Lãng phí điện tái tạo, ai chịu trách nhiệm?

Thứ Sáu, 26/05/2023 13:21

|

(CATP) Vì sao việc đàm phán về giá mua điện sạch gặp khó khăn và kéo dài? Bộ trưởng Bộ Công thương (CT) Nguyễn Hồng Diên cho biết không phải vướng về giá, mà là công suất, tức hiện nay đã đủ tải rồi. Còn vì sao phải nhập khẩu (NK) điện, Bộ trưởng CT trả lời: Đã ký hiệp định mua điện của nước ngoài rồi nên không thể đàm phán cắt được. Đó có thể là lý do khiến 4.600MW điện tái tạo (ĐTT) phải "trùm mền"?

Đàm phán giá mua điện sạch: Lúng túng như gà mắc tóc!

Từ đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã dự báo khả năng thiếu điện trong mùa khô nên kịp thời chỉ đạo Bộ CT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bằng mọi cách phải bảo đảm nguồn điện cho sản xuất (SX) và sinh hoạt.

Chỉ đạo này buộc Bộ CT và EVN phải nhanh chóng bảo đảm nguồn cung. Lẽ ra phải tìm cách đưa 4.600MW điện tái tạo (điện mặt trời - ĐMT, điện gió - ĐG) đang tồn đọng, sẵn sàng phát điện thương mại lên lưới điện quốc gia, thì EVN lại nhanh chóng NK điện từ Lào và Trung Quốc, dù giá cao hơn?

Một trong các nguồn cung điện còn lại, Chính phủ yêu cầu phải bằng mọi cách huy động hết nguồn điện của các dự án (DA) ĐTT đang "tồn đọng" vì nhiều lý do, chủ yếu là về giá bán. Việc huy động nguồn cung ứng điện này cũng là cách giúp các nhà đầu tư (NĐT) giải tỏa được vấn đề tài chính đang "đè” lên các doanh nghiệp (DN).

Thực ra các dự án ĐTT đã ách tắc từ lâu. Từ tháng 7/2022, Bộ CT đã gửi văn bản lên Thủ tướng báo cáo về cơ chế đối với các dự án ĐG, ĐMT chuyển tiếp. Vấn đề lớn nhất trong việc đàm phán mua ĐTT của các DA này là về giá. Các DN đầu tư muốn bán với giá FIT (giá điện hỗ trợ ban đầu để khuyến khích các DN đầu tư vào dự án ĐTT, áp dụng từ 31/12/2017 đến hết ngày 31/12/2020). Các DN lấy lý do vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các DA chậm tiến độ. Trong khi đó, EVN muốn mua điện sạch của các DA chuyển tiếp (bỏ giá FIT) theo khung giá như Quyết định (QĐ) 21/QĐ-BCT ngày 10/01/2023. Đây là khung giá làm cơ sở để EVN và các đơn vị phát ĐMT, ĐG chuyển tiếp thỏa thuận giá phát điện. Tuy nhiên, các DN điện sạch cho rằng mức giá đó bất hợp lý, cần tính toán lại, kiến nghị giữ những điều khoản ưu đãi.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại buổi thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sáng 25/5. Ảnh: Quochoi.vn

Tranh chấp này kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ phát điện thương mại của các DA, đồng thời khiến các DN đầu tư bị chôn vốn lâu hơn. Chỉ tính riêng tổng vốn đầu tư 34 dự án ĐG, ĐMT đã hoàn thành, sẵn sàng phát điện từ đầu năm 2023, các DN đã chôn vốn khoảng 85.000 tỷ đồng, đẩy các DN đối mặt với nguy cơ nợ xấu.

Đó là lý do khiến 36 nhà đầu tư ĐTT chuyển tiếp từ đầu năm 2023 đã có văn bản kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về những bất cập trong cơ chế giá, muốn bán điện cho EVN theo giá khuyến khích (FIT), tuy nhiên thời hạn áp dụng giá FIT đã hết.

Tranh chấp về giá mua điện sạch kéo dài, cho đến khi vào mùa nắng nóng, trước nguy cơ thiếu nguồn cung ứng điện, Chính phủ đã yêu cầu Bộ CT rằng đến ngày 31/3, EVN phải đàm phán xong giá bán điện với các đơn vị SX điện sạch. Tình hình vẫn gần như giậm chân tại chỗ, nên ngày 17/5 Văn phòng Chính phủ có Thông báo 182/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ CT khẩn trương có văn bản trước ngày 20/5/2023 chỉ đạo EVN đàm phán với các chủ đầu tư (CĐT) về mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới điện. Tuy nhiên, cho đến nay bộ này và EVN vẫn lúng túng như gà mắc tóc trong việc đàm phán giá mua điện sạch.

Thêm 20 nhà máy thống nhất giá bán điện với EVN

Bức xúc, ngày 23/5 nhóm 23 NĐT các dự án ĐTT đang đàm phán giá chuyển tiếp với EVN đã gửi văn bản lên Bộ trưởng Bộ CT Nguyễn Hồng Diên kiến nghị sớm có hướng dẫn về mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới, thực hiện thanh quyết toán theo hợp đồng mua bán (HĐMB) điện (PPA). Theo kiến nghị, đến nay EVN chưa nhận được hướng dẫn của Bộ CT nên quá trình đàm phán sửa đổi, bổ sung HĐMB điện cho các DA tiếp tục vướng mắc.

Một ngày sau đó, hôm 24/5 Bộ CT và EVN lại tổ chức Hội nghị với CĐT các DA năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp để làm rõ và tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục đàm phán giá điện. Tại hội nghị này, EVN cập nhật đến ngày 24/5 có 37/85 dự án NLTT chưa có giá gửi hồ sơ cho Công ty mua bán điện thuộc EVN (EVNEPTC) để đàm phán giá mua bán điện; vẫn còn 48 DA chưa gửi hồ sơ đàm phán giá điện và EVNEPTC cũng đã có văn bản đề nghị các CĐT này tiếp tục cung cấp hồ sơ tài liệu DA phục vụ công tác đàm phán, thỏa thuận giá điện.

Theo EVN, trong số 37 DA đã gửi hồ sơ thì đến ngày 24/5, EVN nhận được đề nghị áp dụng giá tạm tính của 24 DA.

Cũng tại hội nghị này, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN - cho biết: EVN rất muốn các CĐT dự án ĐTT hợp tác với EVN, EVNEPTC để sớm đưa các nhà máy (NM) thuộc đối tượng chuyển tiếp phát lên lưới điện. Cũng theo ông Nhân: "Hiện có 20 NM thống nhất giá tạm với EVN, được Bộ CT thông qua. Các NM còn lại được chúng tôi mời đến hôm nay là để lắng nghe có gì vướng mắc không, sớm xúc tiến thủ tục để thực hiện giá tạm như 20 NM trên".

Cánh đồng "pin" năng lượng mặt trời dưới chân Núi Cấm của Nhà máy điện mặt trời Sao Mai, An Giang. Ảnh: VŨ SINH/TTXVN

Thông tin gây ngạc nhiên

Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, khi đề cập đến vấn đề lãng phí nguồn điện sạch, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tiết lộ thông tin đáng ngạc nhiên. Theo đó, ông đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ CT Nguyễn Hồng Diên về vướng mắc vì sao không huy động nguồn ĐTT, mà lại NK điện. Theo ông Phớc, nếu vướng về giá thì Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ CT cùng xây dựng giá, bảo đảm giải tỏa vốn ứ đọng mà các DN làm điện sạch đã bỏ vốn, vay ngân hàng để đầu tư. Tuy nhiên, theo ông Phớc, Bộ trưởng Bộ CT Nguyễn Hồng Diên thông tin rằng không phải vướng về giá, mà về công suất, tức hiện nay chúng ta đủ tải rồi.

"Tôi có hỏi lại: Nếu đã đủ tải rồi thì tại sao lại cho làm? Còn nếu đã làm rồi thì tại sao không giảm bớt điện đã mua của nước ngoài?", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết. Theo ông Phớc, Bộ trưởng Bộ CT trả lời đã ký hiệp định mua điện của nước ngoài rồi, nên không thể đàm phán cắt được. "Đấy là nguyên nhân và chúng ta phải đi tận gốc rễ của vấn đề để thấy được nguyên nhân từ đâu và giải quyết thế nào", ông Phớc nói.

Đến bây giờ người dân mới hiểu nguyên nhân chính của vấn đề vì sao một nguồn điện sạch lớn như vậy vẫn "đắp chiếu", vì đã lỡ ký hiệp định mua điện của nước ngoài và truyền tải quá tải! Ngạc nhiên chưa?

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) cho rằng, người dân rất bức xúc việc tại sao phải NK điện, trong khi nguồn ĐMT, ĐG lên tới 4.600MW đến nay vẫn chưa được hòa lưới? "Cũng là tài sản quốc gia, sao lại lãng phí như thế? Thủ tục là do ta đặt ra, vì sao không cải tiến để hòa lưới 4.600MW mà lại phải đi mua điện của Trung Quốc, Lào?" - đại biểu Minh nhấn mạnh.

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) bày tỏ: "Tôi cho là rất lãng phí khi hàng trăm dự án NLTT đã được Nhà nước quy hoạch, cấp phép xây dựng, thế nhưng khi thực hiện xong lại không thể đấu nối, phát điện, trong khi nền kinh tế thiếu điện, phải mua điện của Lào, Trung Quốc... Tôi cho rằng giải pháp lâu dài cho ngành Điện là cần nghiên cứu, tìm ra phương án tối ưu để bảo đảm an ninh năng lượng... Trong đó, cần có cơ chế giá hợp lý để các NM điện tư nhân, các DA điện NLTT tham gia vào kinh doanh điện".

Thực ra vấn đề đủ tải và quá tải đã được đặt ra từ những năm trước khi có sự gia tăng nhanh chóng của các loại hình NLTT, khiến việc vận hành và quản lý hệ thống truyền tải gặp không ít khó khăn.

Đây là vấn đề khập khiễng, lỗ hổng, hay nói cách khác là khả năng dự báo kém trong Quy hoạch điện VII được lập cách đây hơn 10 năm, khi mà năng lượng điện sạch còn đắt đỏ và chưa có nhiều nghiên cứu về việc tích hợp các dạng nguồn phi truyền thống này vào lưới điện quốc gia. Sự phát triển của lưới truyền tải không theo kịp nguồn điện đã khiến có những thời điểm quá tải cục bộ.

Nhưng vì sao khi Chính phủ đã có chính sách khuyến khích đầu tư năng lượng điện tái tạo từ cuối năm 2015 bằng Quyết định 2068/QĐ-TTg, với mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các hoạt động NLTT và phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050, mà ngành Truyền tải điện không chuẩn bị để đón nhận?

Vậy nếu huy động hết 4.600 MW điện tái tạo còn tồn đọng, cộng với lượng điện từ Lào và Trung Quốc, liệu hệ thống truyền tải có quá tải?

Những câu hỏi như vậy đang làm cho Bộ CT và EVN bối rối...

EVN bị lỗ có phải do năng lực quản lý?

Tại phiên thảo luận hôm qua, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) phản ánh những băn khoăn của cử tri về việc điều chỉnh tăng giá điện.

Theo bà Yên, từ năm 2010 đến nay EVN đã 8 lần điều chỉnh tăng giá điện, bình quân từ 1.058 đồng/kWh lên 1.864,44 đồng/kWh (vào năm 2019), đến nay vẫn tiếp tục báo lỗ và đề nghị tăng giá điện.

Cử tri cho rằng, cùng một hệ sinh thái nhưng công ty mẹ thì báo lỗ trong khi các công ty con vẫn công bố lợi nhuận cao trong năm 2022. Cụ thể, 2 DN thuộc EVN là Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Phát điện 2 đều đạt lợi nhuận sau thuế trong năm 2022 lần lượt là 2.550 tỷ đồng và 3.668 tỷ đồng.

Vậy nguyên nhân chính của khoản lỗ này do đâu? Nếu nói rằng do giá đầu vào tăng cao, gồm nhiên liệu, lãi vay hay lỗ tỷ giá thì các công ty con cũng đối diện với những khó khăn này, tại sao ra kết quả khác nhau? Đây có phải là vấn đề về năng lực quản lý?

Bình luận (0)

Lên đầu trang