(CAO) Hôm 9-9, các bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết tình hình sức khỏe bé gái bán vé số bị phỏng xăng đã có nhiều tiến triển tốt, tâm lý bé cũng ổn định dần.
Bác sĩ tâm lý Hoàng Vũ Quỳnh Trang, Khoa Tâm lý bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, sau một thời gian điều trị tâm lý bé Nguyễn Thị Kim Linh (12 tuổi, ngụ Bình Thuận, bé gái bị mẹ đốt xăng vì bán không hết vé số) đã dần ổn định. Bé đã chịu nói chuyện, cởi mở hơn.
Bé Linh đã cười nhiều hơn, chịu nói chuyện và chia sẻ với bác sĩ tâm lý
“Trước đây, khi mới nhập viện, do nỗi đau về thể xác quá lớn dẫn đến tâm lý bé cũng không ổn định nên bé gái hầu như không muốn nói chuyện, từ chối tiếp xúc và trao đổi với bác sĩ tâm lý, không muốn nhắc đến mẹ. Chúng tôi rất khó khăn khi tiếp xúc với bé. Tuy nhiên, hiện bé đã tốt hơn sau khi trải qua lần cắt lọc hoại tử. Bé đã cười nhiều hơn, chịu nói chuyện và chia sẻ”, bác sĩ Trang cho biết.
Bác sĩ Trang nói thêm: “Cảm động rơi nước mắt khi nghe bé nói lời tha thứ cho mẹ. Khi được hỏi bé có muốn về sống với mẹ không thì bé trả lời rất dễ thương ‘con muốn, mẹ là mẹ của mình mà'...".
Bác sĩ tâm lý Hoàng Vũ Quỳnh Trang, Khoa Tâm lý bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM
Ngoài ra, bé Linh cũng cho biết ước mơ của mình là được đến trường học chữ như các bạn. Bé cũng muốn học nghề làm tóc để phụ giúp gia đình.
Bé Linh đã tâm sự với bác sĩ bé mồ côi cha, sống với mẹ nhưng thường hay bị mẹ la mắng, đánh đập. Hôm xảy ra sự việc, bé mệt nên không bán được hết vé số. Bé có năn nỉ người chủ đại lý vé số đừng mách lại với mẹ, nếu không bé sẽ bị ăn đòn. Tuy nhiên, người chủ đại lý không thể không nói lại với mẹ bé nên dẫn đến sự việc đau lòng.
Như đã đưa tin, ngày 24-8, bé Linh đi bán vé số về, sau đó nộp tiền lại cho đại lý vé số bị thiếu mấy trăm ngàn do em không bán được hết vé số. Đại lý thông báo lại cho mẹ ruột bé Linh là chị Trương Thị Kim Vy (SN 1982). Chị Vy liền nổi giận và đánh Linh. Sau đó, dùng xăng tưới lên người Linh và châm lửa đốt. Bé Linh được nhập vào bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM trong tình trạng phỏng hơn 30% diện tích cơ thể, nhiều nhất là ở tay chân, nửa mặt bên phải và ngực, rất nhiều vị trí bị phỏng sâu, sốc phỏng nặng, suy hô hấp.
Bác sĩ Trang cho biết thêm, tuổi thơ của hầu hết trẻ em đều êm đềm, tuy nhiên có một số trẻ không may mắn gặp rủi ro, bạo hành gia đình, bạo lực học đường, bị lạm dụng tình dục đã gây ra những sang chấn (tổn thương) tâm lý cho trẻ. Bé Linh cũng không phải là trường hợp duy nhất bị chính người thân bạo hành được điều trị tại bệnh viện. Thời gian qua, bệnh viện cũng tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp. Mỗi trường hợp là mỗi hoàn cảnh khác nhau. Để các bé có thể hòa nhập lại cuộc sống, ngoài viẹc điều trị cho thân thể lành lặn, còn phải giúp các em ổn định tâm lý.
Bác sĩ Phạm Minh Triết, Trưởng khoa Tâm lý bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM
Đối với trường hợp bé Linh, bác sĩ Trang cho hay, có thể sau này sẽ phải nhờ các tổ chức xã hội hỗ trợ bé. Trường hợp nếu bé muốn sống với mẹ thì cũng nên có hướng hỗ trợ người mẹ về mặt tâm lý. Bởi khi một người mẹ có hành động như vậy với chính con ruột của mình thì chắc là phải có một bất ổn nào đó về mặt tâm lý. Do đó người mẹ cũng cần phải được giúp đỡ.
Bác sĩ Phạm Minh Triết, Trưởng khoa Tâm lý bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM chia sẻ: “Trẻ bị bạo hành có thể sẽ có xu hướng bị rối loạn lo âu, trầm cảm, thậm chí trẻ có thể trở thành người có xu hướng bạo hành. Do đó, cần phải giúp trẻ vượt qua tổn thương tâm lý để trở lại cuộc sống”.