Vụ phá sản dự án trồng 100ha rừng ở Kon Tum: Do người dân chưa ủng hộ?

Thứ Năm, 15/07/2021 14:25

|

(CAO) Dân chưa ủng hộ, đồng tình trả lại đất, tập quán chăn thả rông gia súc vào khu vực rừng và phá hoại cây trồng để canh tác mì làm mật độ cây suy giảm mạnh là những nguyên nhân được Chi cục Kiểm lâm Kon Tum lý giải cho sự thất bại dự án trồng hơn 100ha rừng.

Liên quan đến phản ánh của Báo Công an TP.HCM về việc vụ trồng 100ha rừng ở xã Pờ Ê (H. Kon Plông, Kon Tum) bị chết sạch, Chi cục Kiểm lâm Kon Tum đã có phản hồi.

Cây thông "cô đơn" của dự án còn sót lại giữa hàng trăm ha mì

Theo chi cục Kiểm lâm Kon Tum cho rằng, việc trồng rừng thay thế không thành rừng tại xã Pờ Ê là do người dân chưa ủng hộ, đồng tình trả lại đất để trồng rừng; tập quán chăn thả rông gia súc vào khu vực rừng trồng; tiếp tục canh tác mì trên diện tích trồng rừng và phá hoại làm mật độ cây suy giảm mạnh.

Cũng theo Chi cục Kiểm lâm Kon Tum nguồn vốn để thực hiện dự án là vốn của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông (trích nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng của đơn vị để thực hiện).

Số tiền gần 1,5 tỷ đồng bỏ ra trồng rừng của dự án, nay chỉ thu lại được hơn 112 triệu, hiện UBND tỉnh Kon Tum đã thống nhất chủ trương cho Công ty sử dụng nguồn thu của đơn vị (nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng qua các năm) để bù đắp một phần chi phí thiệt hại do yếu tố bất khả kháng gây ra.

Về số diện tích đất trồng rừng bị người dân lấn chiếm, các cơ quan sẽ tiếp tục vận động nhân dân tham gia trồng rừng; xây dựng kế hoạch bố trí sử dụng diện tích đất và rừng hiện đang do UBND xã Pờ Ê quản lý hợp lý.

Còn về trách nhiệm của các cá nhân, tập thể để xảy ra trồng xong rồi bị mất rừng và không thu hồi được tiền tỷ, thì chưa được Chi cục Kiểm lâm Kon Tum đề cập đến.

Rừng không thành, đất bị dân xâm chiếm trồng mì

Trước đó, CAO đã đưa, năm 2014, UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt 2 dự án trồng rừng dọc quốc lộ 24 qua xã Pờ Ê (Kon Plông), do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông làm chủ đầu tư.

Năm đầu tiên, hơn 100ha rừng thông được trồng với số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Bước sang năm thứ 2, người dân đã thay thế rừng trồng bằng cây mì. Hơn 7 năm sau rừng dự án không thấy đâu, thay vào đó là cây mì.

Sự việc gây thiệt hại gần 1,5 tỷ đồng, cảnh quan dọc quốc lộ 24 trọc hoàn trọc… trong khi trách nhiệm “trồng rừng không thành rừng” chưa ai nhận.

Ngay sau khi báo đăng, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản, giao cho Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh như báo phản ánh về Dự án trồng rừng thay thế 100ha tại xã Pờ Ê (Kon Plông, Kon Tum).

Kết quả kiểm tra, báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 20-7 và đề xuất UBND tỉnh xem xét, xử lý.

Trồng 100ha rừng thông ở Kon Tum: Sau 1 năm thông bị phá sạch, tiền khó thu hồi
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang