Nhà trường, phụ huynh đau đầu vì mức đóng bảo hiểm y tế tăng vọt

Thứ Tư, 09/09/2015 07:01  | Nam Anh - Thanh Vy

|

(CAO) Năm nào cũng vậy, cứ đến đầu năm học mới, phụ huynh học sinh lại phải gồng mình với các khoản phí phải đóng góp, đơn cử như khoản BHYT học sinh, sinh viên. Năm nay, khoản phí này tăng vọt khiến nhiều phụ huynh, đặc biệt là những người dân nghèo, nhà đông con rất sốc.

Nhiều điểm mới

Năm học 2015-2016 bắt đầu áp dụng Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) mới với mức đóng cao hơn.

Mỗi HS, SV sẽ phải đóng 543.375 đồng, tăng gần gấp đôi so với năm học trước (289.800 đồng)

Theo đó, thay vì mức đóng BHYT chiếm 3% lương cơ sở như trước, nay học sinh (HS), sinh viên (SV) sẽ đóng ở mức 4,5% lương cơ sở. Trong đó, HSSV đóng 70%, ngân sách nhà nước chi 30%.

Cụ thể để mua BHYT, mỗi HSSV sẽ phải đóng 543.375 đồng, tăng gần gấp đôi so với năm học trước (289.800 đồng).

Phụ huynh than trời, nhà trường đau đầu

Anh Vũ Trường Giang có hai con đang học ở trường THCS quận Bình Thạnh bức xúc: “Thu nhập không tăng thêm, mà tiền đóng BHYT cho hai đứa con tăng chóng mặt. Chỉ riêng tiền đóng BHYT đầu năm học cho hai con đã mất hơn 1 triệu đồng. Đồng ý mua BHYT là tốt cho các cháu nhưng BHYT mua ở trường do quy định 15 tháng khiến phụ huynh không có sự lựa chọn, trong khi cả năm các cháu thậm chí không dùng tới thẻ BHYT một lần”.

Cứ đến đầu năm học mới, phụ huynh học sinh lại phải gồng mình với các khoản phí phải đóng góp

Mức thu BHYT khiến giáo viên cũng khổ sở không kém do gặp phải sự phản ứng từ phía phụ huynh, dù rằng giáo viên chỉ là người đi thu hộ.

Một giáo viên tại trường THCS Q.3 TP.HCM chia sẻ: “BHYT là nhà trường với giáo viên thu hộ cho ngành BHXH nhưng nhiều phụ huynh không biết, có thái độ phản ứng mạnh với giáo viên. Có người sau khi nghe giải thích nhưng vẫn quyết định... không đóng”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay nhiều trường trên địa bàn TP.HCM chỉ mới thu BHYT học sinh được khoảng 50 – 70%. Trong khi đó, ban giám hiệu các trường đang rất áp lực với chỉ tiêu 100% HSSV tham gia BHYT bắt buộc.

Chỉ xảy ra trong năm đầu tiên

Giải thích vì sao số tiền BHYT năm nay tăng cao và lại thu đến 15 tháng, bà Nguyễn Thị Thu - Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, do những năm trước thu theo năm học, còn năm nay thu theo năm tài chính, thẻ BHYT HSSV sẽ có giá trị theo năm tài chính từ 1-1 đến 31-12 hàng năm, chứ không còn thu theo năm học như trước đây, tức từ 1-10 năm trước đến 30-9 năm sau.

"Do là năm đầu tiên triển khai theo Luật BHYT mới, nên năm học 2015-2016 sẽ có 3 tháng của năm 2015 và 12 tháng của năm 2016, nên thành ra phải thu 15 tháng. Đây là tình huống chỉ xảy ra trong năm đầu tiên áp dụng luật mới mà thôi, các năm sau sẽ chỉ còn đúng 12 tháng", bà Thu nói.

Cũng vì phải thu 15 tháng trong năm đầu tiên thực hiện, số tiền mà mỗi HSSV phải đóng năm nay vọt lên khá cao. Lường trước vấn đề tế nhị này, BHXH TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn các trường học có thể chia ra làm 2 đợt thu: đợt 1 từ 1-10 đến 31-3-2016, đợt 2 từ 1-4 đến 31-12-2016 nhằm giảm gánh nặng cho những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.

Bà Thu giải thích thêm, ưu điểm của cách thu theo năm tài chính sẽ phát huy vào năm học 2016-2017 trở đi. Khi đó, phụ huynh sẽ không phải đóng BHYT cho con em mình vào mùa tựu trường nữa, mà có thể đóng vào thời điểm cuối học kỳ 1. Thay đổi này cũng dựa trên tinh thần nhằm giảm áp lực tài chính cho phụ huynh HS và giảm áp lực công việc cho nhà trường, thầy cô trong những ngày đầu năm học.

Bình luận (0)

Lên đầu trang