(CATP) Không chỉ bức xúc vấn nạn “cát tặc”, người dân Q9 (TPHCM) sống bên bờ Đồng Nai không đồng tình với dự án (DA) “Nạo vét duy tu và nâng cấp tuyến đường thủy sông Đồng Nai”. Bởi lẽ, đi kèm với đó là việc tận thu hàng chục triệu mét khối cát, bùn cát, bùn sét.
Theo họ, chính những xáng cạp trên các xà lan, với gàu múc tới 3,5m3, đang tung hoành trên dòng sông này sẽ tạo ra những tác hại vô cùng lớn.
Ảnh hưởng không nhỏ
Chỉ cho chúng tôi cây dừa nằm cạnh bờ sông, bà Hoàng Thị Bích Diệp (SN 1967, trú tổ 22, KP.Phước Thiện, P.Long Bình, Q9) cho biết cách nay một năm, phần đất sát bờ sông của bà tính từ cây dừa ra còn tới 5 mét, nhưng hiện cây dừa đã sát mép nước. Lúc nước cạn, phía dưới thân cây lộ ra những hàm ếch ăn sâu vào trong. Theo bà Diệp, DA trên thực chất chẳng khác gì khai thác cát.
Dự án “Nạo vét duy tu và nâng cấp tuyến đường thủy sông Đồng Nai” đoạn từ rạch Ông Nhiêu đến cầu Đồng Nai có khối lượng nạo vét xấp xỉ 10 triệu mét khối cát, độ sâu đến -10m, DA do Công ty cổ phần hàng hải và đầu tư phát triển Hiệp Phước (Công ty Hiệp Phước) làm chủ đầu tư (CĐT) và được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho phép thực hiện, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) phê duyệt, báo cáo đánh giá tác động môi trường ngày 16-2-2012.
Xáng cạp nạo vét tận thu sản phẩm trên sông Đồng Nai - Ảnh: Báo CATP
Sau khi được Bộ GTVT chấp thuận chủ trương cho phép nạo vét theo hình thức tận thu cát sỏi, lấy thu bù chi và không sử dụng ngân sách nhà nước, phía Hiệp Phước đã nạo vét khai thác cát từ tháng 2-2012 với 6 xáng cạp trên sông Đồng Nai, đoạn tiếp giáp với phường Long Phước, Q9 khi chưa đăng ký tận thu khoáng sản theo quy định.
UBND TPHCM sau đó đã kiến nghị Bộ GTVT ngưng thực hiện DA này, vì thực chất chỉ là khai thác cát. Nếu để CĐT tiếp tục thực hiện sẽ khiến tình trạng sạt lở bờ sông Đồng Nai ngày càng nghiêm trọng... Vì thế DA đã tạm ngưng một thời gian. Ngày 9-9-2014, sau khi Sở TN-MT TPHCM chấp thuận - cho đăng ký tận thu sản phẩm, DA trên đã được Công ty Hiệp Phước triển khai tiếp trên đoạn sông khoảng 3,7km, với 4 xáng cạp có sức nâng từ 45 - 88 tấn, bốn xà lan tự hành và 4 đầu kéo, thời gian triển khai kéo dài tới 1 năm.
Theo ông Nguyễn Gia Hưng - Chủ tịch UBND P.Long Bình - trước đây UBND đã có văn bản kiến nghị không thực hiện tiếp DA trên. Trong quá trình DA tiến hành, địa phương cũng nhận được phản ánh của người dân về việc xáng cạp hoạt động quá gần bờ, thời gian kéo dài so với quy định. Hiện công tác giám sát CĐT có tuân thủ quy định hay không, chủ yếu dựa vào các đoàn kiểm tra của Sở TN-MT thực hiện.
Chúng tôi đã dùng thuyền ra tận nơi, ghi nhận hiện vẫn có 4 xáng cạp đang hoạt động. Ngoài số xà lan đã đăng ký với Sở TN-MT còn có 4 xà lan tự hành đậu tại khúc sông thuộc ấp Long Đại, thường xuyên xoay tua để vận chuyển cát, sỏi. Có thể nói, so với “cát tặc”, việc tận thu sản phẩm để bán của phía Hiệp Phước chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến bờ sông tại khu vực Q9, bởi lẽ việc nạo vét quá lớn ở độ sâu -10 mét sẽ khiến cát từ chân cồn chảy ngược ra sông.
Cần xử lý nghiêm
Trở lại với nạn “cát tặc” hoành hành tại ấp Trường Khánh, chúng tôi đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh - Chủ tịch UBND P.Long Phước. Theo bà, hiện kinh phí phòng chống “cát tặc” của phường chỉ được UBND Q9 cấp 100 triệu đồng/năm, phần lớn dùng vào việc mua xăng tuần tra và bồi dưỡng cho cán bộ mỗi đêm 20.000 đồng. Ca-nô cũng chưa có mà phải mượn ghe của bảo vệ dân phố. Vừa qua, phường vừa được cấp chiếc ca-nô để tuần tra thì chưa được hai ngày đã hỏng, buộc địa phương phải trả lại cho Q9.
Trước đây để chống “cát tặc”, địa phương đã lập chốt dân phòng tại nhà người dân ở cuối ấp Trường Khánh. Nhưng do các đối tượng hút trộm cát liên tục đe dọa nên chốt gác đó không thể duy trì. Trước đây, khi đối tượng rút “lù” đánh đắm phương tiện, địa phương cũng thuê trục vớt với giá 5 triệu đồng, nhưng từ năm 2014 đến nay mức này không còn phù hợp. Do đó, phần lớn phương tiện đắm đều nằm ở đáy sông hoặc được chính “cát tặc” vớt lên tiếp tục vi phạm.
Cũng theo bà Thanh, sở dĩ “cát tặc” hoành hành là do việc xử lý các đối tượng vi phạm chưa nghiêm. Bởi lẽ, cũng là hành vi trộm cắp nhưng với số tài sản trị giá 2 triệu đồng đã bị xử lý hình sự, còn trộm một ghe cát lên tới hàng chục triệu đồng chỉ bị xử lý hành chính.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ công tác đấu tranh chống “cát tặc” gặp nhiều khó khăn còn do Nghị định (NĐ) 142/2013/ NĐ-CP ban hành ngày 24-10-2013, có hiệu lực từ 15-12-2013. Theo đó, các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ khoáng sản không có chứng từ chứng minh nguồn gốc, không được coi là vi phạm hành chính. Chính vì thế, sau khi NĐ ra đời, bến bãi cũng mọc nhanh như nấm, phương tiện vận chuyển khoáng sản nhân cơ hội mặc sức tung hoành mà không sợ bị phạt, bất chấp khoáng sản đó có nguồn gốc hay không.