(CAO) Chiều 14/07, Báo Thanh Niên phối hợp với Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm “Nhận diện đa cấp bất chính”.
Tham gia buổi tọa đàm có: ông Trịnh Anh Tuấn, Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (BVNTD); luật sư Võ Đan Mạch, Tổng thư ký Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam; TS Lê Cao Thanh, Viện trưởng viện nghiên cứu chiến lược và quản trị doanh nghiệp…, cùng nhiều sinh viên các trường đại học và có một số từng là nạn nhân của bán hàng đa cấp.
Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng thì đa cấp bất chính có 4 biểu hiện chính: không có giấy chứng nhận kinh doanh bán hàng đa cấp; sử dụng mô hình bán hàng đa cấp để huy động vốn, tiền ảo; không có hàng hóa hoặc hàng hóa chỉ là công cụ để lôi kéo người tham gia; nói quá thông tin về cơ hội làm giàu, khởi nghiệp để dụ dỗ người khác tham gia.
Đông đảo đại biểu, khách mời, các bạn sinh viên tham dự tọa đàm
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, bán hàng đa cấp là một phương thức bán hàng được thừa nhận bởi pháp luật Việt Nam. Giống như các phương thức bán hàng khác, mục tiêu của bán hàng đa cấp là đưa hàng hóa từ nhà sản xuất trực tiếp đến tay người tiêu dùng.
Hoạt động bán hàng đa cấp có đặc thù khác biệt với các phương thức bán hàng khác đó là việc tiếp thị bán hàng được thực hiện bằng truyền miệng, không thực hiện các hình thức quảng cáo, marketing như bán hàng truyền thống.
Tại buổi tọa đàm này cũng có ý kiến chia sẻ từ những “nạn nhân” của đa cấp. Anh N.T.A có con vướng vào “Team khởi nghiệp 360” chia sẻ: “Tôi từ miền Trung vào tham gia buổi tọa đàm. Tôi có con gái đang theo học đại học tại TP. Hồ Chí Minh. Nghe con được học bổng đi Phần Lan và nghe con nói phải đóng 420 triệu đồng, gia đình tôi đã xoay mọi cách để vay mượn cho con đi du học. Đưa con đến sân bay, nhận cuộc gọi của con mỗi ngày nhưng không biết đó là thủ đoạn tinh vi của đa cấp biến tướng lừa đảo.
Sau khi đọc thông tin báo chí, tôi quyết định đi tìm con, đi tìm hiểu rõ sự việc. Đến nhiều cơ quan chức năng tại TP. Hồ Chí Minh, tôi mới xác nhận được con mình đã vướng vào đa cấp. Hiện nay con đã về với gia đình sau bao khó khăn. Chỉ mong các cơ quan chức năng vào cuộc để chặn đứng đường dây đa cấp biến tướng này, còn số tiền đã mất thì chỉ trông chờ trong vô vọng”.
Khách mời chia sẻ tại buổi tọa đàm
Cũng là dính vào “Team khởi nghiệp 360”, em N.M.T (21 tuổi) cho biết: Em tham gia khi còn là sinh viên năm nhất; đóng gần 400 triệu đồng vào “Team khởi nghiệp 360”, chưa kể những khoản đóng nhỏ lẻ khác cho khởi nghiệp. Giờ em thấy hối hận, nếu như 3 năm đó không ở trong team khởi nghiệp thì nay em đã là sinh viên năm thứ 3, sắp tốt nghiệp. Còn giờ đây thì làm lại từ đầu. Và bước ra khỏi đường dây đa cấp đó, em biết được mất đi nhiều thứ: “Mất tiền, mất thời gian, mất lòng tin, mất đi giá trị đạo đức con người…”; em cũng chia sẻ để các bạn sinh viên không bị vướng vào con đường đa cấp như em.
Luật sư Võ Đan Mạch – Tổng thư ký Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam nhận định những hình thức lừa đảo núp bóng đa cấp diễn ra trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Bên cạnh nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, kiểm tra, đối chứng và ham muốn làm giàu nhanh chóng của sinh viên, có thể thấy thủ đoạn của các đối tượng đa cấp bất ngày càng trở nên tinh vi, lợi dụng mô hình “trả hoa hồng” của bán hàng đa cấp để thổi phồng thành làm giàu, khởi nghiệp.
Để ngăn chặn, triệt xóa nạn đa cấp biến tướng, trước hết sinh viên phải xác định mục tiêu chính của mình. Khi chuẩn bị tham gia vào bất cứ dự án nào cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin và cập nhật tính pháp lý của dự án đó để bảo vệ mình trước những rủi ro.
Còn về phía cơ quan, đơn vị giáo dục và truyền thông cần tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, giáo dục, cảnh báo cho giới trẻ về biết về những hành vi lừa đảo. Gia đình, nhà trường cần có những phương án quản lý, giáo dục chặt chẽ hơn nhằm phát huy kỹ năng phân tích, xử lý vấn đề của giới trẻ khi gặp những tình huống tương tự.
Thiếu tá Phạm Ngọc Thăng, Phó đội trưởng Đội 4 - Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP.HCM cho biết: “Khi tiếp nhận đơn tố cáo, nguyên tắc đầu tiên là bảo vệ bí mật, thông tin cá nhân để bảo vệ người tố cáo”. Tránh việc giả danh cơ quan chức năng, tố cáo nhầm người, nạn nhân cáo có thể trực tiếp đến Công an TP. Hồ Chí Minh để được hướng dẫn viết đơn tố cáo theo đúng quy trình.
Những trường hợp vẫn đang vướng vào “Team khởi nghiệp 360”, sợ bị quấy rối sau khi thoát khỏi đường dây cũng có thể liên hệ Công an TP. Hồ Chí Minh để được tư vấn trực tiếp cách thức bảo vệ an toàn cho bản thân.
Tọa đàm “Nhận diện đa cấp bất chính” có sự chia sẻ của các bên liên quan và các cơ quan chức năng, từ đó có được những bài học ý nghĩa và hướng xử lý những đối tượng đa cấp lừa đảo, trá hình len lỏi trong xã hội. Trong đó “Team khởi nghiệp 360” là một ví dụ điển hình.