(CATP) Du lịch (DL) đường thủy được xem là sản phẩm chiến lược trong định hướng phát triển sản phẩm DL giai đoạn 2011 - 2015 của TPHCM. Trong đó, DL đường sông nội đô đang được định hướng phát triển với sự quan tâm của nhiều người (du khách quốc tế rất ưa chuộng) bởi TPHCM là nơi có nhiều dòng kênh uốn lượn trong lòng thành phố.
Nếu đưa DL đường thủy vào khai thác tốt, TPHCM sẽ có thêm sản phẩm DL ấn tượng mà khó có thành phố nào ở Việt Nam có được. Đặc biệt, hai tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ - Bến Nghé khá độc đáo, bao trọn cả khu vực trung tâm của thành phố, xuyên qua nhiều quận với các tuyến phố cổ từ khi đô thị này bắt đầu hình thành và phát triển, nên tập trung nhiều cảnh quan kiến trúc đặc trưng, tạo dấu ấn với du khách thập phương khi đến thăm thành phố.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Ngày 28-5-2015, chị Trần Anh Thy - Giám đốc Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn (Sài Gòn Boat) - đã gửi kiến nghị lên các cơ quan, ban ngành để được phép đầu tư và khai thác hai bến thủy nội địa ở dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhằm phục vụ việc phát triển đường thủy DL trên tuyến kênh này. Chị cho biết, hồ sơ thiết kế bến tàu đã hoàn tất tháng 1-2015, tuy nhiên vì nhiều lý do đến nay vẫn chưa được triển khai.
“Công ty đã theo sản phẩm DL này một năm rưỡi rồi. Vì sự mới mẻ và độc đáo ở TPHCM nên mình rất mong các cơ quan ban ngành tạo điều kiện để công ty sớm triển khai” - chị Anh Thy chia sẻ. Lãnh đạo công ty cũng cam kết, nếu bản kiến nghị được sớm chấp thuận, họ sẽ bắt tay vào thi công ngay cầu tàu (dưới nước) từ 20 - 30 ngày, phần công trình trên bờ trong khoảng ba tháng để kịp đưa vào hoạt động đúng dịp lễ Quốc khánh 2-9 tới.
Được biết, cuối năm 2014, UBND TP đã chấp thuận cho Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn khai thác đường thủy trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Công ty đã được chấp thuận mở hai bến thủy: một gần chung cư Nguyễn Ngọc Phương, quận Bình Thạnh - đối diện Thảo Cầm Viên và một gần cầu Lê Văn Sỹ (quận 3). Kinh phí đầu tư hoàn toàn bằng vốn của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, do còn vướng nhiều thủ tục nên chưa được xây dựng và khai thác. Dự kiến 10 thuyền chèo mang đặc trưng của Nam bộ cao khoảng 1m, sức chứa khoảng 20 người để có thể dễ dàng di chuyển khi con nước lên xuống do một số cầu bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thấp, tham quan dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn từ Thảo Cầm Viên đến chùa gần cầu Lê Văn Sỹ (quận 3).
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và DL TPHCM, tour đường sông là sản phẩm đang được tập trung phát triển. Hình thức DL trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dùng thuyền chèo tay sẽ hạn chế sử dụng thuyền có động cơ để tránh ảnh hưởng môi trường sinh thái của các loại cá sinh sống dưới kênh là rất độc đáo. Khách ngồi trên thuyền còn được thưởng thức các loại hình âm nhạc dân tộc như đờn ca tài tử và ngắm các kiến trúc hiện đại của TPHCM.
Nếu được đồng ý đưa vào khai thác sớm, DL bằng thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ tạo một điểm nhấn độc đáo cho DL thành phố, thu hút nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.