(CAO) Trước vụ phá rừng nghiêm trọng tại Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu chính quyền, các ban ngành khẩn trương điều tra, làm rõ trách nhiệm và xử lý kỷ luật; chấn chỉnh tình trạng quản lý bảo vệ rừng.
Những ngày qua, vụ phá rừng quy mô vừa được phát hiện tại Tiểu khu 297, 298 (khu vực Mỏ Quạ trên địa bàn xã Hương Phong và xã Phú Vinh, huyện A Lưới, Thừa Thiên – Huế).
Gỗ rừng tự nhiên ở A Lưới bị khai thác trái phép.
Lâm tặc phá rừng quy mô trong thời gian dài và vận chuyển theo tuyến đường độc đạo từ rừng đưa ra ngoài tiêu thụ nhưng không được phát hiện, ngăn chặn. Trong khi người dân địa phương chỉ cần đi vào rừng thì sẽ có cán bộ bảo vệ rừng chuyên trách hoặc kiểm lâm đến kiểm tra, nhắc nhở ngay.
Ông Lê Nhân Đức - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm A Lưới cho biết, từ ngày 18 đến 20-8, đơn vị phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) A Lưới kiểm tra tại các tiểu khu rừng nói trên, phát hiện 24 gốc cây (quế rừng, trám chũa, chò, mỡ, dẻ…) có đường kính từ 40 - 60cm bị chặt hạ, có những cây đã chặt từ lâu và có gốc cây còn mới; có 26 phách (1,834m3) gỗ chò, trám; có 1 lán trại cũ đã tiêu hủy, và tại một số vị trí có giá để tời gỗ.
Cây rừng phòng hộ ở A Lưới vừa mới bị khai thác.
BQL RPH A Lưới báo cáo, trong 3 đợt truy quét (từ ngày 28-2 đến 3-3, ngày 14 đến 19-5 và ngày 10 đến 15-6), đã thu giữ 5 cưa máy, phá hủy 3 lán trại. Từ cuối năm 2017 đến nay, Hạt kiểm lâm phối hợp với BQL RPH A Lưới tuần tra, phát hiện và bắt giữ 6 vụ với khối lượng 9,594m3 gỗ nhóm 6,7 các loại tại khu vực này.
Đây là khu vực rừng thuộc quản lý của Đội quản lý bảo vệ rừng chuyên trách Mỏ Quạ gồm nhiều tiểu khu nên việc tuần tra chưa khép kín được địa bàn. Một số đối tượng lén lút khai thác gỗ trái phép.
Tình trạng khai thác gỗ trái phép thường xảy ra rải rác ở các tuyến, các tiểu khu, có vụ việc lực lượng kiểm lâm, cán bộ BQL RPH A Lưới phát hiện kịp thời và tổ chức truy bắt nhưng thường lâm dân bỏ chạy, không bắt giữ được, mặt khác do địa hình phức tạp nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn; phần lớn gỗ khai thác trái phép đều được lực lượng kiểm lâm thu giữ.
Ông Văn Thân - Giám đốc BQL RPH A Lưới thừa nhận đơn vị có trách nhiệm, thiếu sót đối với tình trạng chặt phá rừng ở khu vực rừng do đơn vị quản lý. “Nguyên nhân chính do địa bàn rộng, nhân lực mỏng, địa hình hiểm trở; lâm tặc manh động, tinh vi… Trách nhiệm chính thuộc về Đội bảo vệ rừng chuyên trách Mỏ Quạ.
Lán trại của lâm tặc lưu trú nhiều ngày trong rừng.
Ông Thân cho biết, đơn vị cũng sẽ thanh kiểm tra xem có hay không trước nghi vấn của dư luận về sự thờ ơ của Đội bảo vệ đối với các đối tượng phá rừng. Trước đó, đơn vị cũng đã phát hiện tình trạng khai thác gỗ trái phép tại khu vực trên và yêu cầu 8 cán bộ của đội Bảo vệ rừng chuyên trách Mỏ Quạ viết bản kiểm điểm vì công tác tuần tra, kiểm soát còn lỏng lẻo”, ông Thân cho biết.
Ngay khi báo chí phản ánh về tình trạng phá rừng, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo BQL RPH A Lưới và Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới khẩn trương điều tra, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức và xử lý kỷ luật; chấn chỉnh tình trạng quản lý bảo vệ rừng. Tiếp tục thực hiện các phương án phối hợp giữa Kiểm lâm và Bảo vệ rừng tại các tuyến, khu vực trọng điểm, thiết yếu; rà soát để tổ chức, sắp xếp hợp lý mạng lưới quản lý bảo vệ rừng, quản lý có hiệu quả tài nguyên rừng.
Cây gỗ bị đốn hạ, xẻ gỗ thành phẩm trong rừng rồi đưa ra ngoài tiêu thụ.
Lực lượng Kiểm lâm tăng cường công tác kiểm tra các phương án phòng chống chặt phá rừng; thường xuyên phối hợp với các lực lượng Quân đội, Bộ đội Biên phòng, Công an, và chính quyền các địa phương để thực hiện các đợt truy quét tại các tiểu khu rừng trên địa bàn.
Các lực lượng phối hợp với các chủ rừng kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi phá rừng tự nhiên; chỉ đạo các đồn biên phòng tăng cường công tác bảo vệ rừng khu vực biên giới. Tuyên truyền, động viên nhân dân không khai thác lâm sản trái pháp luật, không phá rừng tự nhiên...