và cho

Tại chùa K.L. (Q.4, TP.HCM), chúng tôi gặp một đám trẻ gồm 4 đứa, có cả trai lẫn gái dắt díu nhau vật vạ nơi cổng chùa. Chúng xúm xít bên chân những người đến lễ Phật, giọng khẩn thiết: “Cô chú ơi cho con xin tiền mua sữa cho em, em con khát sữa”. Nhìn vẻ ngoài lấm lem đầy thương cảm, không ít người mủi lòng móc ví nhanh chóng. Phóng viên tranh thủ kết thân và rồi lân la hỏi chuyện các em.

Sau vài câu gợi mở về các nhân vật hoạt hình, như bắt được nhịp, đám trẻ hào hứng kể cho chúng tôi về Elsa, về Harry Potter… Những nhân vật điện ảnh mà chắc hẳn những đứa trẻ thiếu thốn điều kiện sẽ khó có thể rành rọt được.

Một nhóm trẻ bị cha mẹ đưa đi đóng kịch ăn xin tại đại lộ Mai Chí Thọ, Q.2

Bất ngờ hơn, 4 đứa trẻ là con của hai gia đình có đầy đủ cả cha lẫn mẹ. Đứa dạn dĩ nhất kể: “Con học lớp 3, nhà con ở Q.7. Ngày nào con cũng ra đây. Tới trưa thì ba ra chở về”.

Nhóm trẻ em được người lớn chăn dắt để... kiếm tình thương 

“Tiền xin được con làm gì” – chúng tôi hỏi. “Đưa mẹ mua đồ chơi cho con” – đứa bé đáp. Tò mò, chúng tôi hỏi thêm: “Ở đây cả đêm, không học bài hả”. “Không!”. “Vậy sao lên lớp được”. Thằng bé cười xòa, lại nói: “Con thích ra đây chơi, ra đây là có tiền, ở nhà chán lắm. Nhà con có 2 anh em, nhưng anh con không thích đi giống con. Anh toàn ở nhà chơi ipad thôi”.

“Ipad của anh con hả?”. “Của ba, ba con có điện thoại, có ipad, có nhiều thứ lắm” – thằng bé kể. Đến lúc này, chúng tôi mới bắt đầu đi sâu vào câu chuyện: “Thế mỗi ngày con xin được bao nhiêu tiền”. “Có bữa hai chục, có bữa năm chục, bữa nào đông thì hơn 100 ngàn” – một đứa bế em nói. “Ai dạy con xin?”.

Đứa trẻ kịp liếc mắt nhìn chúng tôi rồi nhanh nhảu đáp: “Con tự biết”. Thấy chúng tôi có vẻ nghi ngờ, đứa bé mới bẽn lẽn thú thật: “Mẹ con chỉ”. “Sao không để em ở nhà?” – chúng tôi chỉ vào đứa trẻ còn chưa bi bô được tiếng nào đã phải theo chị rong ruổi cả đêm ngoài trời. Con bé đáp ngay: “Dắt nó đi người ta mới thương”.

Nhóm trẻ ở ngôi chùa K.L., Q.4

Câu trả lời gọn lỏn nhưng đủ khiến nhiều người thảng thốt. Phải chăng sự toan tính đã đọng lại ít nhiều trong những đôi mắt trong veo ngồi đây? Nhưng xót xa hơn khi các em nào biết được bản thân mình bị biến thành công cụ kiếm tiền của chính những bậc sinh thành.

Đồng tiền, lúc này lại khiến chúng tôi – những người thực hiện loạt bài này – phải lắng lòng suy nghĩ! Các em còn quá bé nhỏ để nhận thức về việc mình đang làm nhưng nếu không nhờ những đồng tiền lừa lọc đó, thì đâu là kế sinh nhai để các em được sống, được học hành?

Gia đình luôn là nền tảng vững chãi, quan trọng nhất để phát triển một tương lai. Nhưng những ngày thâm nhập vào giới “cái bang” ở TP.HCM, chúng tôi lại bắt gặp không ít cảnh cha mẹ díu dắt con cái của mình đi theo để bày trò lừa lọc. Rồi những phận đời ấy sẽ về đâu? Những người có lòng tốt là nạn nhân hay chính người đi lừa gạt mới là nạn nhân của dòng đời thật – giả?

Chúng tôi, chắc chắn không thể trả lời thấu đáo câu hỏi đó vì suy cho cùng, muốn giải quyết một hiện tượng nhức nhối của xã hội, thì cần sự chung tay của cả cộng đồng!

Nguyên nhân gây ra những trò lừa lọc ăn xin trên đường phố, ngoài tác động từ môi trường xã hội, phần nào đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý… Nhưng quan trọng nhất, là ý thức của con người.

Cho và nhận, là nét nhân văn của con người. Nhưng cho như thế nào mới đúng cách và nhận làm sao để nghĩa tình, thì đó câu chuyện còn quá thênh thang…

Biên tập viên Nguyễn Thị Tóp – Đài ANTV:

Mỗi ngày đi làm, tôi lại thấy cảnh ăn xin vật vạ trên nhiều tuyến đường của thành phố mình. Dù cơ quan chức năng mấy năm qua làm rất quyết liệt, cấm hẳn ăn xin nhưng sau một thời gian vắng bóng, “cái bang” lại ra đường kiếm ăn.

Theo quan điểm cá nhân tôi thì rõ ràng, trách nhiệm của cơ quan quản lý là có. Nhưng để ăn xin cùng những chiêu trò, thủ đoạn của loại hình này có đất sống, tôi nghĩ rằng phần lớn là do ý thức chúng ta. Thấy một người tật nguyền bò lết giữa trời trưa nắng, một ông lão co cụm trong đêm lạnh trên hè phố, ai mà không xót. Nhưng nếu chúng ta tỉnh táo hơn, thấu hiểu hơn về cái gọi là “của cho không bằng cách cho” thì tấm lòng thiện nguyện của chúng ta sẽ được trao gửi đúng nơi đúng chỗ.

Thông qua loạt bài này của Báo CATP, tôi cũng rất mong cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quân kiểm soát chặt chẽ và quyết liệt hơn nữa để xoá những điểm nóng có nhiều đối tượng giả dạng ăn xin lừa người đi đường để lấy quà từ thiện, lấy tiền bố thí.

Xuân Nghĩa (ghi)

Đường đi của những món quà từ thiện (kỳ 2): Khi tình thương bị…rao bán
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang