Trồng 100ha rừng thông ở Kon Tum: Sau 1 năm thông bị phá sạch, tiền khó thu hồi

Thứ Năm, 01/07/2021 06:55

|

(CAO) Kon Tum đã tổ chức khảo sát, trồng thông trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, tuy nhiên, sau 7 năm trồng, hơn 100ha rừng đã bị phá sạch, còn người dân tham gia đang ôm “món nợ” tiền tỷ.

Phá sản dự án trồng rừng

Sau khi đất lâm nghiệp dọc Quốc lộ (QL) 24 đoạn qua xã Pờ Ê (H. Kon Plông, Kon Tum) bị người dân lấn chiếm làm nông nghiệp, tỉnh Kon Tum đã xây dựng kế hoạch trồng rừng thay thế.

Đến năm 2014, UBND tỉnh Kon Tum ra 2 quyết định “phê duyệt dự án trồng rừng thay thế” 100 ha và 63 ha tại 5 tiểu khu 434, 437, 438, 438, 439 và 440 ở xã Pờ Ê, dọc theo quốc lộ 24 do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông (Công ty Lâm nghiệp Kon Plông) làm chủ đầu tư. Thời gian triển khai từ năm 2014-2017.

Đất lâm nghiệp bị lấn chiếm dọc QL24 đoạn qua xã Pờ Ê được đưa vào kế hoạch trồng rừng

Theo quyết định trên, dự toán ban đầu đối với dự án trồng 100ha rừng có kinh phí đầu tư gần 4,4 tỷ đồng. Với dự án trồng 63 ha rừng có kinh phí hơn 2,7 tỷ đồng. Tổng chi phí 2 dự án hơn 7,1 tỷ đồng, chủng loại cây trồng là thông.

Mục tiêu của dự án là phát triển được 100ha rừng, đồng thời tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong vùng dự án, góp phần bảo vệ môi trường, an ninh trật tự trên địa bàn.

Đã có 197 hộ dân của xã Pờ Ê tham gia dự án trồng rừng. Theo đó, khi rừng phát triển, các hộ dân sẽ được trả tiền quản lý, bảo vệ rừng trên số diện tích tương ứng.

Năm đầu triển khai dự án rất suôn sẻ, người dân đồng thuận với chủ trương trồng rừng. Lúc trồng, Công ty Lâm nghiệp Kon Plông đã cung cấp giống, phân bón, cử người hướng dẫn kỹ thuật, còn người dân tự bỏ công. Sau khi trồng, cây thông hợp với thổ nhưỡng nơi đây nên phát triển rất tốt. Gần 1 năm sau trồng, rừng đạt mật độ đạt hơn 1.000 cây/ha, tỷ lệ sống 93%.

Khi hơn 100ha rừng thông phát triển tốt, từ chính quyền địa phương đến người dân đều kỳ vọng sau này sẽ được hưởng lợi từ rừng của dự án. Tuy nhiên đến năm 2015, giá mì lên cao, cộng với quản lý lỏng lẻo của các đơn vị liên quan, người dân đã tìm mọi cách phá số diện tích rừng thông này. Chỉ trong thời gian ngắn, 100 ha rừng thông đã phải “hi sinh” nhường lại cho cây mì.

Hiện hơn 100ha của dự án trải dài khoảng 16km hai bên QL24 giờ chỉ còn màu xanh của cây mì. Đi bộ khắp các rẫy sản xuất, chúng tôi may mắn tìm được vài cây thông còn sống sót nằm trơ trọi giữa một rừng cây mì. Những cây thông sống hiếm hoi này, giờ đã cao hơn 2m.

1 cây thông "cô đơn" sống sót của dự án

Ông A Choẻn (xã Pờ Ê) – người tham gia dự án trồng rừng phân trần: “Thông trồng được 1 năm thì chết, dân quay lại trồng cây mì trên diện tích đó. Nhà mình trồng 1ha rừng thông được hỗ trợ ban đầu 6 triệu đồng. Sau khi thông chết, mình vay mượn trả lại được 3 triệu đồng, số còn lại không có trả. Người dân trong thôn tham gia trồng rừng thông đến nay vẫn chưa trả hết số tiền hỗ trợ. Dân nghèo không biết lấy gì để trả lại tiền được hỗ trợ trồng rừng”.

Trồng rừng để rừng mất, tiền mất

Một năm đầu triển khai dự án, Công ty Lâm nghiệp Kon Plông đã trích từ nguồn thu quỹ dịch vụ môi trường rừng hơn 1,3 tỷ đồng để chi trả việc trồng hơn 100ha. Tuy nhiên, rừng trồng hơn 100ha đã bị xoá sách, số tiền bỏ ra cũng “chôn” theo thao cây.

Sau khi rừng thông bị xoá sổ, người dân quay lại trồng mỳ

Ông Văn Đăng Thái - Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật Công ty Lâm nghiệp Kon Plông cho biết, đất để trồng rừng do UBND xã Pờ Ê quản lý, thuộc quy hoạch lâm nghiệp, tuy nhiên đã bị người dân xâm chiếm.

Khi trồng rừng trên diện tích này, dự án vẫn tạo điều kiện cho người dân thu hoạch nông sản. Tuy nhiên, sau khi thu xong cùng với việc chăn thả gia súc đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng thông mới trồng. Khi đoàn kiểm tra liên ngành xuống thực địa, thì số rừng thông trồng này đã bị xoá sổ. Sau đó, đơn vị đã dừng kế hoạch trồng rừng theo dự án.

Ông Vũ Thành Đồng - Kế toán Công ty Lâm nghiệp Kon Plông cho biết thêm, khi dự án không thành công, đơn vị đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành thu hồi số tiền đã hỗ trợ cho người dân tham gia dự án trồng rừng. Việc thu lại tiền hỗ trợ trồng rừng rất khó khăn. Từ đó đến nay, đơn vị mới thu hồi được khoảng 112 triệu đồng trên tổng hơn 1,3 tỷ đồng đã bỏ ra.

Kon Tum: Băm nát rừng thông 20 năm tuổi để trồng mắc ca
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang