Mấy ngày qua, thông tin về giá test/kit xét nghiệm nhanh Covid-19 đang gây "bão mạng", khi mà giá thực tế của loại thiết bị xét nghiệm này ngày càng rẻ, thậm chí rất rẻ.
Khảo sát trên thị trường, hiện có hơn 90 loại test nhanh Covid-19, do cả trong và ngoài nước sản xuất, trong đó có nhiều loại đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng, đang có giá ngày một giảm đi rất nhanh.
Nhiều thông tin đáng tin cậy cho thấy, nhiều loại test nhanh bán tự do tại các siêu thị ở các nước châu Âu có giá dưới 1 euro. Nếu mua với số lượng lớn tại nước ngoài chỉ khoảng 35.000 đồng/test, thậm chí thấp hơn nếu mua giá sỉ. Còn tại Việt Nam, giá đa dạng, cao hơn nhiều so với nước ngoài và thời gian gần đây giá test nhanh Covid-19 giảm giá 20.000 - 70.000 đồng/test.
Đây là thiết bị được sử dụng nhiều nhất trong việc tầm soát F0 trong cộng đồng thời gian qua, số lượng sử dụng lên đến hàng triệu test mỗi ngày. Thiết bị này cũng được sử dụng rộng rãi cho các tài xế, tài xế xe công nghệ, trong các bệnh viện (với các bệnh nhân vào khám, khi có yêu cầu...).
Trong công văn số: 8157/BYT-KHTC về việc chấn chỉnh việc thực hiện thu dịch vụ xét nghiệm Covid-19, được Bộ Y tế ban hành ngày 28-9-2021, nhấn mạnh: "Hiện nay tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác xét nghiệm Covid-19, văn bản hướng dẫn việc thực hiện xét nghiệm cũng như hướng dẫn mức giá thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm Covid-19.
Tuy nhiên một số cơ sở y tế chưa thực hiện đúng các quy định về mức giá và chi trả xét nghiệm Covid-19, một số cơ sở y tế còn thu chưa đúng mức giá theo hướng dẫn, quy định giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19 quá cao, gây bức xúc cho nhân dân và trong dư luận xã hội".
Do đó Bộ Y tế yêu cầu: "Trong khi chờ Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn mức giá lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện mức giá và thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế".
Bộ kit xét nghiệm nhanh tại nhà đang được bán ở các hiệu thuốc tại Singapore. Ảnh: STRAITS TIMES
Qua công văn này, thấy rõ ràng giá xét nghiệm Covid-19 trong thời gian qua "nhảy múa" không khác gì giá mua các bộ test/kit xét nghiệm.
Bộ Y tế cũng thấy tình trạng này. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị y tế công lập điều chỉnh giá xét nghiệm theo từng giai đoạn, như trước ngày 1-7, giá xét nghiệm test nhanh là 238.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm, test Real-time PCR là 734.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm. Từ ngày 1-7, đối với test nhanh, do nhiều công ty nhập và trong nước cũng đã sản xuất được, nên Bộ Y tế đã có yêu cầu thực hiện thực thanh thực chi, thanh toán theo kết quả đấu thầu.
Rõ ràng trách nhiệm quản lý nhà nước về giá xét nghiệm thuộc Bộ Y tế. Tuy nhiêm Bộ này vẫn chưa điều chỉnh kịp thời khi mà giá test/kit xét nghiệm đã giảm giá rất sâu trong suốt thời gian qua.
Đó là lý do Bộ Y tế đang chuẩn bị ban hành quy định mức giá trần xét nghiệm Covid-19. Theo đó, mức giá xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 được Bộ Y tế xây dựng trên cơ sở chi phí trực tiếp và tiền lương, liên quan đến việc lấy mẫu, bảo quản, trả kết quả xét nghiệm và chi phí khác liên quan.
Văn bản quy định mức giá xét nghiệm nhanh kháng nguyên tối đa 32.000 đồng/xét nghiệm cộng với chi phí mua kit/test nhanh (tính theo giá test nhanh trúng thầu vào bệnh viện). Ví dụ, nếu giá test nhanh trúng thầu là 100.000 đồng/test, bệnh nhân sẽ phải trả là 132.000 đồng; nếu có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được chi trả theo mức quy định.
Trong khi đó, hiện tại nhiều bệnh viện thường lấy chi phí xét nghiệm kháng nguyên thấp nhất 200.000 đồng, cao nhất có khi lên đến 400.000 đồng. So sánh, giá mới cho phí xét nghiệm kháng nguyên sẽ giảm đến gần ½ hoặc hơn.
Với xét nghiệm PCR, loại mẫu đơn, các loại phí bao gồm dịch vụ lấy mẫu, bảo quản bệnh phẩm là 80.000 đồng/xét nghiệm; cộng phí xét nghiệm và trả kết quả: 114.000 đồng/xét nghiệm; cộng với chi phí test/kit tính theo giá trúng thầu vào bệnh viện. Ví dụ, cơ sở y tế đó mua bộ test/kit giá 250.000 đồng, thì chi phí mỗi lần xét nghiệm mẫu đơn là 444.000 đồng. Tất nhiên nếu xét nghiệm mẫu gộp thì rẻ hơn nhiều.
Trong khi đó hiện tại các cơ sở y tế lấy phí xét nghiệm PCR có nơi lên đến 1 triệu đồng (trong khi quy định của Bộ Y tế là 734.000 đồng, nhưng nhiều cơ sở y tế than "lỗ" nên tự áp dụng mức giá cao hơn).
Có thể nhận thấy ngay rằng, giá xét nghiệm Covid-19 mới lệ thuộc vào giá trúng thầu mua giá test/kit. Do vậy việc quản lý đấu thầu hết sức quan trọng.
Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao giá các loại test/kit đã và đang giảm giá rất nhanh, hiện mức giá trúng thầu thông thường từ 100.000 - 160.000 đồng/test-kit. Vậy tại sao Bộ Y tế không áp dụng mức giá xét nghiệm mới ngay từ bây giờ, mà đợi 1 tháng sau (1-11) mới có hiệu lực? Người dân có "cảm giác" Bộ Y tế muốn "giúp" các cơ sở y tế "lỡ mua" test/kit với giá cao có thời gian tiêu thụ hết sản phẩm đã mua (?).
Bộ Y tế nên cho phép việc bán rộng rãi các loại test nhanh có chất lượng ở các cơ sở y tế, thậm chí tại các tiệm thuốc tây để khuyến khích người dân tự xét nghiệm, tự tầm soát, tự cách ly kịp thời, nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh cho gia đình và cộng đồng; cũng như cho phép cả các doanh nghiệp tự mua test cho công nhân của mình một cách thuận lợi, dễ dàng.
Việc cho phép bán rộng rãi các loại test/kit xét nghiệm Covid-19 nhiều nước đã làm, như nhiều nước trong EU đã bán tự do từ đầu năm nay; Singapore bán rộng rãi từ tháng 6-2021...
Mới đây, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư tỉnh Bình Định cũng yêu cầu các cơ quan chức năng địa phương phải tiến tới công nhận kết quả tự làm xét nghiệm tại nhà của người dân để chống lãng phí và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tầm soát dịch bệnh. Hôm 28-9, ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, cũng đề nghị cho phép các nhà thuốc, cơ sở y tế bán tự do các test/kit xét nghiệm, để người dân tự xét nghiệm nếu có nghi nhiễm.
Đó cũng là một cách phòng dịch, tầm soát F0 nhanh nhất khi chúng ta bắt đầu sống chung với Covid-19, không thể khác.