Cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả để bảo vệ thương hiệu: Vẫn còn gian nan

Thứ Năm, 25/05/2023 15:31

|

(CATP) Dù lực lượng chức năng TPHCM đã phát hiện nhiều vụ làm nhái, làm giả thương hiệu và một số đối tượng làm ăn phi pháp đã bị kết án, nhưng theo đại diện Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn, doanh nghiệp này vẫn còn nhiều trăn trở trước thực trạng hàng gian, hàng giả bủa vây.

Vì lợi nhuận, bất chấp pháp luật

Cách đây không lâu, TAND Q.Bình Tân (TPHCM) đã mở phiên xử sơ thẩm vụ án hình sự "sản xuất, buôn bán hàng giả” đối với các bị cáo: Hà Bảo Châu (46 tuổi, ngụ Q.Tân Phú), Nguyễn Vinh Quang (30 tuổi), Đỗ Quang Hải (31 tuổi, cùng ngụ Q.Bình Tân). Chỉ vì muốn kiếm lợi bất chính, các đối tượng này đã mua nguyên liệu trôi nổi, sản xuất mũ bảo hiểm (MBH) giả thương hiệu Nón Sơn rồi bán ra thị trường với giá rẻ. Cái giá phải trả cho hành vi này là bản án nghiêm khắc của pháp luật. Xét thấy hành vi của các bị cáo gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp và tiềm ẩn nguy hiểm khôn lường cho người sử dụng khi đi xe máy trên đường, Hội đồng xét xử tuyên phạt Hà Bảo Châu 7 năm 6 tháng tù, Đỗ Quang Hải 7 năm 3 tháng tù, cùng về 2 tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Riêng Nguyễn Vinh Quang lãnh án 7 năm 3 tháng tù về tội buôn bán hàng giả.

Rời khỏi phiên tòa, những người trong cuộc vẫn ngổn ngang nhiều câu hỏi. Việc làm giả, làm nhái các thương hiệu nổi tiếng trên thị trường, trong đó có nhãn hiệu Nón Sơn, thu về số lợi nhuận lớn đến mức nào mà khiến nhiều đối tượng lại bất chấp pháp luật, lao vào thực hiện (dù số lợi nhuận thực tế theo lời khai của các bị cáo là không đáng kể, có khi chỉ vài triệu đồng)? Vì sao nhiều cơ sở, cá nhân bị xử phạt nhiều lần, thậm chí bị tuyên án, vẫn tiếp tục quay lại sản xuất hàng giả, hàng nhái thương hiệu để kiếm sống?...

Lực lượng QLTT TPHCM kiểm tra một cửa hàng kinh doanh mũ bảo hiểm

Được biết, đây không phải là lần đầu các bị cáo trên vi phạm trong lĩnh vực này. Các bị cáo đã liên tục tái phạm về cùng hành vi, cứ bị phát hiện, bắt giữ hàng hóa ở nơi này thì lại đổi sang nơi khác để sản xuất MBH giả thương hiệu Nón Sơn rồi chào bán cho các cửa hàng cũng như các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee, qua ứng dụng Zalo, mạng xã hội Facebook... Đáng nói hơn, dù nhóm đối tượng này bị bắt thì lại có nhóm đối tượng khác vi phạm cùng hành vi, khiến cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái để bảo vệ thương hiệu Nón Sơn vô cùng khó khăn, gian nan.

Khi thương hiệu nón sơn kêu cứu

Những tháng đầu năm 2023, Công ty Thời trang Nón Sơn đã nhận được nhiều công văn của lực lượng chức năng, yêu cầu gởi hình ảnh làm cơ sở xác nhận hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Kèm theo đó là nhiều vụ cơ sở, cá nhân đang kinh doanh MBH giả nhãn hiệu Nón Sơn bị phát hiện, ít thì vài chục cái, nhiều lên đến hàng trăm cái. Chưa kể Công ty Thời trang Nón Sơn từng phối hợp với lực lượng chuyên trách của TPHCM phát hiện nhiều đường dây sản xuất MBH, nón kết giả nhãn hiệu Nón Sơn với số lượng lên đến hàng chục ngàn cái, trị giá vài chục tỷ đồng.

Theo đại diện Cục QLTT TPHCM, nhiều năm qua đơn vị liên tục ra quân, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, nỗ lực đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... Trong đó, các Đội QLTT thường xuyên phát hiện nhiều cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm giả nhãn hiệu của các doanh nghiệp uy tín. Nổi cộm là việc mua bán MBH, nón kết giả nhãn hiệu Nón Sơn. Trên cơ sở xử lý vi phạm hành chính đối với các cá nhân, cơ sở liên quan, toàn bộ sản phẩm hàng giả, hàng nhái đều bị tịch thu và tiêu hủy.

Hiện nay, tình trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của các doanh nghiệp và gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Thời gian qua, dù đối mặt với không ít khó khăn, nhưng Công ty Thời trang Nón Sơn vẫn là một trong những doanh nghiệp rất quyết liệt trong công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái; thường xuyên phối hợp cùng lực lượng chức năng phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm về hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Nón Sơn trên địa bàn.

Các Đội Quản lý thị trường (QLTT) thuộc Cục QLTT TPHCM trong thời gian qua đã phát hiện nhiều hộ kinh doanh bán MBH mang nhãn hiệu và logo Nón Sơn, với cùng các đặc tính: không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ, không ghi nhãn hàng hóa theo quy định, không có hồ sơ công bố hợp quy, trên sản phẩm không dán tem CR... Tuy nhiên, vì số lượng MBH mà mỗi hộ vi phạm ít nên phần lớn chỉ bị xử phạt hành chính và buộc tiêu hủy số hàng hóa liên quan. Thêm một câu hỏi được đặt ra là còn bao nhiêu đối tượng đang "ẩn mình" để sản xuất MBH giả nhãn hiệu Nón Sơn, cung cấp cho các đối tượng kinh doanh nhỏ lẻ rộng khắp địa bàn thành phố? Điều này chứng tỏ việc sản xuất, buôn bán MBH giả nhãn hiệu Nón Sơn vẫn đang diễn biến phức tạp, đồng nghĩa với việc khách hàng mua MBH thương hiệu với giá rẻ thì chắc chắn tiềm ẩn nguy cơ khi sử dụng lúc ngồi trên xe máy chạy trên đường.

Thương hiệu Nón Sơn vốn rất quen thuộc với hàng trăm cửa hàng trải dài từ Bắc chí Nam. Chính sự khẳng định vị trí thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường với nhiều mặt hàng như: MBH, nón vành, nón kết vải... nên giá cả của Nón Sơn so với thị trường chung là tương đối cao. Vì vậy, thực tế không thể tồn tại sản phẩm nào mang thương hiệu này lại được rao bán với giá rẻ bất ngờ. Tuy nhiên, do thương hiệu nổi tiếng nên Nón Sơn luôn nằm trong "tầm ngắm" của không ít cá nhân, cơ sở hám lợi bất chính, muốn sản xuất hàng nhái, hàng giả để tung ra thị trường "câu" khách.

Nghiêm trọng hơn, có đối tượng còn lấy tên công ty và logo Nón Sơn để giao dịch với khách trên các trang mạng xã hội và ứng dụng như Facebook, Zalo... Có một dạo, chúng tôi vào trang "Cửa hàng Nón Sơn" trên mạng Facebook để tham khảo sản phẩm. Người quản lý trang này cho biết hiện Nón Sơn chính hãng giảm giá còn 150 ngàn đồng nếu mua 1 cái, mua 2 cái là 270 ngàn đồng, 3 cái là 400 ngàn đồng (được miễn phí giao hàng); kèm thêm giấy chứng nhận đạt chuẩn (chắc chắn là được làm giả), cho khách được kiểm tra hàng trước khi thanh toán, bảo hành toàn quốc 12 tháng, không ưng ý có thể trả lại...

Một cửa hàng kinh doanh mũ bảo hiểm bị lực lượng chức năng kiểm traF

Khi thấy khách không phản hồi lại, người quản lý trang "Cửa hàng Nón Sơn" liên tục nhắn tin chào mời mua. Khách viện cớ không mua hàng online mà muốn trực tiếp đến cửa hàng để tiện lựa chọn thì bên bán nhắn địa chỉ với lời nhắc khéo "mua online thì giá 150K (tức 150 ngàn đồng - PV), còn đến cửa hàng mua trực tiếp thì giá sẽ là 250K/MBH". Khi chúng tôi đến địa chỉ theo hướng dẫn thì phát hiện chỗ đó đang kinh doanh ăn uống, hoàn toàn không bán MBH.

Cần xử lý nghiêm

Rõ ràng việc làm giả thương hiệu của công ty nổi tiếng rồi bán ra thị trường với giá rẻ của các bị cáo không chỉ gây ra những thiệt hại tính giá trị bằng tiền mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu Nón Sơn, khiến khách hàng giảm niềm tin về sản phẩm, ảnh hưởng đến thu nhập của quản lý, công nhân viên... Do đó, trong bất cứ phiên tòa xét xử nào, đại diện Công ty Thời trang Nón Sơn cũng đều yêu cầu TAND xét xử "đúng người, đúng tội", đặc biệt là cần áp dụng mức phạt nghiêm khắc nhằm răn đe các đối tượng đã và đang kiếm sống bằng hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, có một thực tế dễ nhận thấy là dường như những bản án nghiêm khắc trên rất cần thiết, nhưng vẫn không đủ "thấm" với những đối tượng bị mờ mắt vì lợi nhuận bất chính. Đó là nguyên nhân khiến hoạt động phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn chưa thể giải quyết tận gốc, làm các doanh nghiệp chân chính lâm vào tình cảnh lao đao.

Vì muốn bảo vệ uy tín của thương hiệu nên suốt bao nhiêu năm qua, Công ty Thời trang Nón Sơn luôn đặc biệt chú trọng công tác chống hàng nhái, hàng giả. Dù vất vả bộn bề khi vừa phải lo sản xuất, kinh doanh, nhất là để bảo đảm cuộc sống của hàng ngàn công nhân, vừa phải chạy ngược, chạy xuôi phối hợp với cơ quan chức năng trong cuộc chiến phòng, chống hàng gian, hàng giả, có quá nhiều thiệt hại trước mắt và lâu dài không thể cân đo, đong đếm hết được, nhưng ông Nguyễn Ngọc Tý (Giám đốc điều hành, đại diện Công ty Thời trang Nón Sơn) khẳng định: "Chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc!".

Thiết nghĩ, bên cạnh sự nỗ lực vào cuộc, điều tra, xử lý của chính quyền địa phương và cơ quan công an hay những bản án nghiêm khắc của tòa án, đã đến lúc người tiêu dùng cần sáng suốt nhìn nhận vấn đề và vai trò của mình trong quá trình tham gia hoạt động mua bán trên thị trường. Bởi dù do vô tình hay hữu ý, có thể bản thân khách hàng lại "tiếp tay" mua sản phẩm, tạo doanh thu và nuôi sống các cá nhân, cơ sở chuyên làm hàng nhái, hàng giả nhãn hiệu.

Bình luận (0)

Lên đầu trang