Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại buổi Lễ khai trương Thị trường Chứng khoán phái sinh Việt Nam được tổ chức tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội ngày 10/8.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định phát triển thị trường chứng khoán để tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn làm động lực cho phát triển kinh tế-xã hội là một chủ trương lớn và nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong thời kỳ đổi mới.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại lễ khai trương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Kể từ khi thành lập đến nay, quy mô của thị trường cổ phiếu và trái phiếu đã chiếm hơn 80% GDP, trong đó thị trường cổ phiếu có quy mô bằng 57% GDP, thị trường trái phiếu có quy mô bằng 24% GDP; lượng vốn huy động qua thị trường chứng khoán đã chiếm khoảng 23% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội. Nhiều doanh nghiệp cổ phần đã tận dụng được cơ hội do TTCK mang lại để huy động vốn, không ngừng phát triển và trở thành các doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam. TTCK cũng đã tham gia thu hút được một lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài, hỗ trợ cho nguồn nội lực để phát triển.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, sự ra đời của TTCK phái sinh là cần thiết, tất yếu nhằm hoàn thiện cấu trúc của thị trường tài chính và nằm trong chiến lược phát triển TTCK trong thời gian tới.
Ngay từ năm 2007, Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đã xác định chủ trương xây dựng TTCK phái sinh vận hành theo các thông lệ quốc tế. Từ đó đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và UBCKNN nghiên cứu, xây dựng thể chế để đưa TTCK phái sinh vào hoạt động trên nguyên tắc thận trọng, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn và theo thông lệ quốc tế tốt nhất.
Đến năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam và Nghị định số 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh được ban hành năm 2015.
Đây là thị trường có các sản phẩm phức tạp, chủ yếu giúp các nhà đầu tư phân tán và phòng ngừa rủi ro, đồng thời giúp đa dạng hóa sản phẩm đầu tư, qua đó làm tăng sự hấp dẫn và cơ hội của thị trường chứng khoán. Do vậy, TTCK phái sinh thường được phát triển sau thị trường cơ sở; các nước trong khu vực thường mở cửa TTCK phái sinh sau khoảng 30 năm kể từ ngày mở cửa thị trường chứng khoán cơ sở.
Trong lĩnh vực này, Việt Nam đã tiến khá nhanh với sự ra đời của TTCK phái sinh Việt Nam, chỉ hơn 17 năm sau khi có thị trường chứng khoán cơ sở.
Do đó, đây là một sự kiện quan trọng, một mốc son trong quá trình phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, thành viên thị trường và công chúng đầu tư.
“TTCK phái sinh ra đời sẽ có tác động tích cực đến sự minh bạch, tính thị trường của TTCK cơ sở, qua đó sẽ làm tăng tính thanh khoản, tăng quy mô thị trường, hỗ trợ TTCK phát triển ổn định, bền vững và là kênh huy động vốn an toàn, dài hạn phục vụ cho tăng trưởng kinh tế", Phó Thủ tướng nói.
Nhân dịp này, lãnh đạo Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán, ngân hàng thanh toán các thành viên thị trường, các cơ quan truyền thông trong suốt thời gian qua đã nỗ lực phấn đấu, tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho sự ra đời một thị trường chứng khoán phái sinh như xây dựng khung pháp lý, triển khai hạ tầng công nghệ, thiết kế sản phẩm giao dịch, chuẩn bị nguồn nhân lực và phổ biến kiến thức cho công chúng đầu tư.
Trong thời gian tới, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển của nước ta là rất lớn, vì vậy TTCK phải phát triển mạnh hơn nữa để đảm nhận vai trò cung cấp vốn trung và dài hạn chủ đạo cho nền kinh tế.
Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan ở Trung ương và địa phương, tranh thủ sự hợp tác của quốc tế để tập trung thực hiện các nhiệm vụ.
Các đại biểu nhấn nút khai trương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thứ nhất, các cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về chứng khoán và thị trường chứng khoán phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện phát triển kinh tế đất nước để tiếp tục phát triển TTCK đồng bộ và thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính của đất nước; trong đó tập trung xây dựng Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2020 tầm nhìn 2030, trình Chính phủ phương án cụ thể hợp nhất 2 Sở GDCK theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và sửa đổi Luật Chứng khoán, trong đó cần ưu tiên xây dựng cơ sở pháp lý các sản phẩm phái sinh và TTCK phái sinh để tạo tiền đề cho phát triển sau này.
Thứ hai, cần vận hành thị trường chứng khoán phái sinh thông suốt, ổn định, bảo đảm an toàn, minh bạch và hiệu quả với nhiều cấp độ, đa dạng hóa các loại sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với mức độ phát triển TTCK. Sau sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số khai trương hôm nay, cần sớm nghiên cứu thời điểm thích hợp để tiếp tục đưa các sản phẩm phái sinh trái phiếu Chính phủ và sản phẩm quyền chọn vào giao dịch.
Thứ ba, tăng cường quản lý, hoàn thiện mô hình giám sát và công bố thông tin trên TTCK phái sinh, bảo đảm khả năng phòng ngừa rủi ro cho hệ thống tài chính, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán.
Thứ tư, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ giao dịch và thanh toán bù trừ để bảo đảm an toàn, ổn định của thị trường, có khả năng kết nối, đồng bộ với các hệ thống giao dịch và giám sát thị trường.
Thứ năm, ưu tiên đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao ở các cấp độ: Cơ quan quản lý, công ty chứng khoán, thành viên bù trừ, nhân viên nghiệp vụ. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và đào tạo để công chúng đầu tư sớm tiếp cận và tham gia tích cực vào TTCK phái sinh.
Cuối cùng, các đơn vị cần chủ động hội nhập thị trường tài chính quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp cận với các chuẩn mực chung và thông lệ quốc tế, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa TTCK Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực.
Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển TTCK đến nay, Phó Thủ tướng khẳng định việc xây dựng TTCK phái sinh là chủ trương rất đúng đắn nhằm hoàn thiện cấu trúc thị trường tài chính. Đây cũng là kết quả của việc phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tài chính; sự đoàn kết, nhất trí, quyết tâm cao của tập thể Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán, các thành viên thị trường, các nhà đầu tư, hệ thống truyền thông, báo chí đã nỗ lực từng bước đưa ngành chứng khoán Việt Nam phát triển, đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước.
”Với tiềm năng vốn có của thị trường chứng khoán, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ, tôi tin tưởng rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang có cơ hội phát triển nhanh, mạnh và vững chắc hơn”, Phó Thủ tướng nói.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt các đơn vị liên quan đã tiếp thu các ý kiến và quán triệt các đơn vị liên quan thực hiện đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ để thúc đẩy TTCK phát triển.
Được biết, tham gia TTCK phái sinh ban đầu sẽ có 7 công ty chứng khoán đã được chấp thuận trở thành thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh của HNX và thành viên bù trừ thanh toán của VSD bao gồm: Công ty Chứng khoán VPBank (VPBS), Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC), Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), Công ty Chứng khoán VNDirect (VNDS), Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Công ty Chứng khoán MB (MBS). Việt Nam sẽ là quốc gia thứ 5 có thị trường chứng khoán phái sinh trong khu vực ASEAN cùng với Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan và là quốc gia thứ 42 trên thế giới có thị trường tài chính bậc cao này.
http://baochinhphu.vn/Thi-truong/Chinh-thuc-khai-truong-thi-truong-chung-khoan-phai-sinh-Viet-Nam/313557.vgp