(CAO) Trước khi phiên tòa bước vào phần kiểm tra căn cước, Hội đồng xét xử cho biết, vì lý do sức khỏe, bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC) đã rút đơn kháng cáo cả 2 vụ án.
Ngày 7/5, TAND cấp cao tại Hà Nội đưa bị cáo Đinh Là Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm ra xét xử phúc thẩm vụ án “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), theo đơn kháng cáo của 15/22 bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trước khi phiên tòa bước vào phần kiểm tra căn cước, Hội đồng xét xử cho biết, vì lý do sức khỏe, bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC) đã rút đơn kháng cáo cả 2 vụ án. Vì vậy Tòa đã quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với Thanh. Như vậy, bản án sơ thẩm đổi với Trịnh Xuân Thanh đã có hiệu lực pháp luật, Thanh xin không tham gia phiên tòa phúc thẩm.
Hai bị cáo
Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh trong phiên tòa sơ thẩm
Theo bản án sơ thẩm, Trịnh Xuân Thanh có vai trò chính trong việc chỉ đạo PVC ký Hợp đồng EPC số 33 trái quy định của pháp luật; xin cấp tạm ứng thực hiện hợp đồng khi chưa đủ điều kiện và quyết định sử dụng tiền tạm ứng trái luật.
Đối với hành vi tham ô, Thanh là người giữ vai trò chính trong việc đề ra chủ trương, cùng cấp dưới lập khống hồ sơ, rút tiền hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân, trong đó bị cáo trực tiếp chiếm đoạt 4 tỷ đồng.
Hành vi chiếm đoạt của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, đủ điều kiện để áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 353 BLHS năm 2015 với mức án là tử hình.
Tuy nhiên, xét số tiền chiếm đoạt bị cáo cùng gia đình đã tự nguyện khắc phục 4 tỷ đồng, gia đình bị cáo đều là cán bộ có công, tại phiên tòa phần nào cũng đã nhận ra sai phạm của mình; đồng thời, HĐXX cũng cân nhắc một cách toàn diện về nhiều mặt nên có thể xem xét không cần thiết áp dụng mức hình phạt cao nhất đối với bị cáo, cũng để giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung.
Sau bản án sơ thẩm, Thanh kháng cáo kêu oan. Trong đơn kháng cáo, anh ta cho rằng mình không tham gia vào các hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản như bản án sơ thẩm quy kết.
Trịnh Xuân Thanh đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại cho bị cáo về cả 2 tội danh này và xem xét lại toàn bộ trách nhiệm dân sự cho bị cáo.
Các bị cáo khác đa phần kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và mức bồi thường, Bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV PVN) kháng cáo để mong được xem xét lại tội danh, hình phạt, cũng như mức bồi thường thiệt hại.
Bị cáo Thăng cho rằng, bản án sơ thẩm chưa xem xét đầy đủ, toàn diện khách quan và giới hạn phạm vi trách nhiệm của bị cáo. Kết quả giám định thiệt hại của vụ án chưa đảm bảo căn cứ pháp lý, dẫn đến việc HĐXX đánh giá về vai trò, trách nhiệm của bị cáo chưa phù hợp, chưa công bằng và quyết định mức hình phạt quá nghiêm khắc.
Theo bị cáo Thăng, trong suốt quá trình điều tra và tại phiên tòa, ông đã thành tâm nhìn nhận trách nhiệm của mình với tư cách người đứng đầu, nhưng chưa được HĐXX đánh giá và xem xét một cách thỏa đáng. 13 năm tù.
Trong vụ án này, có một số bị cáo không có kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị, cũng bị triệu tập tham gia phiên tòa với tư cách người làm chứng gồm: Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN), Nguyễn Thành Quỳnh (nguyên Giám đốc Kỹ thuật Công nghệ, Tổng Công ty cổ phần miền Trung - Công ty cổ phần Đà Nẵng); Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), Lê Thị Anh Hoa (nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa).
Tại phiên tòa, các luật sư đề nghị được tiếp xúc với bị cáo và triệu tập một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Sau khi hội ý, HĐXX cho biết sẽ xem xét triệu tập khi cần thiết.