Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia:

Bài 2: Bù đắp khó khăn

Thứ Ba, 23/05/2023 09:44

|

(CATP) Trước vấn đề được dư luận quan tâm: Liệu mức tăng 3% có đủ để bù đắp cho khó khăn tài chính của EVN, theo ông Nguyễn Xuân Nam - Phó tổng giám đốc EVN, sau điều chỉnh tăng giá điện từ ngày 04/5/2023, EVN sẽ tăng doanh thu thêm khoảng 8.000 tỷ đồng trong năm 2023, góp phần giúp EVN giảm bớt khó khăn. Để bảo đảm nguồn cung, không thiếu hụt điện là vấn đề vô cùng quan trọng, hiện hàng chục nhà đầu tư (NĐT) điện tái tạo (điện gió, điện mặt trời) nêu khó khăn và Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch điện VIII - Ưu tiên về điện tái tạo...

Tiết kiệm, cắt giảm chi phí

Ngoài việc kêu gọi các đơn vị SX thay đổi công nghệ để giúp giảm tiêu hao điện, thì mỗi hộ gia đình khi SD nguồn điện cần nâng cao ý thức TK điện một cách đúng mức, sẽ góp phần rất lớn vào việc giảm chi phí tiền điện. Bên cạnh đó, về phần mình, EVN cũng đã và đang quyết liệt thực hiện TK chi phí để giảm bớt khó khăn tài chính. Đơn cử, năm 2022, EVN và các đơn vị TK 10% chi phí thường xuyên thì năm 2023, mức này sẽ tăng lên 15%; hay với hạng mục sửa chữa lớn, năm ngoái EVN và các đơn vị cắt giảm 30% chi phí, năm nay sẽ cắt giảm 40%. Ngoài ra, EVN cũng cắt giảm chi phí nhân công, quản trị các khoản để giảm giá thành điện...

Đối với vận hành hệ thống điện, EVN đã, đang huy động tối đa các nguồn điện có giá thành rẻ; song song đó tiến hành đàm phán với các NĐT nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) (gió, mặt trời) để có sự hài hòa lợi ích giữa các bên. EVN cũng sẽ làm việc với các nhà cung ứng nhiên liệu khí, than, qua đó đề nghị đối tác chia sẻ khó khăn, giảm giá đầu vào nhiên liệu than, khí cho SX điện. Đối với nhiệt điện - nguồn điện chạy nền cho hệ thống điện, ngoài sự cung ứng nhiên liệu từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản và Tổng công ty Đông Bắc, EVN đã yêu cầu các đơn vị thành viên chủ động tìm kiếm nguồn than để bảo đảm việc vận hành.

EVN cũng thực hiện nghiêm các giải pháp TK điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sẽ báo cáo Chính phủ thực hiện các giải pháp hỗ trợ. Với những giải pháp tổng thể như vậy, EVN hy vọng sẽ giảm bớt khó khăn về tài chính. Theo đó, việc thanh toán cho các bên bán điện cho EVN cũng sẽ giảm được khó khăn.

Người dân và doanh nghiệp chung tay tiết kiệm điện

Trong chương trình đối thoại mới đây, lãnh đạo EVN cho biết hiện tình hình cung ứng điện 2023 gặp rất nhiều thách thức, dự báo mùa hè năm nay sẽ nắng nóng kỷ lục trong khi tình hình thủy văn không thuận lợi. EVN đang rất nỗ lực để vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định; đồng thời kêu gọi người dân, doanh nghiệp (DN) chung tay TK điện ở mức cao nhất. Qua đó, thiết thực giúp mỗi hộ gia đình giảm chi phí sinh hoạt, các DN giảm giá thành SX, tăng sức cạnh tranh sản phẩm. Đối với hệ thống điện, sẽ góp phần giúp giảm căng thẳng trong vận hành mùa cao điểm nắng nóng.

Ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII - Thúc đẩy sự phát triển của NLTT. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 hay còn gọi là Quy hoạch điện VIII không chỉ nhằm bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu điện, mà còn kỳ vọng đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội đến năm 2050.

Điểm đáng chú ý nhất của Quy hoạch điện VIII, theo các chuyên gia chính là việc ưu tiên phát triển mạnh các nguồn NLTT. Theo quy hoạch trên, tỉ lệ điện tái tạo khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030 và mục tiêu đến năm 2050, tỉ lệ NLTT lên đến 67,5 - 71,5%. Sự đột phá này sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh NLTT của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Vì sao nhiều nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió kêu cứu?

Để làm sao vừa TK điện, SD điện hiệu quả, bên cạnh ý thức TK điện là rất cần thiết thì bảo đảm nguồn điện để cung cấp mang tính liên tục (không bị cắt do thiếu điện) cũng vô cùng quan trọng.

Theo văn bản kiến nghị về khắc phục những bất cập trong xây dựng và ban hành cơ chế giá phát điện nhà máy điện mặt trời (ĐMT), điện gió (ĐG) chuyển tiếp của 36 NĐT có các dự án (DA) ĐMT, ĐG chuyển tiếp tại Việt Nam và Hiệp hội DN gửi đến Thủ tướng Chính phủ, 36 NĐT dự án ĐMT, ĐG, như Hiệp hội ĐG và ĐMT Bình Thuận, Công ty CP điện gió Hướng Linh 3, Công ty CP điện gió Chư Prông Gia Lai, Công ty CP điện gió Hướng Linh 4, Công ty TNHH MTV Nexif Energy Bến Tre, Công ty CP Super Wind Energy Công Lý Bạc Liêu, Công ty CP Super Wind Energy Công Lý Sóc Trăng, Công ty TNHH MTV năng lượng Viên An Cà Mau, Công ty CP phong điện Hải Anh Quảng Trị... cho rằng: "Với tư cách là các NĐT dự án ĐMT, ĐG, chúng tôi thực sự cảm kích và bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với "Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam" được phê duyệt năm 2015 và "Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu" năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm cụ thể hóa các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26 năm 2021. Trên thực tế, giới đầu tư chúng tôi đã góp phần đưa tổng công suất lắp đặt các nguồn ĐMT, ĐG từ mức không đáng kể trong giai đoạn trước năm 2019 tăng lên 26% tổng công suất hệ thống điện VN vào năm 2021".

Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) được thúc đẩy phát triển qua Quy hoạch điện VIII

Cũng theo các nhà đầu tư ĐMT, ĐG, thì do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, có 84 dự án NLTT đã chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch, làm cho các DA này không kịp hưởng giá điện cố định (FIT) như quyết định (QĐ) của Thủ tướng Chính phủ năm 2018... Trong đó, đặc biệt nhóm 34 DA chuyển tiếp (gồm 28 DA điện gió và 6 DA điện mặt trời) đã hoàn tất thi công, hoàn thiện công tác thử nghiệm bảo đảm đủ điều kiện huy động. Các NĐT đang phải chờ đợi trong thời gian dài để ban hành cơ chế giá điện mới làm tiền đề cho việc thỏa thuận giá bán điện với EVN.

Nguy cơ phá sản

Cũng theo các NĐT dự án ĐMT, ĐG, các chính sách áp dụng cho những DA chuyển tiếp gần đây đã được Bộ Công thương ban hành, như Thông tư 15 (quy định về phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy ĐMT, ĐG chuyển tiếp), QĐ21 (ban hành khung giá điện nhà máy ĐMT, ĐG chuyển tiếp), Thông tư 01 (quy định thực hiện phát triển dự án ĐG, ĐMT và hợp đồng mua bán điện mẫu). Tuy nhiên, theo các NĐT thì: "Các quy định khiến chúng tôi vô cùng lo lắng và quan ngại sâu sắc do những bất cập về pháp lý cũng như hiệu quả tài chính, làm chúng tôi có thể lâm vào tình trạng thua lỗ, phá sản".

Điện gió được phát triển mạnh tại Việt Nam

Cũng theo văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, các nhà đầu tư ĐMT, ĐG cho rằng họ quan ngại các văn bản sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu phát triển bền vững mà Chính phủ đề ra. Các NĐT dự án ĐMT, ĐG cũng cho rằng, chỉ tính riêng 34 DA đã hoàn thành đầu tư xây dựng, ước tính tổng vốn đã đầu tư gần 85.000 tỷ đồng, trong đó khoảng trên 58.000 tỷ được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng, sẽ có nguy cơ phá vỡ phương án tài chính, nợ xấu, DN và ngân hàng không thể thu hồi vốn. Về lâu dài, cơ chế giá không đạt hiệu quả sẽ dẫn đến việc dừng hoặc chậm đầu tư các DA năng lượng, dẫn tới không bảo đảm an ninh NL, không thực hiện được các chính sách và cam kết về chuyển dịch NL, giảm phát thải carbon và lộ trình cắt giảm khí thải của Chính phủ, đồng thời làm giảm cơ hội tạo chuỗi cung ứng nội địa và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Với mong muốn tạo dựng cơ chế phù hợp với thực tiễn, mang lại hiệu quả đầu tư và tuân thủ quy định hiện hành về khuyến khích đầu tư phát triển NLTT, các nhà đầu tư ĐMT, ĐG cũng đã trình bày về các quan điểm chưa phù hợp trong việc ban hành cơ chế giá phát điện cho các DA chuyển tiếp đồng thời gửi các kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ.

(Còn tiếp...)

Bài 1: Nỗi lo giá điện của người thu nhập thấp
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang