Ấm áp vùng sạt lở Trà Leng

Thứ Năm, 14/01/2021 14:56

|

(CAO) Những ngày đầu năm 2021, trong tiết trời rét lạnh ở núi rừng miền Trung, hàng chục công nhân vẫn nỗ lực làm việc để sớm bàn giao nhà mới cho người dân vùng sạt lở Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Công trường xây dựng nhà ở cho đồng bào tấp nập những ngày cận Tết Nguyên đán

Gượng dậy sau đau thương

Ước mong được sống trong ngôi nhà mới của bà con vùng sạt lở Trà Leng không còn quá xa nữa, khi các công trình nhà ở đang gấp rút được hoàn thiện. Dù thời tiết rét muốt, công trường vẫn nhộn nhịp xây dựng. Công cuộc tái thiết cuộc sống cho đồng bào vùng sạt lở Trà Leng bị thiệt hại do thiên tai đang gấp rút về đích, để bà con sớm ổn định cuộc sống, đón năm mới ấm áp, tươi vui.

Công nhân gấp rút hoàn thiện nhà cho người dân kịp đón Tết

Ông Hồ Văn Đề (85 tuổi, trú xã Trà Leng) có 8 người con, cháu bị chết và mất tích trong vụ sạt lở cũng đã nhận đất tái định cư (TĐC) và ngôi nhà của ông cũng đang được gấp rút xây dựng. Hàng ngày, ông vẫn ra nơi bị sạt lở chờ mong những người con, cháu bị mất tích của ông.

“Tôi có 8 người con, cháu bị chết và mất tích rất buồn. Nhà cửa bị trôi hết rồi, giờ nhà nước đang làm lại nhà cho tôi, mong là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sẽ có nhà mới. Buồn thì buồn nhưng tôi cũng vui vì nhà nước quan tâm, giúp đỡ để làm lại cái nhà”, ông Đề nói.

Ông Hồ Văn Đề

Dù trời rét lạnh nhưng anh Lê Hồng Lợi (trú xã Trà Leng), một trong những hộ dân bị mất nhà cửa trong vụ sạt lở, hàng ngày vẫn ra khu TĐC chứng kiến nhà của mình và của các hộ dân khác đang triển khai xây dựng.

Theo anh Lợi, gia đình anh có 4 người, trong vụ sạt lở, vợ và con của anh may mắn chạy thoát được và chỉ bị thương. Anh nói, mỗi ngày anh đều đến khu TĐC mong ngóng ngôi nhà của mình hoàn thiện và dọn vào ở.

“Nhà nước cho đất và làm nhà, còn mình muốn nhà đẹp thì bỏ thêm tiền vào thôi”, anh Lợi nói.

Những nền móng ngôi nhà mới cho đồng bào Trà Leng đang xây dựng

Còn anh Hồ Văn Đồng (trú xã Trà Leng) nhận đất tại khu TĐC ngày 28-12-2020, đến nay chỉ hơn 2 tuần nhưng ngôi nhà của anh cũng dần thành hình. Nhà anh có 5 người, trong vụ sạt lở nóc Ông Đề, thôn 1, xã Trà Leng vào ngày 28-10-2020, vợ anh là Hồ Thị Then (26 tuổi) và con anh là Hồ Thị Ly (8 tháng tuổi) không may bị nạn, đến nay vẫn chưa tìm thấy thi thể.

“Sau gần 3 tháng xảy ra tai nạn, tôi vẫn nuôi hy vọng tìm thấy vợ và con để lo nhang khói. Sau khi nhà bị cuốn trôi, tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My bố trí đất TĐC cho tôi cùng 51 hộ dân khác ở Trà Leng. Hiện việc xây dựng lại nhà cửa đang được gấp rút hoàn thành để kịp Tết Nguyên đán này”, anh Đồng chia sẻ.

Tái định cư bà con vùng sạt lở đất

Chia sẻ về địa điểm bố trí TĐC cho đồng bào sạt lở đất ở địa phương, ông Phan Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho biết, sau thiên tai, xã đẩy nhanh việc ổn định đời sống nhân dân, đẩy nhanh vấn đề bố trí TĐC cho người dân. Đến nay, đời sống bà con tạm ổn, không thiếu thốn lương thực, thực phẩm, chỗ ở. Mặc dù thời tiết giá rét, mưa, song việc triển khai dự án nhà TĐC cho bà con vẫn luôn được đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo theo kế hoạch hoàn thành trước Tết Nguyên đán để bàn giao cho bà con vào ở.

Con đường dẫn vào khu TĐC mới cho đồng bào sạt lở vùng Trà Leng

“Khu đất TĐC cho người dân vùng sạt lở rộng 6ha. Đến nay, địa phương đã hoàn tất việc phân chia 81 lô đất cho các hộ dân, diện tích mỗi lô rộng 200m2 và đang trong quá trình gấp rút xây dựng nhà ở theo chủ trương của tỉnh Quảng Nam”, ông Phan Quốc Cường nhấn mạnh.

Nhiều ngôi nhà ở khu TĐC mới cho bà con sạt lở Trà Leng gần hoàn thiện

Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch huyện Nam Trà My cho biết, theo chỉ đạo của tỉnh, việc sắp xếp lại các khu dân cư bị bão lũ tàn phá đang được khẩn trương tiến hành. Xã Trà Leng được bố trí 81 lô đất có đầy đủ hạ tầng, bố trí cho 51 hộ bị mất nhà cửa do sạt lở.

“Chúng tôi đánh giá khu TĐC cho bà con Trà Leng ở khu vực này là an toàn nhất. Đây là theo ý kiến và kinh nghiệm của người dân. Tuy nhiên, ở khu tái định cư này một bên có núi, một bên lại có sông; nên theo nguyện vọng của người dân, để đảm bảo việc an cư lâu dài, cả người dân lẫn chính quyền địa phương đều mong muốn Nhà nước xây dựng thêm dự án kè dọc bờ sông nhằm kiên cố khu TĐC này”, ông Trần Văn Mẫn cho hay.

Cũng theo ông Mẫn, tổng vốn đầu tư hạ tầng cho khu TĐC là 18 tỷ đồng được trích từ ngân sách nhà nước. Để làm nhà cho bà con, tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My hỗ trợ 51 hộ dân với kinh phí 150 triệu đồng mỗi hộ để xây dựng lại nhà cửa. Nguồn vốn được trích từ ngân sách và nguồn ủng hộ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm thời gian qua.

“Quyết tâm của chúng tôi là đến Tết Nguyên đán, tất cả hộ dân sẽ được vào ở nhà mình tại khu tái định cư, không còn tình trạng người dân bị sạt lở mà không có nhà cửa, không còn ở tạm nữa”, ông Mẫn nói thêm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang