(CATP) Theo TAND H.Đức Trọng (Lâm Đồng), việc rút lại yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) phong tỏa tài sản của nguời có nghĩa vụ, trên cơ sở do nguyên đơn xin rút việc áp dụng BPKCTT nên biện pháp này không còn, theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 138 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Báo Công an TP.Hồ Chí Minh, ngày 11/5/2021 có bài viết: "Khi toà giải quyết vụ việc thiếu thuyết phục", phản ánh về việc TAND H.Đức Trọng thụ lý vụ án "Tranh chấp tài sản sau ly hôn", và ra quyết định phong toả tài sản của bị đơn không đảm bảo cơ sở pháp lý. Sau khi báo phản ánh, chiều 13/5, TAND H.Đức Trọng đã ra quyết định rút quyết định phong toả tài sản nêu trên.
Hồ sơ liên quan vụ án
Theo đó, vụ kiện xảy ra giữa bà Nguyễn Thị Diệu (SN 1979), trú H.Đức Trọng và ông Huỳnh Trung Ân (SN 1967). Năm 2017, họ ra toà ly hôn, tự thoả thuận phân chia tài sản, hai bên đã nhận phần tài sản của mình. Ông Ân có trách nhiệm thanh toán 200 triệu đồng/năm để bà Diệu nuôi con trai đang 14 tuổi của họ, thời hạn 15 năm là 3 tỷ đồng. Cùng ngày ra công chứng phân chia tài sản, bà Diệu viết giấy vay nợ ông Ân 3,5 tỷ đồng. Ông Ân cho đó là 3 tỷ bà Diệu yêu cầu thanh toán 1 lần để bà gửi ngân hàng lấy lãi nuôi con, 500 triệu là mượn riêng. Nhưng sau đó bà Diệu cho rằng, đó là khoản vay, trả sau, mặc dù từ năm 2017 đến 2021, giữa hai bên không có việc đòi nợ, trả nợ số tiền này.
Tháng 1/2021, bà Diệu khởi kiện, yêu cầu toà giải quyết, buộc ông Ân thanh toán 3 tỷ đồng nuôi con như cam kết; đồng thời yêu cầu toà án phong toả tài sản của ông Ân để đảm bảo việc thi hành bản án (nếu có). Trong khi, nếu cho rằng, ông Ân chưa thanh toán 200 triệu đồng hàng năm cho cháu Ng., thì sau 4 năm, ông Ân mới chỉ thiếu nợ bà Diệu 800 triệu đồng. Bà Diệu đã nộp 600 triệu đồng là tiền tạm ứng án phí để đảm bảo việc phong toả tài sản.
Thẩm phán thụ lý vụ án đã "nhiệt tình" áp dụng BPKCTT phong toả 6 tài sản của ông Ân, trị giá hơn 10 tỷ đồng. Việc này vi phạm các Điều 114, Điều 133 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Bởi theo bộ luật này quy định: "chỉ được phong toả tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng BPKCTT có nghĩa vụ phải thực hiện". Trong trường hợp này, Toà án H.Đức Trọng phong toả tài sản vượt mức nhiều lần số tiền hai bên tranh chấp, rõ ràng là không đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, theo Điều 69 Bộ luật Tố tụng dân sự, bà Diệu không thể là chủ thể khởi kiện mà chỉ là người có liên quan trong vụ án.
Trong đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng và Báo Công an TP.Hồ Chí Minh, ông Ân cho rằng, việc TAND H.Đức Trọng phong toả, ngăn chặn tài sản, không cho ông làm thủ tục sang nhượng tài sản (đất), ông bị gây áp lực, phải đền tiền cho bên mua tài sản của ông khiến ông bị tổn hại vật chất, tinh thần...
Trước việc này, Toà án tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo Chánh án TAND huyện Đức Trọng thực hiện các giải pháp giải quyết khiếu nại của công dân về việc ra quyết định áp dụng BPKCTT trên. Ban Nội chính Tỉnh uỷ Lâm Đồng cũng có văn bản yêu cầu Toà án tỉnh Lâm Đồng xem xét việc khiếu nại của ông Ân.
Chiều 13/5, TAND H.Đức Trọng cho biết, ngày 10/5/2021, TAND H.Đức Trọng nhận được đơn xin rút yêu cầu áp dụng BPKCTT của bà Nguyễn Thị Diệu, nội dung: Xin rút lại yêu cầu áp dụng BPKCTT phong tỏa tài sản của nguời có nghĩa vụ đối với các tài sản thuộc quyền sở hữu của ông Huỳnh Trung Ân, không yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT nữa. Do yêu cầu này của phía nguyên đơn nên việc áp dụng BPKCTT không còn, theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 138 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Theo đó, chiều cùng ngày (13/5/2021), TAND H.Đức Trọng đã ra quyết định hủy bỏ BPKCTT thời số 01/2021/QĐ-BPKCTT ngày 4/2/2021 trong vụ án hôn nhân và gia đình “Tranh chấp tài sản chung sau ly hôn” mà toà thụ lý trước đó. Quyết định này được gửi để báo cáo TAND tỉnh, các đương sự và các cơ quan liên quan để thực hiện, có hiệu lực ngay.