Nông dân không thăm được cá
Ngay khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội thực hiện theo Chỉ thị 15, 19, người dân hết sức vui mừng. Nhưng thực chất do siết chặt lưu thông nên việc đi lại giữa các địa phương không thực hiện được phải xin phép Chủ tịch UBND tỉnh nơi đi, nơi đến. Anh H. làm việc tại một công ty chế biến xuất khẩu thủy sản tại Cần Thơ cho biết, gia đình có nuôi cá tra ở Vĩnh Long, Sóc Trăng. Hơn 2 tháng giãn cách, anh không qua thăm nom thu hoạch được, hiện cá đã quá lứa.
Nghe tin Cần Thơ, Vĩnh Long và Sóc Trăng đã nới lỏng giãn cách, cả nhà anh H. ai cũng vui mừng nhưng vẫn không thể đi thu hoạch, do Cần Thơ quy định ra khỏi thành phố phải được sự đồng ý của chính quyền quận, huyện. Tương tự, người dân An Giang muốn qua tỉnh giáp ranh Đồng Tháp làm ăn dù đã tiêm 2 mũi vắc xin, có giấy đi đường và giấy xét nghiệm âm tính nhưng một số huyện thuộc Đồng Tháp còn buộc phải test lại.
Người dân không thăm ao cá, cá lớn quá kích cỡ, giá rẻ. Trong tháng 8-2021, TP.Cần Thơ có diện tích thả nuôi thủy sản trên 2.000ha, trong đó diện tích cá tra là 13ha, nâng diện tích thả nuôi từ đầu năm đến nay lên 5.468ha; trong đó diện tích thả nuôi cá tra 576ha (đạt 78,26% so với kế hoạch năm). Ðến nay, diện tích thủy sản đã thu hoạch 1.942ha với sản lượng 112.938 tấn (đạt 56% kế hoạch). Riêng sản lượng cá tra thu hoạch trên 93.000 tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020.
Do TP.Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội nên đang tồn 3.000 tấn cá chưa thu hoạch. Cá quá lứa rớt giá, nông dân đối mặt lỗ. Tại Hậu Giang, hiện còn khoảng 7.213 tấn đến kỳ thu hoạch, trong đó sản lượng cá quá size (cỡ cá >1,2kg/con) khoảng 1.350 tấn, từ tháng 7 đến nay nhiều hộ nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh không bán được cá do không có doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua vì tạm ngưng hoạt động do dịch Covid-19. Bên cạnh đó, giá thức ăn viên công nghiệp tăng từ 15-20%, trong khi giá bán cá tra thương phẩm lại ở mức thấp. Mặt khác, tuy người nuôi cá tra có đăng ký bán cá trên một số sàn thương mại điện tử nhưng không có người liên hệ thu mua.
Nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra ngưng hoạt động. Ảnh minh hoạ
Tính đến tháng 8-2021, tổng diện tích nuôi cá tra của tỉnh Đồng Tháp, nơi có diện tích nuôi cá tra lớn nhất vùng đạt trên 1.600ha. Diện tích thu hoạch gần 553ha, sản lượng trên 223.000 tấn. Tới giữa tháng 8-2021, giá cá tra nguyên liệu giảm xuống còn 20.500 đến 21.500 đồng/kg. Trong khi chi phí trung bình để sản xuất 1kg cá tra nguyên liệu khoảng 22.500 đồng/kg, với mức giá này người nuôi lỗ từ 900-1.400 đồng/kg. Tỉnh An Giang có diện tích nuôi cá tra trên 1.230ha, thả nuôi 1.091ha. Đã có 814ha cá tra thu hoạch với sản lượng 270.181 tấn, bằng 99,8% so cùng kỳ năm 2020.
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm còn thu hoạch khoảng 157.000 tấn. Trong đó, khoảng 134.500 tấn do doanh nghiệp liên kết với hộ nuôi và 22.500 tấn từ hộ nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, đầu ra của loại cá này vẫn đang gặp nhiều khó khăn mặc dù giá đã giảm thấp. Theo đó, giá cá tra thương phẩm hiện nay chỉ dao động ở mức 21.000 - 22.000 đồng/kg. Trước dịch Covid-19, giá cá tra 26.000 - 27.000 đồng/kg. Giá cá bị tác động nhiều bởi hiện nay các doanh nghiệp chỉ hoạt động với 30% công suất theo quy định về an toàn dịch bệnh. Các doanh nghiệp này cũng chỉ tập trung mua cá ở các vùng nuôi chứ không mua ở các hộ dân nuôi lẻ ở bên ngoài.
Người dân không bán được cá do doanh nghiệp không tới mua
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 8-2021, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này đạt 588 triệu USD (giảm 28% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, mặt hàng thủy sản chủ lực cá tra, tôm... sụt giảm từ 20-33% so với cùng kỳ năm ngoái. So với tháng 7-2021, xuất khẩu ngành hàng cá tra trong tháng 8-2021 giảm đến 31%... Diện tích thả nuôi cá tra mới tính đến ngày 15-9 đạt 3.516ha (bằng 74,3% so với cùng kỳ 2020). Còn diện tích thả nuôi trong hai tháng giãn cách xã hội (tháng 7 và 8) đã giảm khoảng 50-55% so với các tháng trước khi thực hiện giãn cách. Sản lượng cá tra thu hoạch ước đạt 932 nghìn tấn (bằng 81,1% so cùng kỳ năm 2020).
Gần 50% doanh nghiệp chế biến ngưng hoạt động
Theo doanh nghiệp chế biến cá da trơn, hiện nguồn cung cá tra cho xuất khẩu dồi dào nhưng nhà máy chế biến cũng ngưng hoạt động hoặc giảm công suất nên tạm ngưng mua nguyên liệu, khiến giá cá giảm. Đó cũng là nguyên nhân làm giảm diện tích nuôi cá tra thâm canh, dự báo xu hướng này vẫn còn tiếp tục trong thời gian tới. Công suất hoạt động của toàn ngành cá tra hiện còn khoảng 10 - 20%. Toàn vùng hiện có khoảng 119 nhà máy chế biến cá tra có đăng ký xuất khẩu, với khoảng 190.000 lao động. Đến đầu tháng 9, gần 49% số lượng nhà máy ngừng hoạt động, số công nhân phải nghỉ việc do dịch bệnh khoảng 70%.
Cá quá cỡ, giá giảm và người dân lại chịu tiền mua thức ăn
Quản lý nông lâm sản và thủy sản cho rằng, nếu các địa phương không tạo điều kiện phục hồi nhanh hoạt động sản xuất, các DN sẽ không có những đơn hàng phục vụ thị trường Noel và Tết dương lịch cuối năm nay.
Đại diện VASEP thống kê, từ giữa tháng 7-2021 đến nay, việc áp dụng kiểm soát dịch bệnh trên tất cả các tỉnh ĐBSCL đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành thủy sản nói chung, trong đó ngành cá tra thiệt hại rất lớn. Hiện chỉ có khoảng 14 nhà máy cá tra vẫn đang hoạt động "3 tại chỗ", tại 6 tỉnh nuôi cá tra trọng điểm với công suất sản xuất 20% đến 30%.
Bước vào tháng 10-2021, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa lên được kế hoạch mở lại sản xuất. Với tình hình hiện nay, khả năng xuất khẩu cá tra tháng 9-2021 có thể giảm trên 30%, nhiều doanh nghiệp sẽ mất những đơn hàng cuối năm và không dám nhận những đơn hàng mới. Kết quả khảo sát của VASEP cho thấy, chỉ có 30 - 40% doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, số doanh nghiệp còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất.
Một lãnh đạo DN tại Vĩnh Long xác nhận, chi phí để thực hiện "3 tại chỗ" khá cao, với số lượng hơn 1.000 công nhân làm việc thì khó mà đầu tư thêm để đáp ứng phương án vừa cách ly, vừa sản xuất. Vấn đề khó nữa là vận chuyển nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu thời điểm giãn cách cũng rất nhiêu khê, thêm chi phí xét nghiệm cho tài xế chuyên chở và các chi phí khác, rủi ro cũng cao khi di chuyển. Cũng vì nguyên nhân này mà đa phần DN sử dụng nhiều lao động đều lựa chọn tạm ngưng hoạt động hoặc chỉ hoạt động duy trì với vài trăm công nhân.
Xuất khẩu thủy sản ở ÐBSCL và cả nước những tháng cuối năm dự báo tiếp tục khó khăn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan:
Doanh nghiệp và chính quyền 13 tỉnh ĐBSCL sớm ngồi lại với nhau để không chỉ xây dựng ngành hàng cá tra mà cả những sản phẩm khác của ĐBSCL được phục hồi vững vàng trong và sau mùa dịch. Không gian giao thoa giữa an toàn dịch bệnh và tổ chức lại sản xuất có thể rất hẹp, nếu chúng ta không ngồi lại trực tiếp nói chuyện với nhau thì không thể đi qua "khe cửa hẹp" này được. Trước khi nghĩ đến hỗ trợ tiền điện hay thuế, vốn... cho doanh nghiệp thì việc tạo điều kiện lưu thông và sản xuất cũng chính là hành động tháo gỡ khó khăn thiết thực cho doanh nghiệp. Bộ NN&PTNT sẽ sớm có văn bản tổng hợp về nhu cầu của vacine của các doanh nghiệp nông nghiệp trong tuần tới.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong:
Khi cho doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ, đặc biệt là ngành hàng cá tra thì phải có điều kiện bảo vệ chuỗi sản xuất, do đó tỉnh ưu tiên vaccine ngay từ sớm cho doanh nghiệp. Đến nay, tỷ lệ nhóm ngành hàng cá tra đang thực hiện 4 tại chỗ trên địa bàn Đồng Tháp phủ vaccine cho công nhân được hơn 90%. Tỉnh cũng đã thành lập Ban Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và hoạt động doanh nghiệp, trong đó có ngành hàng cá tra. Thời điểm này, tôi cho rằng cần tính toán sao cho an toàn trong quá trình sản xuất của mình và an toàn trong câu chuyện phòng, chống dịch bệnh của từng địa phương. Tinh thần là phải duy trì được các doanh nghiệp hiện nay, tạo thêm điều kiện để các doanh nghiệp khác quay trở lại hoạt động.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn:
Các địa phương áp dụng đúng quy định đã đề ra về việc phân loại các vùng nguy cơ ngay trên địa bàn từng huyện, làm cơ sở để phục hồi các hoạt động sản xuất một cách an toàn. Trong tháng 9 và 10 sẽ có lượng vacine bổ sung lớn nên sẽ đỡ khó khăn hơn trong phân bổ vacine cho các địa phương. Bộ NN&PTNT cần sớm có tổng hợp cụ thể về nhu cầu vacine của các doanh nghiệp trong ngành, gửi Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 để xem xét phân bổ sớm đến địa phương. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nâng cao nhận thức về việc tiêm vacine không có nghĩa là loại bỏ toàn bộ nguy cơ mắc bệnh, vì vậy, cần xây dựng các tổ thẩm định cộng đồng để luôn đảm bảo an toàn cho công nhân, dây chuyền sản xuất, nơi ăn nghỉ...
(Trích ý kiến tại Hội nghị trực tuyến về giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội với các tỉnh khu vực ĐBSCL chiều 25-9, Do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Đồng Tháp).