(CATP) Tuy mới đầu vụ nhưng giá muối tại “thủ phủ” ở miền Trung đã rớt thê thảm. Một lần nữa kịch bản được mùa, mất giá tái diễn khiến diêm dân là người khổ nhất.
Rớt giá ngay đầu vụ
Một ngày đầu tháng tư, chúng tôi trở lại các đồng muối ở xã Trí Hải, huyện Ninh Hải - nơi được coi là “thủ phủ muối” của tỉnh Ninh Thuận. Mới đầu mùa nhưng nắng đã rất gắt, nhiệt độ “leo thang” từng ngày, đây là điều kiện thuận lợi để diêm dân ra đồng làm muối, nhưng điều trớ trêu là trên những cánh đồng muối ấy lại thưa thớt diêm dân.
Trên ruộng muối
Chị Lê Thị Hải cho biết: “Mới đầu năm nhưng người làm muối lại thấy buồn vì giá thấp, hiện chỉ có 300 đồng/kg. Nếu ruộng muối nhà nào đẹp (có độ trắng cao) thì bán được 350 - 400 đồng/kg. Vào chính vụ, muối thu hoạch nhiều, diêm dân đang lo giá sẽ thê thảm hơn”. Qua tìm hiểu của chúng tôi, vụ muối năm trước giá đã quá thấp trong khi không bán được, người làm muối lâm cảnh khó khăn. Do đó, vào vụ mới, diêm dân chẳng hào hứng gì, nhiều người đành bỏ xứ đi làm thuê cho các lò hấp cá, làm công theo thời vụ... Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Ninh Thuận có khoảng 1.500ha muối, nhưng mấy năm gần đây giá xuống thấp nhất, bằng 1/5 so với năm 2008.
Tại các đồng muối thuộc thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), diêm dân đang thu hoạch vụ mới, hiện bán khoảng 400 đồng/kg. Một số đơn vị, doanh nghiệp sản xuất muối trên địa bàn cũng lao đao không kém. Ông Trương Công Hiến, Chủ nhiệm Hợp tác xã muối 1-5 (xã Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa) cho biết: “Chúng tôi không sợ muối tồn kho vì đã có hợp đồng thu mua với nhiều thương lái. Tuy nhiên, lo nhất là giá bán ra quá thấp, khiến thu nhập của các xã viên cũng ảnh hưởng theo”.
Lao đao với nghề
Theo nhiều diêm dân, làm muối cực nhọc nhất trong các nghề nông, tuy có thời điểm thăng hoa nhưng càng về sau càng chật vật. Bởi vậy nên có một thực tế là những người trẻ tuổi ít ai gắn bó, dù đây là nghề truyền thống. Ông Nguyễn Văn Bảy, ở xã Ninh Thủy, Ninh Hòa, cho biết gia đình đã 3 đời làm muối nhưng chẳng có ai khá giả. “Hơn 30 năm trước làm muối cho thu nhập khá, nhưng càng về sau càng khó khăn”, ông tâm sự.
Tại vùng chuyên canh muối của xã Tri Hải (Ninh Thuận) dù nghề này có truyền thống lâu đời nhưng cũng có người phải bỏ, do thu nhập bấp bênh. Anh Bùi Thanh Tú, đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề nhưng chưa năm nào sung túc. Vậy nên, từ chỗ có 7 lao động làm muối, nay chỉ mình anh bám trụ, phần vì phải chăm lo bố mẹ già, phần không tìm được công việc gì ở địa phương để chuyển đổi.
Theo lý giải của nhiều doanh nghiệp, giá muối năm nay giảm do lượng tồn từ năm trước khá nhiều. Tuy nhiên, diêm dân lại cho rằng họ đang bị ép giá, điều này có lý khi muối vẫn được nhập khẩu từ nước ngoài về và thực tế trong chục năm trở lại đây, cuộc sống của diêm dân ngày một đi xuống do họ hoàn toàn bị động trong khâu tiêu thụ. Khi không làm chủ được, họ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi điệp khúc “được mùa mất giá!”.
Thiên Hùng