(CATP) Việc đạt được thành công xuất sắc trong chống dịch Covid-19 cùng các chính sách hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp liên tục được Chính phủ đưa ra trong thời gian qua đang giúp kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh chóng. Từ đó, giới chuyên gia dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2020 của Việt Nam sẽ đạt khoảng 2,8%.
Theo báo cáo Triển vọng toàn cầu, quý 4-2020 được công bố ngày 7-10 của Ngân hàng UOB có dự báo mức tăng GDP của Việt Nam vào quý 3-2020 là 3% (so với dự báo 4,5% trước đó), và vào quý 4-2020 là 4% (so với dự báo 5,5% trước đó). Điều đó sẽ khiến dự báo tăng trưởng của cả năm 2020 là 2,8% (so với dự báo trước đó là 3,5%) nhưng sẽ đạt tới 7,1% vào năm 2021 (so với dự báo trước đây của chúng tôi là 6,6%).
Sở dĩ UOB có dự báo trên, xuất phát từ việc Việt Nam đã đạt được thành công xuất sắc trong việc chống dịch Covid-19, được Ngân hàng Thế giới ca ngợi là "một ngôi sao sáng trong bối cảnh ảm đạm vì Covid-19" vào ngày 28-5. Tiếp đến, là khi làn sóng Covid thứ hai bùng phát tại thành phố du lịch Đà Nẵng vào ngày 25-7 - Việt Nam cũng đã kiểm soát tốt. Cụ thể, Đà Nẵng đã chấm dứt giãn cách xã hội từ ngày 18-9 trừ năm loại hình dịch vụ. Nhờ vậy, kinh tế Việt Nam tạm thời bị ảnh hưởng trong quý 3-2020 và đà phục hồi đang trở lại được dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn vào quý 4-2020.
Xuất khẩu sang EU tăng mạnh
Trên thực tế, sự phục hồi kinh tế đang diễn ra ở các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Công thương, 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Ông Terence Alford - Giám đốc Phòng Thị trường Vốn và Dịch vụ Đầu tư Công ty Colliers International tại Việt Nam - nhận xét: Một trong những động lực thương mại quan trọng nhất giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi chính là xuất khẩu. Và Hiệp định EVFTA đang hỗ trợ thêm cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam ra ngoài khu vực ASEAN.
Chỉ tính riêng tháng 8, kim ngạch XK của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 3,78 tỷ USD, đưa kim ngạch XK từ Việt Nam sang thị trường EU đạt 25,92 tỷ USD, tăng gần 600 triệu USD so với bình quân 7 tháng đầu năm. Nhiều mặt hàng XK của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU, trong đó một số nông sản XK sang EU như: Tôm nước lợ, cà phê, chanh dây, gạo... Nhiều mặt hàng khác như điện thoại và linh kiện, máy móc, thiết bị phụ tùng, dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ... cũng đang kỳ vọng lớn.
Những dẫn chứng trên cho thấy tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 sẽ ở mức 2,8% - đây là mức tăng ấn tượng trong thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2020.