(CATP) Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đang thụ lý điều tra vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Công ty CP Cao su Đắk Lắk; khởi tố Tổng giám đốc và 1 nguyên Tổng giám đốc, 1 trưởng và 1 phó phòng về hành vi liên quan. Đây là kết quả mở rộng điều tra những sai phạm tại Công ty CP Cao su Đắk Lắk từ năm 2008 đến nay.
Theo đó, tháng 4/2024, cơ quan Công an đã khởi tố các bị can Bùi Quang Ninh (Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Đắk Lắk) và Huỳnh Văn Toàn (nguyên Trưởng phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu của công ty) để điều tra về hành vi "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Vụ án được CQĐT khởi tố từ tháng 7/2023 để điều tra sai phạm liên quan hợp đồng cung ứng giống cây cao su nhập khẩu Malaysia gây thiệt hại gần 1,4 tỷ đồng và hợp đồng môi giới bán mủ cao su để hưởng phần trăm chênh lệch xảy ra tại Công ty TNHH MTV cao su Đắk Lắk.
Liên quan đến vụ án, trước đó, ngày 14/10/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Văn Đức Lư (SN 1955), nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Đắk Lắk; khởi tố, bắt tạm giam Võ Tiến Hùng (cựu Phó phòng Kỹ thuật kế hoạch đầu tư Công ty) cũng về tội danh trên.
Theo kết quả điều tra, năm 2007, Võ Tiến Hùng đã tham mưu soạn thảo tờ trình để ông Huỳnh Văn Khiết (Giám đốc công ty), ký duyệt và gửi UBND tỉnh Đắk Lắk về việc xin chủ trương nhập một số giống cây cao su mới của Viện nghiên cứu Malaysia và được đồng ý về chủ trương. Đến năm 2008, Công ty Cao su Đắk Lắk và đại diện Công ty TNHH Cao su Huỳnh Phước ký hợp đồng kinh tế về việc mua bán giống cây trồng. Trong đó, Công ty Cao su Đắk Lắk đồng ý mua 6 loại giống với số lượng 1,5 triệu cây, tổng giá trị 1,89 triệu USD. Quá trình mua bán, vận chuyển cây bị hư hỏng, thiệt hại nên năm 2010, đại diện Công ty TNHH Cao su Huỳnh Phước có công văn đề nghị Công ty Cao su Đắk Lắk chia sẻ thiệt hại, mỗi bên chịu 50%. Ngày 09/12/2010, Công ty Cao su Đắk Lắk đồng ý chịu một nửa kinh phí, chia sẻ rủi ro số cây đã bị hư hỏng, tương đương gần 1,4 tỷ đồng.
Theo Cơ quan điều tra, việc Công ty Cao su Đắk Lắk thanh toán 50% cây giống bị thiệt hại cho Công ty TNHH Cao su Huỳnh Phước là sai quy định của Nhà nước, gây thiệt hại gần 1,4 tỷ đồng.
Trụ sở Công ty CP cao su Đắk Lắk
Ngoài vụ án giống cây cao su, CQĐT Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đang thụ lý điều tra vụ môi giới bán mủ cao su hưởng phần trăm "hoa hồng" lên đến hơn nửa triệu USD, cũng xảy ra tại Công ty CP Cao su Đắk Lắk. Theo đó, từ năm 2009 - 2011, Công ty Cao su Đắk Lắk đã ký 3 hợp đồng nguyên tắc, nhờ Công ty TNHH Huỳnh Phước môi giới bán mủ cao su, chiết khấu môi giới 2 - 3%. Cụ thể, tại hợp đồng nguyên tắc số 18 (ngày 20/3/2009), số hàng đã giao dịch hơn 1.128 tấn, doanh thu đạt hơn 2,5 triệu USD, Công ty TNHH Huỳnh Phước được chiết khấu môi giới 3%, tương đương với số tiền hơn 75.276 USD. Hợp đồng nguyên tắc số 71 (ngày 09/11/2009), số hàng đã giao dịch hơn 3.548 tấn, doanh thu hơn 11,7 triệu USD, chiết khấu môi giới 3% trả cho Công ty TNHH Huỳnh Phước hơn 353.677 USD. Hợp đồng nguyên tắc số LT03 (ngày 05/01/2011), số hàng đã giao dịch hơn 1.370 tấn, doanh thu đạt hơn 6,2 triệu USD, chiết khấu môi giới 2% chi trả cho Công ty TNHH Huỳnh Phước hơn 115.698 USD. Cơ quan điều tra đang làm rõ việc Công ty CP cao su Đắk Lắk chi "hoa hồng" môi giới bán mủ cao su cho Công ty TNHH Huỳnh Phước số tiền gần nửa triệu USD có thông qua cơ quan quản lý vốn là UBND tỉnh Đắk Lắk và có đúng quy định không?
Công ty Cao su Đắk Lắk (trụ sở P.Tân An, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) là doanh nghiệp Nhà nước, quản lý trên 20.000ha, chuyên trồng, chế biến mủ cao su, kinh doanh khách sạn, du lịch, ở 2 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai. Năm 2018, doanh nghiệp này cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn chiếm 99% vốn. Trong quá trình hoạt động, những người được giao điều hành doanh nghiệp này tự tung tự tác, đưa vốn đầu tư ngoài ngành như: mở khu du lịch, xây nhà xưởng, nhập máy móc chế biến mủ cao su kém chất lượng... gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng; có người còn đưa con cháu không có chuyên môn, trình độ vào làm quản lý ở những công ty con. Để xảy ra hàng loạt bê bối, sai phạm, nhiều lãnh đạo qua các thời kỳ của doanh nghiệp này bị xử lý kỷ luật. Từ 2023 đến nay, có 4 cán bộ chủ chốt bị khởi tố, người bị bắt giam, người bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Cần có cuộc thanh tra, làm rõ sai phạm gây thất thoát lớn về tài chính xảy ra tại Tổng công ty này.