Những giải pháp, kiến nghị của tỉnh Cà Mau tại Hội nghị quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL

Thứ Tư, 22/06/2022 11:13  | Đăng Khoa

|

(CAO) Ngày 21/6, tại TP.Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030. Tại Hội nghị, nhiều địa phương và Bộ ngành, đại biểu có ý kiến để phát triển kinh tế vùng ĐBSCL. Sau đây là tham luận của ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.

Nhiều khó khăn do ảnh hưởng biến đổi khí hậu (*)

Cà Mau là tỉnh cực nam của Tổ quốc nằm trong khu vực ĐBSCL, là tỉnh ven biển duy nhất của Việt Nam có ba mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển 254 km, diện tích ngư trường khoảng 80.000 km2 nên có tiềm năng phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản; dưới thềm lục địa có trữ lượng dầu khí và khí đốt rất lớn; có tiềm năng lớn trong phát triển năng lượng tái tạo.

Đồng thời, nằm trên trung tâm vòng cung hàng hải khu vực Đông Nam Á, Cà Mau có 2 cụm đảo gần bờ nên rất thuận lợi để phát triển dịch vụ hàng hải. Tỉnh Cà Mau có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 140.000 ha, có 02 Vườn Quốc gia, khu Ramsar, Khu dự trữ sinh quyển thế giới, được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau.

Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phát biểu tại Hội nghị.

Nhận thức được vị trí, tiềm năng, lợi thế của mình, thời gian qua, tỉnh Cà Mau luôn chú ý quy hoạch, đầu tư phục vụ khai thác các tiềm năng, lợi thế. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá, các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá từng bước được đầu tư; hạ tầng phục vụ du lịch đã có bước cải thiện đáng kể, dịch vụ du lịch khu vực ven biển đang được tập trung đầu tư phát triển, một số khu du lịch ven biển đã được hình thành và đi vào hoạt động.

Công tác bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm, quyết liệt trong bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển trước tác động của biến đổi khí hậu, đẩy mạnh phát triển trồng rừng thâm canh; đồng thời tích cực thực hiện các giải pháp gây bồi tạo bãi để trồng khôi phục rừng, nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển.

Về phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, Cà Mau có 16 dự án điện gió trong quy hoạch được phê duyệt với tổng công suất 1.000 MW, đã đầu tư hoàn thành 3 dự án đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 100 MW, đồng thời tỉnh đã đề xuất bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 24 dự án điện gió với tổng công suất 12.000 MW.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế và kết quả đạt được nêu trên, ĐBSCL nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng vẫn còn gặp những hạn chế, khó khăn nhất định, cụ thể: Là khu vực chịu nhiều tác động của tình trạng biến đổi khí hậu (sạt lở bờ biển, bờ sông, hạn hán, sụt lún đất, xâm nhập mặn…), hạ tầng kỹ thuật tuy được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư phát triển kinh tế vùng biển, ven biển và hải đảo; Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, ven biển trong thời gian qua làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu rừng phòng hộ ven biển; hệ sinh thái ven biển và quanh các cụm đảo ngày càng suy giảm, ô nhiễm môi trường biển có chiều hướng gia tăng; nguồn lợi thủy sản ngày càng suy kiệt…

Những giải pháp, kiến nghị để phát triển kinh tế địa phương

Do đó, để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển, chủ động thích ứng với biển đổi khí hậu, theo Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ, tỉnh Cà Mau đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất, về quy hoạch phát triển kinh tế biển: Để khai thác được tiềm năng, lợi thế cùng cả vùng, của từng địa phương, việc quy hoạch các ngành, lĩnh vực có Ịiên quan trong quy hoạch không gian biển có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; đề nghị quy hoạch không gian biển phải tích hợp được quy hoạch của các ngành có liên quan đến kinh tế biển của cả vùng, của từng đia phương như quy hoạch nuôi trồng, khai thác thuỷ sản, quy hoạch công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp năng lượng, quy hoạch du lịch...

Thứ hai, về cơ chế, chính sách: Để Vùng ĐBSCL thu hút được đầu tư trong điều kiện còn nhiều khó khăn, hạn chế, tỉnh Cà Mau đề nghị Trung ương cho phép các tỉnh Vùng ĐBSCL nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư hoặc cho phép các tỉnh thí điểm thực hiện các cơ chế thu hút đầu tư để qua đó đề xuất với Trung ương ban hành cơ chế, chính sách cho phù hợp, giúp cho từng tỉnh, từng tiểu vùng và cả vùng ĐBCSL tạo được sự đột phá trong thu hút đầu tư, khai thác được tiềm năng, lợi thế, bắt kịp tốc độ phát triển chung của cả nước.

Thứ ba, về kinh tế thuỷ sản: Tập trung rà soát quy hoạch lại nuôi trồng thuỷ sản, trong đó quy hoạch phát triển các khu, vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung ứng dụng công nghệ cao để tạo đột phá về sản lượng, giảm giá thành sản phẩm; quy hoạch phát triển nuôi biển.

Đồng thời tập trung vào việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ vùng nuôi đến thị trường tiêu thụ để khắc phục hạn chế do quy mô sản xuất nhỏ lẻ thông qua các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho khai thác thủy sản xa bờ; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, hoàn thiện hệ thống thông tin tàu cá, thực hiện tốt các biện pháp ngăn chặn khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài.

Thứ tư, về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế biển: Đề nghị ưu tiên hơn nữa việc đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, cảng biển, đường không để sớm thực hiện được việc liên kết vùng trong phát triển, nhất là tuyến đường ven biển từ TPHCM đến Kiên Giang để sớm khai thác tiềm năng của Vùng.

Thứ năm, về phát triển du lịch và dịch vụ: Đề nghị tập trung đầu tư phát triển hạ tầng du lịch vùng ven biển và các đảo có tiềm năng; có cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng một số khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển. Phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ, tập trung vào các ngành có tiềm năng và các ngành dịch vụ có giá trị tăng cao, từng bước phát triển dịch vụ logistic trên cơ sở phát triển và khai thác hệ thống cảng biển.

Thứ sáu, về hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu: Cần quan tâm đầu tư cho nghiên cứu khoa học về ứng phó với BĐKH để phục vụ cho công tác ứng phó trong hiện tại và áp dụng vào công tác quy hoạch trong tương lai, nhất là trong quy hoạch đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng đô thị. Đề nghị ưu tiên đầu tư các công trình phòng chống sạt lở, bảo vệ rừng, bảo vệ bờ biển; cần nghiên cứu thí điểm các cơ ch, chính sách đặc thù thu hút đầu tư các công trình phát triển kinh tế xã hội ven biển gắn với nhiệm vụ bảo vệ bờ biển.

Một góc Trung tâm TP.Cà Mau

Nhân Hội nghị này, tỉnh Cà Mau có một số kiến nghị sau:

Một là, Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL giải quyết tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn ra nghiêm trọng. Đồng thời, kiến nghị Trung ương ban hành cơ chế đặc thù hoặc cho phép các địa phương thí điểm thực hiện các cơ chế thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp có năng lực tham gia đầu tư xây dựng kè chống sạt lở, bảo vệ bờ biển.

Hai là, xem xét tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư để triển khai nhanh các dự án điện gió đã có chủ trương đầu tư.

Ba là, bổ sung quy hoạch tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau đến mũi Cà Mau. Mời gọi đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, nâng cấp sân bay Cà Mau đạt cấp 4C và một số công trình phù hợp bằng phương thức đối tác công tư (PPP) hoặc các hình thức hợp pháp khác phù hợp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang