1 Bộ kit chỉ 35.000 Đồng
"Cơn bão" giá kit xét nghiệm Covid-19 khởi nguồn từ phát biểu của ông Đặng Hồng Anh - Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương hôm 26-9. Ông Đặng Hồng Anh cho biết, giá bộ test xét nghiệm nhanh Covid-19 mua số lượng lớn tại nước ngoài chỉ khoảng 35.000 đồng/test. Do vậy, để tiết kiệm ngân sách nhà nước, ông Hồng Anh đề xuất, cũng giống như vaccine, Bộ Y tế chủ trì cùng các địa phương đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất bộ test xét nghiệm nhanh để mua số lượng lớn với giá gốc.
Ông Anh phát biểu: "Theo tôi được biết giá mua tại nước ngoài về chỉ khoảng 1,5 USD/kit (khoảng 35.000 đồng). Nếu mua được giá gốc với số lượng lớn thì có thể tiết kiệm được cho ngân sách hàng nghìn tỉ đồng". Ông Anh so sánh, hiện nay các các tỉnh thành đang đấu thầu giá 60.000 - 70.000 đồng/bộ kit, dẫn đến rất lãng phí tiền của và đề nghị Thủ tướng Chính phủ lưu ý việc này.
Ấy vậy mà ai cũng biết, giá xét nghiệm nhanh các tài xế, bệnh nhân vào điều trị tại các bệnh viện, thậm chí đi tiêm vaccine ở các bệnh viện, người dân phải trả giá cao chất ngất, có khi lên đến 400-450 ngàn/lần, còn giá phổ biến đề trên dưới 300 ngàn đồng. Chỉ tính riêng 800 ngàn tài xế, buộc phải xét nghiệm trong 72 giờ mỗi lần, số tiền họ bỏ ra cực lớn. Đó là chưa kể mỗi ngày các địa phương xài hàng triệu bộ kit/test, với giá đấu thầu cao ngất ngưởng. Siêu lợi nhuận này ai hưởng, người dân đều biết. Không chỉ người bán kit lời, người đấu thầu mua kit/test cũng "lời", mà các cơ sở khám chữa bệnh cũng lời khẳm.
Bộ kit xét nghiệm giá gốc chưa tới 35.000 đồng, nhưng giá xét nghiệm nhanh rất cao
"Cơn bão" giá kit, bộ y tế nói gì?
Ngay sau khi phát biểu của ông Đặng Hồng Anh, "cơn bão" giá kit xét nghiệm bùng lên. Chiều tối 28-9, trả lời báo chí và cả trên truyền hình, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị y tế công lập thực hiện xét nghiệm điều chỉnh giá xét nghiệm theo từng giai đoạn, như trước ngày 1-7, giá xét nghiệm test nhanh là 238.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm, test Real-time PCR là 734.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm. Từ ngày 1-7, đối với test nhanh, do nhiều công ty nhập và trong nước cũng đã sản xuất được nên Bộ Y tế đã có yêu cầu thực hiện thực thanh thực chi, thanh toán theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật đấu thầu.
Theo Thứ trưởng Thuấn, giá test xét nghiệm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tùy theo thời điểm như lúc cao điểm dịch gia tăng thì giá cao... Bộ Y tế cũng đã có văn bản hướng dẫn các điều chỉnh giá xét nghiệm Covid-19 theo từng giai đoạn. Ông Thuấn khẳng định, Bộ Y tế chủ yếu xây dựng hướng dẫn chuyên môn, cấp phép cho các loại xét nghiệm, tổ chức thanh tra, kiểm tra... ; đồng thời chưa mua sắm mặt hàng này. Việc đấu thầu, thực hiện mua sinh phẩm, test kit chủ yếu do các địa phương thực hiện.
Cũng theo ông Thuấn, hiện Bộ Y tế đã hoàn thiện các loại định mức xét nghiệm và đã dự thảo Thông tư về mức giá xét nghiệm xin ý kiến các Bộ, đơn vị để ban hành. Ngoài ra, Bộ Y tế đang tổng hợp ý kiến để đề nghị đưa test xét nghiệm Covid-19 vào mặt hàng bình ổn giá do chưa được quy định trong luật.
Vì sao một mặt hàng đang rất "hot", hàng triệu bộ kit đang sử dụng hàng ngày vẫn nằm ngoài danh mục bình ổn giá? Trong khi đó lãnh đạo Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, giá test xét nghiệm do doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm. Bộ Y tế hiện không đàm phán cũng như không kiểm soát giá thiết bị y tế này do chưa có quy định. Các địa phương có thể tham khảo trong trang triển khai đấu thầu mua sắm của Bộ.
Ý kiến này cũng giống như trong 2 công văn khẩn của Bộ Y tế đã gửi đi trong ngày 28 và 19-9, giải thích xung quanh các ý kiến về giá kit xét nghiệm đang được cho là có bất thường. Bộ Y tế khẳng định chưa mua test nhanh, việc đấu thầu do đơn vị, địa phương. Bộ Y tế cũng vừa có văn bản gửi các địa phương, đề nghị xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm phòng chống dịch.
Dù vậy, hiện với gần 90 loại test nhanh đang được lưu hành, bao gồm cả sản xuất trong nước và nhập khẩu, việc quản lý giá vẫn đặt ra nhiều câu hỏi, có thể để lại hậu quả khó lường. Được biết, mức giá trúng thầu thông thường từ 100.000 - 160.000 đồng/kit-test.
Người dân tham gia xét nghiệm Covid-19 tại TPHCM
Bài học cay đắng trong việc mua máy xét nghiệm PCR
Giá kit/test đang "nhảy múa", khi việc xét nghiệm nhanh đang trở thành bắt buộc trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19, nếu các cơ quan chức năng không kiểm soát được giá cả, coi chừng xảy ra tiêu cực, thậm chí tiêu cực lớn như việc các địa phương từng "dính chàm" trong việc mua máy xét nghiệm PCR hồi năm trước, lúc dịch Covid-19 bắt đầu diễn biến phức tạp ở nước ta.
"Tấm gương tham nhũng" tày trời với ông Nguyễn Nhật Cảm - nguyên giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) và 6 người khác với cáo buộc gian lận mua máy xét nghiệm Covid-19 vẫn còn đó. Ngay lập tức sau khi vụ tham nhũng của ông Nguyễn Nhật Cảm bị phanh phui, báo chí bắt đầu "để ý” đến nhiều địa phương mua giá máy xét nghiệm PCR với giá trên trời. Lần lượt Quảng Ninh, Thái Bình, Quảng Nam... được dư luận "ngắm nghía" vì mua máy với giá quá cao, buộc các địa phương này phải tìm cách "chạy tội" như trả máy (vịn cớ là mua chạy thử)... Thậm chí như Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Nguyễn Văn Hai lúc đó khẳng định mua hệ thống xét nghiệm PCR giá 7,2 tỷ đồng là đúng giá, vậy mà khi giải trình phải khóc lóc, than vãn!
Một vấn đề khác rất đáng lưu ý, nên để các doanh nghiệp được phép nhập khẩu các bộ xét nghiệm nhanh như ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP ôtô Trường Hải - đề nghị với Thủ tướng. Ngày 29-9, ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, nhân vụ ồn ào cưỡng chế xét nghiệm Covid-19, cũng đề nghị cho phép các nhà thuốc, cơ sở y tế bán tự do các test/kit xét nghiệm, để người dân tự xét nghiệm nếu có nghi nhiễm.
Đó là những đề nghị rất hợp lý khi mà chúng ta sẽ bắt đầu phải sống chung với dịch bệnh Covid-19, cả với các doanh nghiệp lẫn với đời sống người dân. Việc này ở châu Âu, Mỹ, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... đều làm, và trước sau gì Việt Nam cũng phải làm như vậy. Khi đó, giá test/kit rất cạnh tranh, sẽ hạn chế được tiêu cực.