Cả trăm doanh nghiệp sập bẫy “tập đoàn” tín dụng đen cực "khủng"

Thứ Sáu, 22/03/2019 14:55

|

(CATP) Ngày 21-3, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho biết vừa bắt nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp để cho vay nặng lãi với quy mô lớn.

Cụ thể, Công an đã bắt giữ 11 đối tượng, thu tại chỗ hơn 11 tỷ đồng, 3 ôtô Mercedes cùng nhiều tài sản, giấy tờ, tang vật các loại...

Điều đáng nói, nạn nhân của bẫy tín dụng đen này phần lớn là các doanh nghiệp.

“quà cáp” để tiếp cận doanh nghiêp

Cầm đầu đường dây là Triệu Đình Hoan (SN 1979, trú Khu đô thị Văn quán Hà Đông, Hà Nội; có 1 tiền án về tội “vi phạm quy định điều khiển phương tiện về giao thông đường bộ”, nhưng cho hưởng án treo).

Theo tài liệu của cơ quan công an, năm 2010, Hoan thành lập Công ty Cổ phần đầu tư Hải Linh (trụ sở tại xóm Chùa, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) để núp bóng điều hành đường dây tội phạm, hoạt động tín dụng đen dưới hình thức cho vay nặng lãi.

Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần đầu tư Hải Linh (Công ty Hải Linh), Hoan đăng ký kinh doanh các lĩnh vực xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính, nhưng thực chất núp bóng doanh nghiệp để cho vay nặng lãi.

Khách hàng của Hoan chủ yếu là các doanh nghiệp, hoặc cá nhân vay với mục đích đáo nợ ngân hàng. Tỷ lệ lãi suất Hoan cho vay dao động từ 2.000 đến 5.000 đồng/triệu/ngày. Nếu người vay chậm trả thì tiền lãi sẽ bị cộng vào gốc để tính lãi tiếp.

Chính thủ đoạn bắt chẹt này, trong một thời gian dài Hoan cùng đồng bọn đã thu được lợi nhuận rất lớn lên tới hàng chục tỷ đồng.

Các đối tượng trong băng nhóm tín dụng đen.

Ngay khi nắm được thông tin, lãnh đạo CATP Hà Nội đã trực tiếp chỉ đạo Phòng CSHS CATP Hà Nội tập trung triển khai ngay các biện pháp nghiệp vụ, thu thập tài liệu chứng cứ để triệt xóa ổ nhóm hoạt động cho vay với quy mô, tổ chức rất tinh vi.

Thượng tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Hình sự CATP Hà Nội cho biết, một trong những điểm khác biệt của thủ đoạn cho vay tín dụng đen với các vụ việc khác, là đối tượng vay phần lớn là các doanh nghiệp xây dựng có tài sản, nhưng tại một thời điểm nhất định lại đang gặp phải khó khăn về tài chính.

Theo tài liệu xác minh ban đầu, Công ty của Hoan cho khoảng 120 doanh nghiệp và cá nhân vay tiền với số tiền lên đến 1.600 tỷ đồng.

Kịch bản cho vay được nhóm đối tượng này đặt ra là quan tâm đến các khách hàng là doanh nghiệp có thu nhập cao, sau đó mua quà có giá trị để tặng. Tiếp đến, chúng cho doanh nghiệp vay tín dụng đen để mua đất.

Ngoài ra, bọn cho bay lãi nặng rất thân thiết với ngân hàng, nếu doanh nghiệp chịu vay tín dụng đen để mua đất, họ cam kết sẽ có trách nhiệm giúp doanh nghiệp thế chấp mảnh đất để vay tiền của ngân hàng với mức cao hơn giá trị của lô đất.

Vay 18 tỷ, mỗi tháng trả lãi 2,7 tỷ

Anh Trung - chủ một doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn cho biết, sau nhiều lần vay nợ tín dụng đen, lúc đầu anh vay thêm 6 tỷ đồng. Sau 4 tháng anh vay thêm 12 tỷ. Mục đích vay thêm này để mua tài sản đất đai, sau đó vay ngân hàng để trả nợ. Bởi thời điểm này, có người đồng ý bán cho anh Trung mảnh đất 18 tỷ, nhưng chỉ phải trả trước 12 tỷ đồng, số còn lại người này đồng ý cho anh Trung nợ khoảng 1 năm sau mới phải trả.

Lúc đó, theo tính toán của anh Trung, nếu đem mảnh đất này thế chấp ngân hàng, cộng uy tín công ty anh có thể vay được 18 đến 20 tỷ đồng. Như vậy vừa trả được khoản nợ tín dụng đen vừa vay, vừa có thể trả được khoản tín dụng đen vay trước đó.

Nhưng anh Trung lại không hình dung được, sau khoảng 3 - 4 tháng ngân hàng mới giải ngân thì số lãi đó nó đã lên đến con số “khủng”. Nếu ngân hàng giải ngân chậm 1 tháng thì 18 tỷ với lãi suất 150 triệu đồng/1 tỷ/tháng, anh Trung sẽ mất thêm 2,7 tỷ một tháng. Khi tá hỏa vì số nợ khủng đó, anh Trung không thanh toán được đành phải tắt điện thoại, đưa vợ con đi trốn.

Còn chị Minh, chủ của 2 nhà máy lớn cho biết, nắm bắt công ty của chị đang gặp khó khăn, người của Công ty Hải Linh đến với những lời ngon ngọt là cho vay nóng với lãi suất cực ưu ái. Tưởng gặp đối tác “tốt bụng”, khi họ đến còn mua nhẫn kim cương, túi hàng hiệu tặng chị; thậm chí còn tìm cách giúp công ty thoát khỏi khó khăn bằng việc chỉ chỗ mua đất giá hời rồi còn cho vay tiền mua, chị Minh liền đồng ý.

Nhưng đó chỉ là màn kịch lừa đảo và chị Minh đã “dính bẫy” mượn tiền của chúng để mua đất, rồi làm thủ tục vay ngân hàng. Quá trình vay ngân hàng không phải thời gian ngắn là vay được, nên chị Minh đã vay 10 tỷ với lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày.

Cho đến bây giờ, tính cả gốc và lãi lên đến 50 tỷ. Khi chị M. không có tiền trả, chúng cho người đến gây áp lực bằng cách, ép phải sang nhượng phần trăm cổ phần của công ty. Chị Minh không đồng ý thì bị chúng đánh đập gây hoang mang. Nạn nhân phải đến cơ quan điều tra trình báo toàn bộ sự việc.

Liên quan đến vụ việc này, thượng tá Nguyễn Bình cho biết, đây là một ổ nhóm hoạt động rất tinh vi, có tổ chức. Các đối tượng huy động mọi nguồn vốn lên đến vài nghìn tỷ, cũng đã cho doanh nghiệp vay đến 1.600 tỷ. Có những bị hại năm 2018 vay gốc 40 tỷ, đến nay trả lãi lên đến 100 tỷ. Khi đối tượng này bị bắt, doanh nghiệp vẫn nợ 137 tỷ.

Cũng theo thượng tá Bình, gần đây CATP Hà Nội phát hiện những phương thức hoạt động mới tinh vi. Các đối tượng tín dụng đen cấu kết cán bộ ngân hàng để gửi tiền tiết kiệm, sau đó làm giả sổ đi cầm cố để rút tiền. Thời gian tới, CATP Hà Nội tiếp tục đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm tội phạm liên quan đến tín dụng đen, nhằm hạn chế những hệ lụy phức tạp trên địa bàn để người dân yên tâm.

Thượng tá Bình khuyến cáo: Đề nghị người dân không nên tham gia hoạt động tín dụng đen bởi có rất nhiều hệ lụy, khi vay thì rất đơn giản nhưng khi không trả được thì bọn cầm đầu cho các đối tượng nhiều tiền án, tiền sự, cộm cán đến trấn áp. Khi người dân phát hiện có thông tin tín dụng đen, hãy trình báo cơ quan công an nhằm tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Bình luận (0)

Lên đầu trang