Bày bán tràn lan
Đối với nhiều người, ngồi uống cà phê mà thiếu điếu thuốc lá là mất đi một phần hương vị đặc trưng. Kèm với thói quen đó, việc kinh doanh thuốc lá lậu cũng trở nên phát triển khi nhiều người coi việc bán thuốc lá lậu là "đương nhiên" và ở đâu cũng có thể tìm thấy mặt hàng này, từ tiệm tạp hóa đến những chiếc xe đẩy, bán hàng rong bên lề đường.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân khiến thuốc lá nhập lậu len lỏi vào sâu trong thị trường phần lớn ở việc chúng tồn tại khắp mọi nơi, ở đâu cũng có thể tìm mua được. Cụ thể, một bao thuốc lá nhập lậu hiệu Jet, Hero có thể mang lại lợi nhuận cao gấp 3 - 4 lần cho người bán. Do đó, hầu như mọi tiệm tạp hóa, xe đẩy hàng rong... đều tranh thủ mua vài bao thuốc lá để bán kiếm lời. Bên cạnh đó, đối với nhiều người hút thuốc tại TPHCM, việc sử dụng thuốc lá lậu được xem như một cách để thể hiện đẳng cấp, sành điệu. Chưa kể, nhiều người còn có quan niệm rằng thuốc lá nhập lậu các thương hiệu như Esse, 555... thơm hơn, xịn hơn so với thuốc lá được sản xuất trong nước.
Xe đẩy bán thuốc lá - hình ảnh thường thấy ở lề đường, vỉa hè
Dạo một vòng quanh các tuyến đường ở khu vực Q8, Q10, Q11..., không khó để người hút thuốc tìm mua một gói thuốc nhập hòng thỏa mãn nhu cầu. Khắp các con đường, ngõ hẻm, ở đâu cũng có những xe đẩy bán nước vỉa hè, quầy bán thuốc lá nhỏ ven đường bày bán gần như đầy đủ các nhãn hiệu thuốc lá. Sáng 08/8, chúng tôi đi dọc con đường Phạm Thế Hiển (Q8), hỏi hơn 10 tiệm tạp hóa, xe bán thuốc lá... để tìm mua thuốc lá Esse và đều nhận được câu trả lời "có hàng". Những người bán cho biết, dù bị cấm nhưng thuốc lá lậu lại là mặt hàng bán chạy hơn cả, khi nhu cầu nhiều hơn hẳn so với các loại thuốc được sản xuất tại Việt Nam.
Quanh chợ thuốc lá Học Lạc (Q5), tình trạng mua bán thuốc lá lậu những ngày gần đây tưởng chừng như có phần "giảm nhiệt", nhưng đó chỉ là bề nổi của "tảng băng". Khi chúng tôi hỏi mua các loại thuốc lá lậu như 555, Marlboro, Esse..., tất cả các cửa hàng đều nhanh chóng báo giá và giao hàng. Có thể nói, hầu như không có cửa hàng nào tại chợ thuốc lá Học Lạc không bán thuốc lá lậu. Có chăng là do sự truy quét quá gắt gao của lực lượng chức năng, người bán trở nên thận trọng và kín đáo hơn, chỉ cất giấu một số lượng nhỏ ngay tại cửa hàng để dễ bề tẩu tán nếu bị kiểm tra.
Qua quan sát, người bán đều giấu thuốc lá lậu ở một địa điểm khác, gần cửa hàng chính. Khi cần, họ nhanh chóng chạy đi lấy hàng để giao cho khách có nhu cầu. Dù biết đây là mặt hàng cấm, nhưng khi chúng tôi hỏi mua số lượng lớn, các cửa hàng đều cho biết "lúc nào cũng có sẵn", nhưng 1 - 2 cây thì bán tại chỗ, nhiều hơn sẽ giao tận nơi để tránh bị để ý.
Bán thuốc lá trên một xe đẩy ở đường Hồng Bàng (Q5), ông C. cho biết: Thuốc nhập lậu bán chạy hơn, nhiều khi giá cao 50 - 60 ngàn/gói 555 nhập lậu họ cũng mua. Theo ông C., do quá đắt hàng và cũng có nhiều loại mẫu mã như gói xanh, gói vàng, gói bạc... nên nhiều người cũng dễ bị lừa. Hầu hết các quầy bán thuốc lá lẻ chỉ bày các loại bao, vỏ của thuốc lá ngoại nhập. Việc làm này chủ yếu để khách nhận diện, chứ thực chất bên trong không có thuốc lá. Dù chỉ là một chiếc xe đẩy nhỏ, người bán cũng xoay xở để mua và bán đủ các loại thuốc lá lậu có trên thị trường như 555, Marlboro, Dunhill, Capri, Kent, Zouk, Captain Black, Richmond...
Các loại thuốc lá lậu được bán tràn lan
Thất thu hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm
Hoạt động buôn bán thuốc lá lậu không chỉ gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước mà còn đe dọa sức khỏe cộng đồng. Theo ước tính, tình trạng buôn lậu thuốc lá khiến ngân sách thất thu khoảng 6.000 tỷ đồng mỗi năm. Việc buôn bán thuốc lá lậu diễn ra rầm rộ, trong khi hoạt động buôn lậu thuốc lá cũng diễn ra ngang nhiên, thách thức pháp luật ở nhiều địa phương, đặc biệt ở các tỉnh biên giới Tây Nam, những địa bàn trọng điểm như: Long An, An Giang, Tây Ninh, Bình Phước, TPHCM... Trung bình mỗi ngày lượng thuốc lá nhập lậu qua các tỉnh biên giới lên đến 400 - 500 bao các loại, trong đó phần lớn là các thương hiệu như Jet, Hero, Esse, 555...
Việc vận chuyển thuốc lá lậu qua biên giới cũng ngày càng trở nên tinh vi hơn, khi các đối tượng buôn lậu thường xuyên vận chuyển thuốc lá theo từng lô nhỏ, mỗi lần dưới 1.500 bao để tránh gây sự chú ý của cơ quan chức năng, né việc bị xử lý hình sự. Thuốc lá lậu hiện được ngụy trang, cất giấu tinh vi và thường được các đối tượng vận chuyển vào ban đêm, giấu trong xe tải, ôtô và thay đổi địa bàn hoạt động liên tục để né tránh lực lượng truy quét.
Vào tháng 6/2024, một vụ vận chuyển 120.000 bao thuốc lá lậu (trị giá hơn 3,5 tỷ đồng) đã bị các lực lượng chức năng tại TPHCM phát hiện. Cụ thể, rạng sáng 28/6, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM phối hợp với Trạm Cảnh sát giao thông Tây Bắc, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Công an TPHCM chặn chiếc xe tải đang chạy trên cầu vượt Củ Chi (H.Củ Chi). Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện hơn 120.000 bao thuốc lá có xuất xứ nước ngoài được nhập lậu.
Cũng trên địa bàn TPHCM, qua công tác nắm tình hình địa bàn, Đội Cảnh sát kinh tế Công an Q10 phát hiện Nguyễn Hoàng Dưỡng và anh rể là Nguyễn Văn Hiếu có dấu hiệu buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu số lượng lớn nên lập chuyên án, tiến hành theo dõi, giám sát để phát hiện, xử lý. Chiều 10/9/2023, tổ công tác của Đội Cảnh sát kinh tế phát hiện Dưỡng và Hiếu đang vận chuyển 3 bao tải thuốc lá bằng xe máy đến ngôi nhà trên đường Nguyễn Chí Thanh (P2Q10) nên tiến hành kiểm tra, thu giữ 1.050 bao Jet, Esse, Capri. Qua khai thác, Hiếu khai còn cất giấu hơn 10.000 bao thuốc lá nhập lậu khác một căn nhà trên đường Trần Nhân Tôn (P9Q5).
Qua làm việc, Dưỡng và Hiếu thừa nhận hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lập từ đầu năm 2022 cho đến khi bị bắt. Lực lượng chức năng xác định, 2 đối tượng đã buôn bán trót lọt số lượng thuốc lá đặc biệt lớn, với số tiền đã thanh toán lên đến hơn 21 tỷ đồng, tương đương hơn 1 triệu bao thuốc lá. Điều tra mở rộng, Công an Q10 xác định Châu Ngọc Anh Khoa (SN 1987, ngụ TPHCM) là đối tượng cầm đầu đường dây bán thuốc lá cho Dưỡng và Hiếu. Là kẻ lọc lõi, Khoa tổ chức việc buôn bán thuốc lá lậu rất chặt chẽ, kín đáo khiến việc phá án gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình trên, Đội Cảnh sát kinh tế Công an Q10 đã xin ý kiến lãnh đạo Công an quận xác lập chuyên án để đấu tranh triệt phá.
Đến sáng 29/01/2024, Công an Q10 phối hợp với Công an P.An Lạc bắt giữ Phùng Văn Hiệp và Nguyễn Thanh Phong (đồng bọn của Khoa) khi đang vận chuyển lần lượt 1.020 và 900 bao thuốc lá Jet từ chợ Bình Chánh đến đường Võ Văn Kiệt. Cùng thời điểm, tổ công tác của Công an Q10 phối hợp với Công an H. Bình Chánh kiểm tra, bắt quả tang Châu Ngọc Anh Khoa, Thạch Chí Cường, Trương Quang Thái đang bốc xếp 1.900 bao thuốc nhập lậu ở chợ Bình Chánh (xã Bình Chánh, H.Bình Chánh) chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.
Khám xét ki-ốt 3B và 9B, cơ quan chức năng thu thêm 4.880 bao thuốc lá điếu nhập lậu các loại. Quá trình điều tra xác định, các đối tượng trong đường dây do Châu Ngọc Anh Khoa cầm đầu đã giao dịch mua bán thuốc lá nhập lậu trong nhiều năm, với tổng số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Tại hội thảo "Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá” do Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) tổ chức sáng 16/7, bà Tô Kim Huệ, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá cần phải được sửa đổi. Bởi lẽ, hiện nay tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn ở mức cao (42,3% năm 2020) và tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ vẫn còn ở mức thấp so với khuyến cáo của WHO.
Trước đó, Bộ Tài chính công bố dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Trong đó, cơ quan này đề xuất giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình 2026-2030. Cụ thể, 2 phương án tính thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá. Phương án 1 là tăng 2.000 đồng/bao ở năm đầu tiên và đạt mức tăng 10.000 đồng/bao vào năm 2030. Phương án 2 là tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 5 năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030. Bộ Tài chính đang nghiêng về phương án 2, sẽ tăng ngay từ năm đầu tiên. Cũng tại dự thảo này, nhiều ý kiến cho rằng việc tăng thuế trên thuốc lá hợp pháp có khả năng khiến người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các loại thuốc lá bất hợp pháp, thuốc lá lậu.