(CAO) Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Gia Lai vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh về kết quả kiểm tra, xác minh thông tin về hàng trăm ha cao su "vô chủ" đang được chăm sóc, khai thác tại H.Chư Prông.
Theo ghi nhận, hơn 359 héc-ta cao su trên nằm liền kề với diện tích cao su của nhiều doanh nghiệp và đan xen trong diện tích rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Ia Púch quản lý. Các cây cao su được trồng ở đây khoảng 10 năm trước, hiện chiều cao trung bình cây khoảng 8m, đường kính thân cây khoảng 22cm.
Dấu vết tại hiện trường cho thấy, số cao su này vẫn được chăm sóc, khai thác mủ bình thường. Các cây cao su có vết cạo mủ khá mới, xung quanh có các vật dụng dùng để khai thác mủ. Tuy nhiên, chủ nhân thực sự của 359 héc-ta cao su này không ai rõ. Ai đang chăm sóc, khai thác mủ tại đây cũng đang là điều 'bí ẩn'.
Hơn 359 héc-ta cao su trồng trên đất rừng
Theo báo cáo của Ban QLRPH la Púch, đối với điện tích hơn 359 héc-ta, đơn vị đang phối hợp với Cơ quan CSĐT để cung cấp thông tin, kiểm tra hiện trường, xác minh đối tượng vi phạm.
Trước đó, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã có kết luận, Ban QLRPH Ia Púch để mất hơn 1.228 héc-ta đất rừng, trong đó có hơn 359 héc-ta đất rừng bị lấn chiếm trồng cao su.
Các cây su "vô chủ" vẫn được khai thác mủ.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị đã phối hợp với UBND H.Chư Prông và các bên liên quan đi kiểm tra thực tế vườn cao su “vô chủ” này. Do thời gian kiểm tra ngắn, nên Đoàn kiểm tra thống nhất chỉ kiểm tra ngẫu nhiên 3 vị trí trong tổng diện tích hơn 359 héc-ta. Đoàn kiểm tra xác định có 1 vị trí trồng cây cao su, có dấu vết của việc khai thác mủ cao su và 2 vị trí còn lại không trồng cây cao su (Công ty cao su Trung Nguyên đã trồng cỏ).
Hiện hơn 1.228 héc-ta đất rừng lấn chiếm (trong đó có 359 héc-ta cao su “vô chủ”) đang được Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Gia Lai tiến hành điều tra, xác minh.
(CAO) Cây cao su từng một thời “gây bão” khi hàng chục ngàn héc-ta rừng đã bị “khai tử” để nhường đất cho loài cây cho ra "vàng trắng". Tuy nhiên đến nay rừng mất, nhiều diện tích cao su chết yểu, doanh nghiệp lao đao theo dự án.