Bảo đảm an toàn trong du xuân mùa lễ hội

Thứ Hai, 26/02/2024 23:07

|

(CATP) Quy tụ đến hàng chục nghìn người dân và du khách thập phương, các lễ hội tháng Giêng nhộn nhịp "biển người" đổ về cầu mong may mắn, bình an trong năm mới. Để bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn, tránh mặt trái và hệ lụy trong mùa lễ hội tâm linh, lực lượng chức năng dồn sức giữ gìn an ninh trật tự. Dịp này, người dân đến với các lễ hội cũng cần bảo đảm văn minh cho các chương trình.

Tấp nập lễ hội vui xuân

Sức sống của các giá trị văn hóa đang mở ra những triển vọng mới về phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch. Từ điều này, các cấp, ngành, những người làm văn hóa nhận thức rõ sự giàu có, phong phú của tài nguyên văn hóa và tổ chức các lễ hội.

2024 là năm con Rồng - linh vật tượng trưng cho lòng dũng cảm, sự tiến bộ, điềm lành cũng như truyền tải khát vọng lạc quan về tương lai. Khách du xuân gửi gắm những ước nguyện cầu an lành để có một năm mới đầy sự tự tin và phấn đấu hướng tới cuộc sống tốt đẹp. Sau những ngày đoàn tụ với người thân, người dân bắt đầu những chuyến du hành xuân.

Theo âm lịch, ngày 24/02/2024 là rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Thượng nguyên, Tết Nguyên tiêu, ngày rằm đầu tiên của năm mới. Năm nay, để chuẩn bị cho việc đi lễ của người dân trong dịp đầu năm mới, đặc biệt là vào ngày rằm tháng Giêng, nhiều cơ sở tôn giáo đã chỉnh trang hạ tầng, chuẩn bị các khóa lễ cầu an theo đúng truyền thống văn hóa.

Từ Tết Nguyên đán đến nay, các cơ sở tôn giáo trên địa bàn Hà Nội đã và đang tổ chức tốt các hoạt động lễ bái, hướng dẫn người dân hành lễ văn minh, tiết kiệm, đúng quy định. Tại TPHCM, từ sáng sớm 24/02, rất đông người có mặt tại ngôi chùa trên đường Hoàng Sa để dâng hương làm lễ cầu may mắn bình an. Dù thời tiết nắng nóng nhưng người dân đến chùa mỗi lúc một đông. Chị Tâm Uyên (nhà Q.Bình Thạnh) đi lễ tại chùa chia sẻ: "Tôi đi chùa vào mùng 1 và rằm, nay là rằm lớn nên càng phải đi sớm dự khóa lễ trước 1 tiếng để cầu an cho gia đình mình và gửi đến mọi người thân". Gia đình chị Hoa Nhi (ngụ P.Võ Thị Sáu, Q3) có con gái đi chùa chia sẻ: "Hai vợ chồng tôi đều tranh thủ cuối tuần đi chùa, nay rằm lớn cho con gái theo. Khi cả gia đình cùng nhau đi chùa, ăn chay, chúng tôi cũng xem đây là cách gia đình quây quần và thấy thư giãn tinh thần hơn, yên tâm hơn".

Các ban quản lý chùa dịp này có sự chuẩn bị trước để các tình nguyện viên hướng dẫn bảo vệ tăng cường công tác an ninh cho khách đến viếng chùa. Ban quản lý phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng túc trực nhiều địa điểm để tuyên truyền, nhắc nhở người dân đi lễ du xuân an toàn, cảnh giác với các đối tượng trộm cắp tài sản. Các tình nguyện viên có mặt khắp nơi để túc trực điều tiết thứ tự giao thông và bãi xe để bảo đảm an ninh trật tự.

Lễ hội Nguyên tiêu

Quan sát dòng người đi du xuân, dễ thấy có du khách nước ngoài cũng thắp hương trải nghiệm văn hóa tín ngưỡng Việt Nam. Nhộn nhịp Lễ hội Tết Nguyên tiêu tại TPHCM với ước nguyện Quốc thái dân an - Thuận buồm xuôi gió - Phúc tài lộc phát" trong năm mới. Lễ hội Tết Nguyên tiêu năm 2024 được tổ chức tại khu vực Chợ Lớn, Q5 lần đầu vào năm 1990. Đến nay, lễ hội đã được Bộ VHTT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội tổ chức theo nông lịch, chào đón đêm trăng tròn đầu tiên của năm. Lễ hội có ý nghĩa kết thúc năm cũ, mở ra năm mới với nhiều phong tục nghi thức, hoạt động vui chơi, xuất hành đầu năm.

Liên tục trong 3 ngày 22, 23 và 24/02, những buổi diễu hành chào đón rồng, múa lân huyên náo, nhộn nhịp mừng lễ. Người dân và du khách đã tập trung về khu vực Chợ Lớn: khu vực chùa Ông, chùa Bà để dự diễu hành Cung nghinh ông Quan Thánh Đế Quân, đây là hoạt động chính trong khuôn khổ Lễ hội Tết Nguyên tiêu năm 2024. Chương trình diễu hành xe hoa và biểu diễn nghệ thuật đặc sắc trên các tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông - Châu Văn Liêm - Lão Tử - Lương Nhữ Học - Nguyễn Trãi - Trần Xuân Hòa - Trần Hưng Đạo. Trước đó, ngày 23/02, các đoàn lân - sư - rồng diễu hành qua các tuyến đường: Khánh Vân Nam Viện - Nguyễn Thị Nhỏ - đường 3/2 - Tạ Uyên - Nguyễn Chí Thanh - Hà Tôn Quyền - Trần Quý. "Rồng là tâm điểm của những lễ hội trong dịp năm mới, người dân tin rằng sẽ mang lại may mắn, thịnh vượng cho cả năm", anh Nguyễn Quang Bảo, thành viên Đoàn lân sư rồng Hằng Anh Đường chia sẻ.

Chị Trần Thị Liên Mỹ (ngụ đường Nguyễn Thị Nhỏ, Q11) cho biết: "Năm nào tôi và gia đình cũng tham gia Lễ hội Tết Nguyên tiêu. Bên cạnh ý nghĩa văn hóa truyền thống, chúng tôi còn được thưởng thức những món ăn dân gian". Hoạt động này thu hút người dân tranh thủ chụp hình, quay lại những khoảnh khắc khi đoàn lân - sư - rồng đi qua. Để bảo đảm an toàn giao thông, tránh tình trạng trà trộn giật điện thoại, túi xách, các tuyến đường xung quanh được lực lượng chức năng phân luồng, hướng dẫn phương tiện di chuyển theo hướng khác, tránh tình trạng ùn tắc. Các em nhỏ thích thú khi được tận mắt chứng kiến màn biểu diễn đặc sắc của các đoàn lân - sư - rồng.

Bảo đảm an toàn mùa lễ hội

"Chặt chém" du khách mùa lễ hội, người dân bị kẻ gian móc túi, ăn xin vạ vật trước cổng chùa... là những "vấn nạn" còn tồn tại trong nhiều lễ hội. Các lực lượng Công an sẽ triển khai tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, chủ động phát hiện và xử lý các đối tượng thực hiện hành vi cướp giật, trộm cắp tài sản của du khách, người dân tham dự lễ hội.

Lễ hội Nguyên tiêu diễn ra vào các ngày cuối tuần, thu hút hàng trăm ngàn du khách, người dân tham dự. Vì vậy chính quyền, cơ quan chức năng phường, quận có phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn để nhân dân yên tâm thưởng thức lễ hội.

Lực lượng Công an các tỉnh, thành lên phương án phòng, chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ; tuần tra bảo đảm an ninh trật tự, phòng ngừa tội phạm. Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an quận tổ chức phân luồng bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; đồng thời cắm biển báo hướng dẫn phương tiện di chuyển qua địa bàn thành phố trong các ngày diễn ra lễ hội.

Năm nay, Lễ hội rằm tháng Giêng ở Bình Dương được xem là lễ hội lớn nhất năm, thu hút hàng triệu lượt khách từ khắp nơi đổ về. Điểm nhấn thu hút du khách là miếu Bà Thiên Hậu. Trong ngày 15 tháng Giêng, kiệu Bà được rước đi xung quanh trung tâm TP.Thủ Dầu Một với nhiều đoàn lân đi cùng biểu diễn. Theo thời gian, quy mô của lễ hội ngày càng mở rộng, thu hút du khách đa dạng ở mọi đối tượng, độ tuổi. Hàng năm cứ đến dịp này, nhiều đường phố khu vực trung tâm TP.Thủ Dầu Một đều trong tình trạng ùn ứ.

Diễu hành Rồng khu vực Chợ Lớn

Năm nay, theo chỉ đạo của ban lãnh đạo tỉnh, Lễ hội rằm tháng Giêng được thực hiện với chủ đề "Vì lễ hội Văn minh - An toàn - Miễn phí”. Có 6 đội hình chính gồm đội hình hướng dẫn tư vấn du khách, đội hình phát nhang và cây phát tài miễn phí, đội hình xe ôm tình nguyện, đội hình vá sửa xe miễn phí, đội hình cấp phát nước, khăn lạnh, thức ăn miễn phí và đội hình hỗ trợ lễ rước cộ với hơn 500 tình nguyện viên tham gia.

Bình Dương tổ chức chiến dịch Xuân tình nguyện năm 2024 phối hợp các đơn vị phát miễn phí quạt nhựa cho du khách. Trên quạt in thông tin về ý nghĩa lễ hội, bản đồ du lịch online và định vị cũng như giới thiệu các chùa trên địa bàn bằng video "Hành trình đất Thủ tôi yêu" để du khách hiểu hơn về các di tích, tiện di chuyển và hành hương ngày đầu năm mới. "Đây là năm thứ hai tôi tham dự lễ hội rằm tháng Giêng. Đến đây ngoài việc được tình nguyện viên nhiệt tình hướng dẫn, tôi được tặng nước uống, đồ ăn miễn phí. Công an chốt trực cả ngày lẫn đêm nên không có tình trạng cướp giật, gây rối trật tự" - ông Trần Chí Thành (quê Bạc Liêu) chia sẻ. Đoàn viên thực hiện tình nguyện viên tham gia phục vụ Nguyễn Thư cho hay: "Tôi rất vui khi tham gia hoạt động tình nguyện vì được đóng góp cho lễ hội chu đáo, qua đó du khách cảm nhận được địa phương thân thiện hiền hòa mến khách". Ngoài ra còn có hàng trăm tình nguyện viên phối hợp cùng các lực lượng an ninh để bảo đảm trật tự, an toàn cho du khách.

Lễ hội tâm linh ý nghĩa được tổ chức chỉn chu, có không gian vui tươi, chan hòa, gắn kết bởi những cộng đồng văn hóa đa dạng là tiền đề vững chắc để thúc đẩy sự giao lưu, hiểu biết, hòa hợp, tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc, tạo nên sự gắn kết, hun đúc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần vun đắp nền văn hóa, sức mạnh, giá trị Việt Nam - nguồn lực nội sinh mạnh mẽ để phát triển đất nước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang