Bác sĩ của buôn làng chuyên “nhặt” trẻ mồ côi về nuôi

Thứ Ba, 22/09/2020 10:42

|

(CAO) Trong những lần đi khám chữa bệnh, bác sĩ trẻ đã nhận nuôi liên tiếp 4 đứa bé cận kề với cái chết. Vị bác sĩ trẻ ngày xưa ấy hiện là ông Nay Blum - Trạm trưởng Trạm y tế xã Glar (H. Đak Đoa, Gia Lai).

Ngay từ nhỏ, mọi người gọi Nay Blum là “cậu bé đặc biệt”. Gọi là đặc biệt vì ông là đứa trẻ duy nhất người đồng bào dân tộc Ba Na ở xã Glar, hàng ngày, mang khố, vượt 30km đường rừng để lên trung tâm Pleiku học phổ thông.

Năm 1991, chàng trai Blum tốt nghiệp Trường trung cấp y Gia Lai và học lên đại học. Ra trường, Blum được xem là “hàng hiếm” lúc bấy giờ. Tuy nhiên, thay vì ở các bệnh viện tuyến trên, Blum quyết định chọn nơi mình sinh ra để thực hiện ước mơ được khám, chữa bệnh cho bà con dân tộc thiểu số nghèo.

Bác sĩ Nay Blum chia sẻ với phóng viên về việc giúp dân làng vượt qua các đại dịch

“Mình lấy vợ cùng là đồng nghiệp tại Trạm y tế xã. Mình vừa phụ trách y tế của xã vừa cùng vợ đỡ đẻ cho người dân trong xã và các vùng lân cận. Gọi là đi làm, nhưng làm không công, vì cơ chế thời đó không trả lương cho y, bác sỹ ở tuyến xã. Đi đỡ đẻ cũng chỉ làm giúp, vì dân chẳng ai có tiền để trả”, bác sĩ Blum nhớ lại.

Dù mới ra trường, nhưng 2 vợ chồng Nay Blum đỡ đẻ rất mát tay. Cặp vợ chồng nào được vợ chồng giúp là đứa bé sinh ra rất khoẻ mạnh. Nhờ vậy, người dân cả huyện biết đến cặp vợ chồng chuyên đỡ đẻ miễn phí.

“Năm 1995, ở xã bên có người vợ sắp sinh, ông chồng đi xe đạp qua nhờ mình giúp. Tuy nhiên đi được giữa đường, xe bị hư, mình phải chạy bộ. Đến nơi, người vợ bị băng huyết tử vong, mình chỉ cứu được con”, ông Blum hồi tưởng câu chuyện buồn 25 năm trước.

Đang buồn bã khi chứng kiến cảnh người mẹ ra đi khi còn quá trẻ, Blum lại hoảng hốt khi nghe loáng thoáng dân làng chuẩn bị chôn sống đứa bé còn đỏ hỏn, chưa kịp cắt rốn. Gặng hỏi, bà ngoại cháu bé bảo: “Theo tục lệ mẹ chết phải chôn con theo, không làm khác được”.

Blum chẳng suy nghĩ gì, mà tha thiết xin đứa bé về nuôi. Dù không “ưng cái bụng”, nhưng nghĩ về những gì vợ chồng bác sĩ Nay Blum đã làm cho dân làng, mọi người đồng ý. Dân làng bắt Blum phải cam kết, nếu đứa bé bị chết thì sẽ bắt phạt vạ với Yàng (trời). Có được cái gật đầu, chàng bác sỹ trẻ bế đứa bé băng rừng về nhà và đặt tên con Nay Thuym.

Nay Thuym sinh non nên rất yếu. Để sưởi ấm cho chon, vợ chồng Blum nuôi Thuym theo kiểu Kăng-gu-ru, thay nhau 24/24 ấp trước ngực mình. Cũng nhờ làm nghề đỡ đẻ, nên nhà nào nuôi con nhỏ Blum biết hết. Hai vợ chồng cứ thay nhau bế con đi xin sữa. Xin mãi cũng hết chỗ, 2 vợ chồng nhịn ăn, gom nhặt từng đồng để mua hộp sữa đặc pha cho con uống. Cứ như thế, 7 tháng sau, Thuym đã có thể ăn cơm.

Vị bác sĩ nặng lòng với dân nghèo của buôn làng

Khó khăn cứ thế cũng qua đi. Mấy năm sau khi nhận nuôi Nay Thuym, trong một lần đi khám bệnh cho người dân, Blum lại nhận nuôi 2 đứa khác. Lần này là 2 chị em mồ côi H’Mới và Nay Quưm (đứa lên 5, đứa lên 7 tuổi).

“H’Mới và Quưm mẹ mất sớm, cha mắc bệnh phong cũng mất sau đó. Hai đứa bé mồ côi bị họ hàng, dân làng ruồng bỏ vì nhà có người mắc bệnh phong. Chúng đói khát, cận kề với cái chết. Thấy thế, mình mang cả 2 đứa về nuôi”, bác sĩ Blum rớm nước mắt kể.

Ông Nay Blum tâm sự, khi đó, ông cứu 2 đứa trẻ ấy chẳng vì lý do gì, thậm chí, còn chẳng đủ thời gian nghĩ mình sẽ làm gì để nuôi nấng. Chúng đói khát, cơ thể tái nhợt, ông đưa về nhà thật nhanh nấu cháo cho ăn, sưởi ấm.

Hay tin chồng đưa 2 đứa bé về, vợ ông bỏ lên nương rẫy, ra tận đầu làng đón. Quyết định nuôi 2 chị em của Blum được vợ ủng hộ. Vợ ông động viên: "Dù có phải bán gà, bán heo, làm mướn cũng phải cưu mang 2 chị em nó".

Thấy vợ chồng Blum dẫn chị em H’Mới về, cả làng đều can ngăn. Có người nhất quyết còn không cho chị em H’Mới ở trong làng. Nhắc đến nhà nào có người bị bệnh phong là ai ai cũng sợ. Người bị mắc bệnh phong bị dân làng xem như những vị “thần chết”, xua đuổi vào trong rừng sâu.

Để có cái gật đầu của dân làng, lại một cuộc giải thích cam go diễn ra: “Cha mẹ H’Mới mắc bệnh phong, không có nghĩa là con cũng bị. Mình đã khám cho chị em H’Mới, 2 đứa không bị bệnh phong nên sẽ không lây. Mình cũng cam đoan sẽ chịu trách nhiệm nếu có người bị lây bệnh phong từ 2 đưa bé này”.

Thêm một lần đi chữa bệnh cứu người sau đó, Blum dẫn tiếp 1 đứa bé bị bệnh về nuôi. Đứa con nuôi thứ 4 tên Jữi, trẻ mồ côi và bị bệnh lao. Jữi bị lao rất nặng, 2 vợ chồng ông phải đưa đi chữa bệnh ở TP.Pleiku hàng tháng trời. Nói như bác sĩ Blum là “trời thương”, Jữi giờ đã lành bệnh và khoẻ mạnh.

Hiện Nay Thuym và đứa con trai đầu của Blum đang làm việc cho một tập đoàn lớn. Còn H’Mới và Jữi đã lập gia đình.

“Hai vợ chồng vẫn con canh cánh về Quươm. Nó bị bệnh động kinh lâu nay mà chữa chưa khỏi. Thỉnh thoảng nó lên cơn, rất tội nghiệp. Mấy đứa kia ổn định hết rồi, chỉ còn mình nó, khiến tôi và vợ rất đau lòng”, ông Blum trầm ngâm nói.

Bác sĩ Blum xây dựng vườn thuốc trong khuôn viên Trạm y tế

Ngày đó, đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện còn sống chung với những hủ tục lạc hậu, mê tín. Gia đình nào có người mắc bệnh, họ thường tổ chức cúng bái, xin “con ma rừng” tha cho để khỏi bệnh. Vì những hủ tục tối tăm này mà không ít người bị chết oan uổng.

“Chục năm về trước, bệnh sốt rét hoành hành, nhiều người chết. Nhà nào cũng mổ gà, mổ heo, mời thầy cúng để xua đuổi ‘con ma rừng’ trong người cho khỏi bệnh. Còn mình đến để chữa bệnh, họ không tiếp. Một lần không được thì đến nhiều lần, tới khi họ cho khám và uống thuốc mới thôi. Dần dần, họ cũng nhận ra thầy cúng không chữa được bệnh mà do uống thuốc mới khỏi”, bác sĩ Blum chia sẻ.

Rồi sau này dịch bệnh tả, dịch bạch hầu ông cùng vợ và những cán bộ trạm y tế lại xông pha vào tận các ổ dịch để tuyên truyền, chữa bệnh. Các dịch bệnh dần dần được đẩy lùi, trong đó có công không nhỏ của vợ chồng bác sĩ Nay Blum.

Bình luận (0)

Lên đầu trang