Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Ban Cán sự Đảng Chính phủ

Thứ Tư, 09/08/2017 21:07

|

Hôm nay (9-8), tại trụ sở Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Ban Cán sự, về một số Đề án dự kiến trình Trung ương.

Tại cuộc họp, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã xem xét Đề án về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và dân số trong tình hình mới do Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế chủ trì báo cáo; Đề án về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập do Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ chủ trì báo cáo; Đề án về thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu chủ trì báo cáo.

Đối với Đề án về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và dân số trong tình hình mới, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phải nghiên cứu các tiến bộ, thành tựu của khu vực và thế giới với “tư duy đi trước, đón đầu để không lạc hậu”. Nhà nước có trách nhiệm chăm lo sức khỏe nhân dân, đây là quan điểm nhất quán. Bên cạnh đó, cần xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực, khi mà nhờ xã hội hóa, cùng với Nhà nước, mới tạo nên vóc dáng, sự trưởng thành của ngành y tế như hiện nay.

Nhấn mạnh việc có cơ chế để xây dựng các trung tâm khám chữa bệnh hiện đại, thu hút quốc tế và trong nước, Thủ tướng cho rằng, “đáng lẽ chúng ta, với nguồn nhân lực hiện nay, có thể thu hút khám chữa bệnh quốc tế rất lớn nhưng ngược lại, chúng ta lại tốn tiền rất lớn (cho việc ra nước ngoài khám chữa bệnh). Đây là những vấn đề cần chú ý”.

Thủ tướng cũng lưu ý một số vấn đề như chương trình y tế vì người nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương; lộ trình giá dịch vụ y tế theo cơ chế thị trường; tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh… Lấy sự hài lòng của người dân là thước đo quan trọng với chất lượng dịch vụ và xếp hạng bệnh viện là định hướng quan trọng. Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành y tế, trong đó chú trọng nâng cao y đức.

Đối với vấn đề dân số, Thủ tướng cho rằng, Đề án cần đưa ra các giải pháp mạnh mẽ khắc phục một số điểm bất cập như tuổi thọ tăng nhanh nhưng sức khỏe kém sau khi về hưu, hết tuổi lao động hay tốc độ già hóa dân số nhanh, chất lượng, cơ cấu dân số… “Các đồng chí cần xoáy vào các bất cập hiện nay để tính toán”, Thủ tướng nói và yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo nhấn mạnh hơn vào các biện pháp nâng cao chất lượng dân số. Quy mô dân số phải theo mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Thủ tướng nêu rõ việc không đặt vấn đề tổ chức bộ máy về công tác dân số trong Đề án này.

Đối với Đề án về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần cơ bản là phải tự chủ tài chính, giảm biên chế, tự trang trải, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Nâng cao chất lượng dịch vụ công; tăng cường, tạo cơ chế thuận lợi nhất cho xã hội hóa.

Với định hướng này, cần tính toán kỹ để các chỉ tiêu phải khả thi. “Phải chuẩn bị lý do để lý giải cho từng số liệu đưa ra. Đừng tính theo cách “bốc thuốc”, “ ý chí chủ quan”, Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh tinh thần kiên quyết sắp xếp lại gần 60.000 đơn vị sự nghiệp công lập, Thủ tướng đặt vấn đề, còn lại bao nhiêu là đúng, là vừa; bao gồm những loại hình nào; bộ máy đơn vị sự nghiệp công như thế nào, có phải chủ chốt là biên chế còn lại là hợp đồng hay không? Nhà nước sẽ đặt hàng cái gì, sản phẩm nào cần thiết?

“Ta đang nói kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà thị trường, xã hội không cần, người dân không cần thì anh phải dẹp thôi”, Thủ tướng nói. Tự chủ về cơ chế tài chính cần tính toán kỹ lại việc này để đổi mới thế nào cho phù hợp.

Thủ tướng đồng ý khái niệm mức độ tự chủ căn cứ vào mức độ tự lo về kinh phí và đề nghị các giải pháp phải đủ mạnh, mang tính cách mạng để khắc phục các hạn chế, tồn tại hiện nay mà “ai cũng thấy cả”.

Thủ tướng nhấn mạnh chỉ chọn những loại dịch vụ thiết yếu, Nhà nước cần bảo đảm, còn cơ bản phải chuyển mạnh sang tự chủ, xã hội hóa. Phải mở rộng diện tự chủ hoàn toàn, có cơ chế, chính sách tốt nhất để thúc đẩy xã hội hóa, giảm tối đa ngân sách Nhà nước phải chi.

“Không được mang khẩu hiệu chung chung, mang tính nguyên tắc khó hiểu”, Thủ tướng lưu ý cơ quan soạn thảo, phải có những nhiệm vụ, hành động cụ thể, đặc biệt là những giải pháp về cơ chế tài chính, nâng cao chất lượng viên chức.

Đối với Đề án về thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng quán triệt tinh thần là bám sát các nghị quyết của Trung ương như Nghị quyết 05-NQ/TW về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn và chức năng quản lý nhà nước. Ban Soạn thảo khẩn trương hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp để trình Trung ương xem xét.

http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Thu-tuong-Nguyen-Xuan-Phuc-chu-tri-hop-Ban-Can-su-Dang-Chinh-phu/313520.vgp

Bình luận (0)

Lên đầu trang