Nhiều lần dây dưa, không chấp hành bản án có hiệu lực
Bản án phúc thẩm 31/2022/KDTM-PT ngày 16/12/2022 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên: Cảng Quy Nhơn (Bình Định) trả cho Công ty TNHH Vận tải biển Cửu Long (P2, Q.Tân Bình, TPHCM) hơn 53,48 tỷ đồng và Cảng Quy Nhơn tiếp tục thực hiện hợp đồng (HĐ) kinh tế 274/CUULONG/2016/01.02 ngày 12/10/2016 (HĐ 274) về thuê tàu lai với Công ty Cửu Long.
Trước đó, ngày 09/01/2023, Cảng Quy Nhơn gửi Viện KSND tối cao đơn đề nghị Giám đốc thẩm và hoãn THA. Sau 3 tháng không xem xét được Giám đốc thẩm, ngày 10/4, Cục THADS tỉnh Bình Định ra Quyết định (QĐ) tiếp tục THA. Ngày 21/4, Cảng Quy Nhơn nộp hơn 53,48 tỷ đồng. Ngày 28/4 và 04/5, Cục THADS Bình Định chi trả tiền trên cho Công ty Cửu Long.
Bất ngờ, ngày 12/5/2023, lãnh đạo Cảng Quy Nhơn yêu cầu tất cả cán bộ công nhân viên ký văn bản (VB) kêu cứu gửi đến 14 cơ quan quản lý Nhà nước, nội dung nêu: "bản án 31 đã gây thiệt hại phần vốn Nhà nước hơn 53,48 tỷ đồng". Lẽ ra, VB này phải được gửi trước khi thực hiện THA.
Trụ sở Công ty CP Cảng Quy Nhơn (TP.Quy Nhơn, Bình Định)
Bản án 31 không gây thiệt hại phần vốn Nhà nước tại Cảng. Thứ nhất, ngày 26/1/2021, ông Phan Tuấn Linh - nguyên TGĐ Cảng Quy Nhơn ký VB 130/CV-QNP, nội dung: "Quan hệ tranh chấp giữa Công ty Cửu Long với Công ty CP đầu tư khoáng sản Hợp Thành (quản lý, điều hành Cảng Quy Nhơn trước ngày 29/6/2019) là trước khi thực hiện CPH, để Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) quản lý và điều hành Cảng".
Như vậy, thiệt hại theo bản án 31 là phần vốn của tư nhân (Công ty Hợp Thành), không ảnh hưởng đến vốn của nhà nước (Vinalines). Theo báo cáo tài chính của Cảng Quy Nhơn, số CP của Công ty Hợp Thành còn trên 12% và lãi cổ tức năm 2022 đang được Cảng quản lý. Vì vậy, Cảng có quyền trích số tiền này để thực hiện THA.
Thứ hai, theo Biên bản lấy lời khai ngày 27/12/2021 của TAND tỉnh Bình Định: từ ngày 01/7/2017 đến 05/12/2018, Cảng Quy Nhơn đã xuất hóa đơn GTGT và thu tiền của khách hàng 2.262 lượt lai dắt (tàu) với hơn 84,6 tỷ đồng. Cảng đã thanh toán cho Công ty Cửu Long 2.262 lượt với hơn 51,8 tỷ đồng (hơn 47,1 tỷ đồng + thuế GTGT 10%). Cảng đã chiếm giữ tiền còn lại hơn 32,7 tỷ đồng trong hơn 5 năm (từ ngày 01/7/2017 đến 21/4/2023). Cảng mới THA hơn 24,4 tỷ đồng, vẫn còn lãi ròng gần 10 tỷ đồng phí lai dắt nên không có việc "thiệt hại phần vốn Nhà nước". Bản án 31 đã được thông qua các cấp tòa trước khi xét xử công khai, 3 cơ quan giám sát vụ án rất kỹ lưỡng là Viện KSND tỉnh Bình Định, Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng và Viện trưởng Viện KSND Tối cao.
Ngày 10/5/2023, Cục THADS Bình Định ra Thông báo tổ chức buổi làm việc THA để tiếp tục thực hiện HĐ, yêu cầu ông Lê Hồng Quân - TGĐ Cảng Quy Nhơn và lãnh đạo Công ty Cửu Long có mặt để làm việc. Tuy nhiên, ông Quân vắng, ủy quyền (không hợp pháp) cho ông Phạm Đăng Cao - thành viên HĐQT Cảng Quy Nhơn đến làm việc THA. Ông Cao có hành vi lăng mạ, nói nặng nề làm nhục lãnh đạo Công ty Cửu Long. Chấp hành viên đã nhắc nhở nhưng ông Cao vẫn cố tình phát ngôn thiếu văn hóa: "Cảng Quy Nhơn tiếp tục thực hiện HĐ 274 là bố thí cho Công ty Cửu Long". Trước sự việc này, lãnh đạo Công ty Cửu Long ra về, không thể làm việc.
Quyết định tiếp tục thi hành án
Bản án 31 có hiệu lực từ ngày 16/12/2022, nay đã hơn 5 tháng, Cảng Quy Nhơn có nhiều việc làm nhằm dây dưa, chống đối, không chấp hành phần còn lại là tiếp tục thực hiện HĐ với Công ty Cửu Long.
Chống chỉ đạo cấp trên, tranh thủ bổ nhiệm nhân sự cấp cao
Cảng Quy Nhơn liên minh với một số cán bộ để lợi ích thông qua HĐ số 03.2019/QNP-PTL với Công ty TNHH TMVT Phúc Trường Linh. Theo đơn tố cáo ngày 30/3/2020 của ông Trần Văn Nguyên - cán bộ CNV có CP tại Cảng, gửi Vinalines và các cơ quan, tố cáo ông Phan Tuấn Linh - nguyên TGĐ và ông Nguyễn Hữu Phúc - nguyên Phó TGĐ thường trực Cảng Quy Nhơn vi phạm.
Ngày 15/6/2020, Vinalines ký VB số 1392 kết luận đơn tố cáo: "HĐ 03.2019/QNP-PTL ngày 08/4/2019 về thuê tàu lai khai thác tại Cảng Quy Nhơn, thời hạn HĐ 10 năm, đơn giá thuê tàu hàng tháng năm 2019 là 2,7 tỷ đồng/tháng, hàng năm đơn giá thuê tàu được tự động điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng. Với tổng giá trị HĐ là 2,7 tỷ đồng x 12 tháng x 10 năm = 324 tỷ đồng, là vượt quá 35% tổng giá trị tài sản ghi trong báo cáo tài chính gần nhất ngày 31/12/2018 với hơn 646,7 tỷ đồng. HĐQT ra Nghị quyết thông qua HĐ 03.2019/QNP-PTL khi chưa thông qua đại hội cổ đông là vượt quá thẩm quyền và vi phạm Khoản 2 Điều 162 Luật Doanh nghiệp 2014".
Như Chuyên đề CATP đã có loạt bài phản ánh, ngày 18/9/2018, TTCP kết luận, chỉ ra nhiều sai phạm của Bộ GTVT, UBND tỉnh Bình Định; kiến nghị thu hồi 75,01% CP Cảng Quy Nhơn về sở hữu Nhà nước. Ngày 29/6/2019, Vinalines tiếp nhận 75,01% CP từ Công ty Hợp Thành. Trong các VB mà Vinaline gửi Cảng đều yêu cầu ban lãnh đạo cũ trong thời gian chuyển giao không được ký giao dịch nào làm phát sinh hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của Cảng. Tuy nhiên, ông Lê Hồng Thái - nguyên TGĐ Cảng Quy Nhơn cố ý làm trái khi bổ nhiệm nhân sự cấp cao là ông Nguyễn Hữu Phúc làm Phó TGĐ và ủy quyền cho ông Phúc ký HĐ với Công ty Phúc Trường Linh.
Ông Phan Tuấn Linh - nguyên TGĐ ký QĐ tái bổ nhiệm ông Phúc giữ chức Phó TGĐ thường trực Cảng Quy Nhơn, trong khi ông Phúc đang bị kỷ luật theo QĐ 2240-QĐ/ĐUK ngày 11/7/2019 của Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh. Cụ thể, ông Phúc có hành vi xác định giá trị doanh nghiệp CPH Cảng Quy Nhơn khi lựa chọn nhà đầu tư chiến lược không đúng Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011; Thông tư 202/2012/TT-BTC ngày 30/12/2011 và Thông tư 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013; không xử lý Công ty Hợp Thành vi phạm HĐ mua bán CP. Cổ đông sáng lập của Công ty Hợp Thành không đảm bảo pháp lý nên không thể bán đấu giá công khai CP của Nhà nước tại Cảng Quy Nhơn.
Hợp đồng của Cảng Quy Nhơn với Phúc Trường Linh là vi phạm
Trước khi tiếp nhận Cảng Quy Nhơn, ngày 28/12/2018 và 08/3/2019, Vinalines có các VB gửi Cảng Quy Nhơn: "Vinalines đề nghị Công ty Hợp Thành chỉ đạo người đại diện phần vốn tại Cảng Quy Nhơn: không thực hiện các hoạt động thanh lý, mua, bán tài sản tại Cảng; ổn định tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm soát hoạt động tài chính, tài sản, nhân sự, đảm bảo giá trị vốn, tài sản không khác biệt lớn so với hồ sơ Cảng tại thời điểm gần nhất với thời điểm TTCP ban hành Kết luận cũng như các quy chế, quy định của Cảng. Để bảo toàn vốn trong giai đoạn chuyển giao, Vinalines sẽ có VB đề nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) phối hợp giám sát các hoạt động quản lý vốn, bảo toàn vốn, tài sản tại Cảng Quy Nhơn".
Mặc dù nhận được 2 VB này nhưng ông Phúc vẫn ký HĐ với Công ty Phúc Trường Linh với giá trị 324 tỷ đồng. Trong khi vốn điều lệ của Cảng chỉ có 404 tỷ đồng. HĐ không thông qua đại hội cổ đông là trái Điều lệ Cảng Quy Nhơn. Cũng vì điều này nên xảy ra tranh chấp giữa Cảng với Công ty Cửu Long và bản án 31 buộc Cảng phải bồi thường thiệt hại do vi phạm HĐ. Ông Phúc ký HĐ trái pháp luật, không có giá trị pháp lý (nên cần buộc hủy bỏ HĐ) với Công ty Phúc Trường Linh nên ông Phúc phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do Cảng Quy Nhơn dừng HĐ với Công ty Cửu Long.
Việc lợi ích nhóm thể hiện qua HĐ 03.2019/QNP-PTL. QĐ 515/QĐ-CQN ngày 26/5/2016 của TGĐ Cảng Quy Nhơn bổ nhiệm ông Trần Tuấn Nghĩa (SN 1973, ngụ TPHCM) giữ chức Phó TGĐ. Tháng 10/2019, ông Phan Tuấn Linh ký QĐ thôi việc và đưa ông Nghĩa sang quản lý đội tàu lai của Công ty Phúc Trường Linh. Bản chất Công ty Phúc Trường Linh là "sân sau", làm bình phong và liên quan đến các cựu lãnh đạo Cảng Quy Nhơn gồm: Phan Tuấn Linh (người có phần vốn nhiều nhất trong đội tàu lai Công ty Phúc Trường Linh), Nguyễn Hữu Phúc, Trần Tuấn Nghĩa, Trần Vũ Thanh Quang, Phạm Đăng Cao - đại diện phần vốn của Công ty Hợp Thành.
Ông Linh và ông Lê Hồng Quân vi phạm Khoản 2 Điều 162 của Luật Doanh nghiệp 2014, khi sử dụng HĐ 03.2019/QNP-PTL trái pháp luật, dẫn đến dừng HĐ 274 và tranh chấp giữa Công ty Cửu Long với Cảng kéo dài nhiều năm. Cảng Quy Nhơn không chấp hành bản án 31 nên ông Linh và ông Quân là người gây thiệt hại và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cán bộ công nhân viên và các cổ đông tại Cảng, gây tổn thất nặng nề về tài chính của Công ty Cửu Long do vi phạm dừng HĐ từ năm 2019 đến nay.
Công ty Cửu Long đã gửi đơn tố cáo các hành vi vi phạm của các cán bộ trên nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp; đề nghị các cơ quan vào cuộc để bảo vệ tài sản Nhà nước tại Cảng. Đồng thời, Công ty cũng đề nghị Cục THADS Bình Định yêu cầu Cảng Quy Nhơn nghiêm túc chấp hành bản án 31, tiếp tục thực hiện HĐ 274.