Báo động tình trạng trồng cần sa trong vườn nhà

Chủ Nhật, 27/06/2021 22:47

|

(CAO) Trước đây việc trồng cây cần sa thuộc vùng núi cao, những khe núi, những điểm “nóng”... nhưng hôm nay, chúng có thể trồng tại nhà, tại vườn, và ngay giữa Thủ đô, trong lòng thành phố.

Thời gian qua, công an các đơn vị, địa phương đã liên tiếp phát hiện các vụ việc người dân trồng trái phép một lượng lớn các loại cây có chứa chất ma tuý. Điều đáng nói, việc trồng cây chứa chất ma túy không chỉ diễn ra ở địa bàn biên giới hẻo lánh như những năm trước đây, mà còn xuất hiện ở các tỉnh, thành phố. Tình trạng trồng trái phép các loại cây chứa chất ma tuý ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự.

Liên quan đến vấn đề này, Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an cho biết những năm qua, công tác kiểm soát, phòng ngừa, ngăn chặn việc trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy chủ yêu là cây thuốc phiện, cây cần sa đạt được kết quả rất tốt, có thể nói đó là kết quả mang tính điểm sáng, là sự cố gắng của các cấp ủy, chính quyền, công an các địa phương trong chương trình phòng chống ma túy giai đoạn 2015-2020.

Tuy nhiên, thời gian gần đây lại phát hiện nhiều vụ trồng cây thuốc phiện, cây cần sa. Gần đây, ngày 9/6, công an quận Long Biên, Hà Nội, phá thiện bắt giữ vụ trồng cây cần sa trái phép của ông Tiberghien Frederec (55 tuổi, quốc tịch Pháp) lấy vợ người Việt Nam. Vợ ông Tiberghien Frederec thuê 3.000 m2 đất bãi giữa sông Hồng để trồng cây ăn quả, cây hoa màu, nhưng ông ta lại trồng xen thêm cây cần sa. Kết quả là bắt giữ, phá dỡ 115 cây cần sa, khoảng 34 kg.

Lực lượng chức năng phát hiện 115 cây cần sa của ông Tiberghien Frederec.

Nếu như trước đây, nói đến trồng cây thuốc phiện, người ta thường nghĩ đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, bởi, đây là nơi rất thích hợp để trồng loại cây này. Nhưng nay, cây thuốc phiện và cây cần sa được trồng xen canh, lẫn với các loại cây khác ở bất kỳ đâu. Và đặc biệt, người ta trồng ngay trong các vườn nhà.

Đại tá Vũ Văn Hậu khẳng định: Có thể nói, đây là tình trạng rất báo động. Khi chúng ta để tình trạng tái trồng cây ma túy tức là bao hàm cả cung và cầu, tức nguồn cung cũng tại chỗ, nguồn cầu cũng tại chỗ, đó là nguy cơ mà chúng ta cần phải giải quyết sớm.

Cũng theo đại tá Hậu: Ma túy trước đây được biết đến là thuốc phiện, cần sa, heroin, móc-phin, ma túy tổng hợp nhưng đến hôm nay, ma túy rất đa dạng về chủng loại. Trồng cây cần sa, ma túy trước đây là ở vùng núi cao, những khe núi, những điểm “nóng” nhưng hôm nay, chúng có thể trồng tại nhà, tại vườn, và ngay giữa Thủ đô, trong lòng thành phố. Cho nên, đòi hỏi công tác quản lý, các hoạt động phòng ngừa xã hội, nghiệp vụ phải làm rất tốt để kịp thời ngăn chặn, xử lý tình trạng này.

Tội phạm ma túy được đánh giá là “tội phạm của tội phạm”, rất tinh vi, xảo quyệt, vô cùng nhiều phương thức thủ đoạn mà chúng lại thường xuyên thay đổi. Nếu nói về tội phạm ma túy, chúng rất ranh ma. Tình trạng tội phạm ma túy áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ không những trong công đoạn sản xuất ma túy như ma túy tổng hợp mà còn áp dụng trong việc trồng những cây chứa chất ma túy.

Có 4 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:

Thứ nhất, nhận thức của người dân về việc trồng những loại cây này. Có khi họ chỉ hiểu việc trồng theo phong tục tập quán, trồng để sử dụng trong dân sinh. Công tác tuyên truyền cũng chưa tốt, dẫn đến tình trạng người dân trồng cây có chứa chất ma túy nở rộ, mất kiểm soát.

Thứ 2 là hệ thống luật pháp, Bộ luật hình sự của Việt Nam trong chương 20, có đề cập các tội về ma túy với 13 Điều, hình phạt rất nghiêm khắc. Có đến 2/3 các điều luật nằm trong khung chung thân và tử hình. Nhưng trong đó, Điều 147, tội trồng cây có chứa chất ma túy gồm: cây cần sa, cây coca, cây lá khát... có chứa chất ma túy thì hình phạt còn nhẹ, chỉ mang tính chất cảnh báo là chính. Chủ yếu là xử phạt hành chính, vụ ông Frederec chỉ có 115 cây, đương nhiên là chỉ có thể xử phạt hành chính, mà hành chính thì mức không cao.

Thứ 3, nhu cầu của người dân là có thật, họ có thể sử dụng cây cần sa ở phần lá và hoa để thỏa mãn nhu cầu làm chất gây nghiện. Thế nhưng, cũng có thể người ta sử dụng nó để làm thuốc chữa bệnh, hoặc làm thức ăn cho gia súc, hoặc ngâm rượu, tán thành bột, làm thành cao... tất cả việc đó tạo ra lợi nhuận. Ví dụ: một bình rượu ngâm vài quả cây thuốc phiện, người ta có thể bán vài triệu đồng.

Thứ 4, các nước trong khu vực như Thái Lan, Lào đang hợp pháp hóa việc trồng cây cần sa cho mục đích y tế. Vì thế, tại cột mốc biên giới, bên này là tội phạm nhưng bên kia lại là một hoạt động bình thường thì điều đó rất gay go, nguy cơ trong phòng chống ma túy thời gian tới là rất lớn.

Cây cần sa tên khoa học là dòng cây canabis, chứa các chất kích thích gây hưng phấn thần kinh. Nên trong điều luật của nhiều nước (trong đó có Việt Nam), thì cây thuốc phiện, cây cần sa hay cây coca, lá khát bị xếp vào danh mục các cây có chứa chất ma túy. Cho nên trồng cây này, sử dụng cây này là vi phạm pháp luật.

Trong câu chuyện về sử dụng, tái trồng cây cần sa, cây có chất ma túy, có một việc pháp luật chưa nghĩ đến, đó là chưa quy định về tội mua bán, tàng trữ hạt cây có chứa chất ma túy. Có nghĩa, bây giờ anh có thể đi mua bán trao đổi hạt cần sa vì hạt thì không chứa hàm lượng chất ma túy tối thiểu để xử lý. Chính đó là mầm mống cho việc gieo trồng.

Đối với lực lượng công an, chúng tôi cũng phải nghiên cứu việc đánh vào gốc, đánh vào nơi sản xuất, đánh “đầu não” cung cấp, cung ứng nguồn, chứ người tiêu dùng cũng chỉ cảnh cáo, hành chính. Cho nên, có thể người dân thấy “sao công khai mua bán mà công an không bắt”, “không bỏ tù” thì không phải. Khi bắt, chứng minh được họ mua và sử dụng, còn không chỉ phạt hành chính vài trăm ngàn. Nhiều khi, công an bị hiểu lầm là không kiên quyết, hay thậm chí bị nghĩ là bảo kê, bao che nhưng thực ra họ chỉ xử lý theo luật, luật quy định cho xử lý đến đâu thì làm đến đó.

Theo Đại tá Vũ Văn Hậu: Để giải quyết, phải có 4 chùm giải pháp:

Thứ nhất, đó là giải pháp kinh tế - xã hội. Cho đến hôm nay, người ta trồng cây cần sa, thuốc phiện, ngoài việc thỏa mãn nhu cầu làm chất gây nghiện còn có mục đích kinh tế, dân sinh cho nên để ngăn chặn, ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, thì cũng phải có giải pháp về kinh tế xã hội, phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống, đưa về những giống cây, con có sản lượng, chất lượng cao để nó thay thế được việc trồng cây ma túy.

Thứ 2, luật pháp phải tính toán, nâng mức phạt và sự răn đe phải cao hơn.

Thứ 3, tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân.

Thứ 4, công tác đấu tranh, xử lý phải mạnh tay hơn, nghiêm túc hơn và không những người sử dụng, người tái trồng mà còn phải truy trách nhiệm của cơ quan chức năng để xảy ra tình trạng đó.

Với 4 giải pháp này, có thể sẽ giải quyết được! Những giải pháp nghe thì có vẻ không nghiêm trọng nhưng nếu như bùng phát, lơ là để việc tái trồng phát triển diện rộng, lớn lên thì rất gay go.

Bình luận (0)

Lên đầu trang