Yêu cầu chấm dứt dự án trồng cao su trên rừng nghèo của Đức Long Gia Lai

Thứ Năm, 15/08/2024 14:10

|

(CAO) Thanh tra Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chấm dứt hoạt động Dự án trồng cao su trên đất rừng nghèo kiệt của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (gọi tắt Đức Long Gia Lai).

Thanh tra Chính phủ mới ban hành Thông báo kết luận thanh tra về việc thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Gia Lai trong quản lý, sử dụng đất đai, đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; hoạt động khai thác cát, đất, đá, sỏi và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Theo Thông báo kết luận, đối với nội dung quản lý sử dụng đất, giám sát đầu tư, Thanh tra Chính phủ có nội dung yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chấm dứt hoạt động Dự án trồng cao su trên đất rừng nghèo kiệt của Đức Long Gia Lai. Lý do được đưa là chủ đầu Đức Long Gia Lai) tư không thực hiện nghĩa vụ tài chính, không thực hiện dự án.

Dự án trồng cao su trên đất rừng nghèo kiệt của Đức Long Gia Lai tại huyện Chư Pưh có diện tích gần 900 héc-ta. Dự án được phê duyệt đầu tư từ năm 2011 và UBND tỉnh Gia Lai cho thuê đất từ năm 2014.

Tuy nhiên, sau 11 năm, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành một số công đoạn chuẩn bị đầu tư, như: đào hào chống xâm lấn, bảo vệ rừng, xây dựng vườn ươm và lập hồ sơ khai thác tận thu. Đáng nói, doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Cao su trồng trên một vùng đất rừng nghèo chết hàng loạt. Ảnh minh hoạ

Như Báo Công an TP.HCM có phản ánh, thực hiện chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, từ năm 2008 - 2011, tỉnh Gia Lai đã cho 16 doanh nghiệp triển khai 44 dự án ở các huyện Chư Prông, Ia Grai, Chư Pưh, Đức Cơ và Ia Pa. Các doanh nghiệp đã trồng được hơn 25.500 héc-ta cao su trên diện tích rừng nghèo được chuyển đổi. Sau hơn 10 năm thực hiện dự án, đa số cao su còi cọc, kém phát triển, bị chết, bị cháy.

Kết quả kiểm kê mới nhất, đối với dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, diện tích cao su sinh trưởng bình thường hơn 9.000 héc-ta, diện tích cao su kém phát triển hơn 14.000 héc-ta, diện tích cao su bị chết gần 2.500 héc-ta.

Cây cao su trong dự án bị chết, nguyên nhân là do đất đai thổ nhưỡng không phù hợp. Ở rừng khộp, tầng đất canh tác chỉ có độ sâu khoảng 50cm, chỉ đủ điều kiện để rễ cọc cao su phát triển trong 2-3 năm đầu, đến những năm sau không phát triển được hoặc chết. 

Xin thay thế cao su bị chết sang cây trồng khác
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang