(CAO) Tỉnh Kon Tum cho chặt cả trăm héc ta rừng thông trồng tại huyện Kon Plông để bàn giao đất cho doanh nghiệp trồng cây mắc ca.
Dư luận băn khoăn vì sao, một huyện xác định du lịch sinh thái là mũi nhọn kinh tế lại dễ dàng đánh đổi cả trăm héc ta rừng thông chỉ để trồng cây mắc ca (?!).
Máy móc, con người được tập kết để khai thác thông
Nhiều tháng trở lại đây, rất nhiều người dân tại huyện Kon Plông và du khách hết sức ngỡ ngàng khi nghe ầm ầm tiếng cưa máy, xe vận tải cỡ lớn, cây đổ,… Họ bất ngờ bởi những cánh rừng thông đẹp thơ mộng làm nên thương hiệu du lịch sinh thái của huyện Kon Plông lại bị đốn hạ không thương tiếc!
Người dân đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, khi được những người có thẩm quyền trả lời: Hạ thông để cho doanh nghiệp thuê đất trồng cây mắc ca – cây trồng mà lâu nay luôn được đặt dấu hỏi về hiệu quả kinh tế ở Tây Nguyên.
Ghi nhận của PV tại hiện trường, từ thị trấn Măng Đen xuôi theo QL24 về xã Đăk Long (huyện Kon Plông) hàng trăm héc ta rừng thông 20 năm tuổi đã bị xóa sổ. Hàng chục máy móc, cưa máy, cùng hàng chục con người được điều động để hạ cây.
(CAO) Sau nhiều giờ vật vã đường rừng, PV đến khu rừng phòng hộ đầu nguồn xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) và chứng kiến cảnh tàn phá rừng nghiêm trọng.
Tan hoàng rừng thông tại huyện Kon Plông
Những chiếc xe container đang chất đầy gỗ thông nằm sát lề đường để chuẩn bị chở đi. Hoạt động khai thác như một công trường cỡ lớn đã phá vỡ đi không gian của một cánh rừng trước đây vốn bình yên. Hỏi ra mới biết, thông đang bị hạ là của 1 dự án mới, còn những cây thông nhường cho mắc ca đã bị xóa trắng cách đây hơn tháng.
Với vẻ mặt lo lắng, bất lực nhìn rừng thông bị chặt hạ, ông A Men (thôn Kon Chốt, xã Đăk Long) cho biết, rừng thông này gắn bó với tuổi thơ tôi. Rừng thông lâu nay che gió, điều hòa khí hậu không chỉ cho làng mà còn cả các vùng lân cận. Những năm trước, người trong làng còn kiếm tiền nhờ đi phát cỏ, phòng cháy chữa cháy, giờ thì hết rồi.
Đứng nhìn khu rừng trọc, ông A Bít - Trưởng thôn Kon Chốt tiếc nuối nói: “Đồi trọc kia, trước đây là rừng thông xanh tốt, giờ bị chặt hạ hết, cảm thấy tiếc! Nhưng rừng của nhà nước nên mình và người dân trong làng cũng đành phải chấp nhận cho họ chặt”.
Nhiều nơi, sau khi chặt, thông còn bị đốt nham nhở
Ông Phan Ngọc Hải - Chủ tịch UBND xã Đăk Long cho biết, trước khi lập dự án, các đơn vị có lấy ý kiến của xã. “Tôi vừa mới về nhận công tác từ đầu năm 2017 và thấy đã triển khai dự án. Phía công ty đã có xuống lấy ý kiến xã, tuy nhiên nội dung trả lời của UBND xã Đăk Long thời điểm đó tôi không rõ”, ông Hải cho biết thêm.
Ông Văn Đăng Thái - Phó Phòng kỹ thuật Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plông (đơn vị được giao quản lý phần lớn rừng thông) cung cấp: “Sau khi có quyết định phê duyệt chủ trương khai thác rừng thông của UBND tỉnh Kon Tum, chủ rừng đã thuê đơn vị có chức năng để khai thác. Đơn vị đã hoàn thành khai thác 91,2ha vào ngày 31-6-2017 và bàn giao hết 187ha cho dự án. Trữ lượng gỗ đã khai thác đạt 4.048m3 gỗ thông”.
Những con đường đang được mở để cho xe cơ giới vao khai thác
Điều đáng nói, dự án trồng mắc ca này đã lấy đi rất nhiều diện tích rừng thông 20 năm tuổi nằm khá gần khu du lịch Măng Đen – nơi được mệnh danh là Đà Lạt thứ 2 của Việt Nam. Hiệu quả kinh tế của dự án chưa thấy đâu, nhưng trước mắt vùng du lịch sinh thái đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2013 mất đi những rừng thông hút khách du lịch.
Trước câu hỏi đặt ra là vì sao không giới thiệu địa điểm khác cho chủ đầu tư mà chọn khu rừng thông, ông Bùi Thanh Phong – Chánh văn phòng UBND huyện Kon Plông trả lời: “Trên địa bàn huyện chủ yếu là rừng nguyên sinh. Tỉnh cũng như huyện đều thống nhất để phát triển kinh tế chủ yếu tập trung vào diện tích rừng được phép chuyển đổi, trong đó chủ yếu là rừng thông và một số diện tích đồi trọc”. Tuy nhiên ông Phong cũng thừa nhận: “Về diện tích rừng thông, chủ trương của huyện là để lại làm cảnh quan chứ không phải khai thác, chuyển đổi toàn bộ diện tích”.
Nhưng trên thực tế, ngoài dự án trồng mắc ca nói trên, tại huyện Kon Plông còn có nhiều dự án khác đang triển khai cũng ngốn nhiều diện tích rừng thông.