(CAO) Lý giải việc ở cả giai đoạn điều tra và truy tố, xét xử đều không nhận tội, nhưng tại phiên toà hôm nay lại bất ngờ thừa nhận toàn bộ cáo trạng, bị cáo cho rằng mình "vô cùng hối hận với những sai phạm của mình".
Sáng 18/7, trong phần tranh tụng tại toà, sau khi nghe luật sư bào chữa và được HĐXX hỏi: “Khi xét hỏi, bị cáo đã phản bác cáo trạng và không thừa nhận mình phạm tội, bây giờ bị cáo thấy thế nào?”, cựu chuyên viên Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Giao thông Vận tải Ngô Quang Tuấn lại bất ngờ nhận tội.
Lý giải bất ngờ này, bị cáo Tuấn nói, ở phần xét hỏi bị cáo cảm thấy rất thương chị gái của mình vì đã khai “không nhận hộ các khoản tiền hối lộ do doanh nghiệp chuyển đến”.
“Có thể thời điểm đó, chị bị cáo khai như vậy sẽ giúp cho bị cáo không bị xử lý hình sự…Hiện nay bị cáo vô cùng hối hận với những sai phạm mình gây ra”, bị cáo Tuấn nói.
Trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Tuấn khẳng định có nhận tiền của đại diện các doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay.
Các bị cáo tại toà
Cụ thể, Tuấn đã nhận của bị cáo Nguyễn Thị Tường Vy 1,3 tỷ đồng bằng hình thức chuyển qua tài khoản của chị gái Ngô Thị Lan Phương; nhận của bị cáo Phan Thị Mai 200 triệu tiền mặt tại quán cà phê; nhận của bị cáo Lê Tuấn Anh 10.000 USD và nhận của Vũ Anh Tuấn 100 triệu, cũng thông qua hình thức chuyển vào tài khoản của chị gái.
Được mời lên trả lời sau phần khai báo của em trai, bị cáo Ngô Thị Lan Phương cũng thừa nhận, có bị cáo Nguyễn Thị Tường Vy chuyển 1,3 tỷ đồng vào tài khoản. Số tiền này, bị cáo Phương nhận hộ em trai là Ngô Quang Tuấn, hoàn toàn không có việc “hợp tác làm ăn”. Sau này khi vụ án phát giác, bị cáo đã chuyển trả lại tiền cho Vy cùng nhóm đại diện doanh nghiệp khác.
Về lý do khai không đúng sự thật cả từ giai đoạn điều tra, truy tố đến xét hỏi tại tòa, bị cáo Phương nói là do lo sợ làm ảnh hưởng đến “sinh mệnh chính trị của em trai”. Bị cáo Phương xin chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trước đó, khi nêu quan điểm luận tội về bị cáo Ngô Thị Lan Phương (chị gái của bị cáo Ngô Quang Tuấn), Viện Kiểm sát cho biết, bị cáo Phương đã giao nộp cho HĐXX một tập chứng cứ là tài liệu tin nhắn trao đổi giữa Phương và bị cáo Nguyễn Thị Tường Vy (Giám đốc Công ty ATA) thể hiện giao dịch dân sự (vay mượn và góp vốn mua đất) giữa bị cáo Vy và bà Phương, chứ không phải tiền Vy đưa hối lộ cho Tuấn thông qua bà.
Do đó, đại diện VKS đánh giá, hành vi của Ngô Thị Lan Phương có dấu hiệu của tội che giấu tội phạm, cần tiếp tục điều tra làm rõ trong giai đoạn hai của vụ án.
Theo cáo trạng, quá trình đề xuất trình lãnh đạo Bộ GTVT duyệt ký công văn trả lời Bộ Ngoại giao để tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước, bị cáo Ngô Quang Tuấn đã có hành vi nhận hối lộ hơn 1,8 tỷ đồng để giúp doanh nghiệp sớm có văn bản gửi Bộ Ngoại giao.
Theo VKS, quá trình điều tra và kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa, bị cáo Tuấn không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng căn cứ lời khai của Tuấn và các bị cáo Nguyễn Thị Tường Vy (Giám đốc Công ty ATA), Phan Thị Mai, Lê Tuấn Anh, Vũ Anh Tuấn, cùng Ngô Thị Lan Phương, bà Dương Thúy Bình, phù hợp với trích xuất sao kê tài khoản ngân hàng và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.
Do đó, VKS có đủ căn cứ kết luận, từ tháng 9/2021 đến tháng 12/2021, Ngô Quang Tuấn đã nhận hối lộ 9 lần, tổng số hơn 1,8 tỷ đồng (1,6 tỷ đồng và 10.000 USD) của các bị cáo đại diện cho doanh nghiệp.
VKS đánh giá, hành vi của Ngô Quang Tuấn cấu thành tội “Nhận hối lộ” theo điểm a khoản 4 Điều 354 Bộ luật hình sự. Do bị cáo không khai nhận hành vi phạm tội và không tích cực khắc phục hậu quả nên cần thiết phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc, tương xứng để răn đe.
Với hành vi trên, bị cáo Ngô Quang Tuấn đã bị VKS đề nghị xử phạt mức án 5 - 6 năm tù.