Lời ru buồn giữa đại ngàn Trường Sơn

Thứ Bảy, 05/09/2015 22:43  | Thanh Hiếu

|

(CAO) Từ lâu, vấn đề tảo hôn vẫn còn xảy ra hàng ngày, dấu hiệu gia tăng trong những năm gần đây ở vùng cao Quảng Trị. Tảo hôn để lại nhiều hệ lụy không ngờ cho nhưng tấm “thân cò” nơi vùng cao biên giới.

Phước và Thê nhà cạnh nhau. Thê bỏ học năm lớp 8 để lên rẫy kiếm cái ăn. Còn Phước đang học lớp 9. Hai đứa phải lòng nhau để rồi sau những buổi đi sim, Phước mang bầu nên hai gia đình dù không muốn cũng phải cho cưới. “Hai đứa nó hẹn hò, yêu nhau qua điện thoại, rồi lén lút đi sim mình không hề biết. Đến khi nó về thưa đã có bầu rồi mình mới ngã ngữa. Lúc đầu mình không cho cưới nhưng chúng dọa tự tử. Mình sợ thiệt thòi cho con gái nên chấp nhận việc cưới xin, mong sao 2 đứa nó sống hạnh phúc” Ăm Thông tâm sự.

Một người mẹ trẻ là nạn nhân của tình trạng tảo hôn 

Con đường đến ngôi nhà sàn cũ nát của gia đình ông Ăm Thông (70 tuổi, người dân tộc Pa Hy, trú thôn Tà Lao, xã Tà Long, huyện Đakrông, Quảng Trị) hiểm trở, gập gềnh đá núi. Gương mặt đượm buồn, Ăm Thông cho biết, con trai ông tên Nguyễn Văn Thê (18 tuổi) vừa kết hôn với Lê Thị Phước (15 tuổi, người cùng thôn) hồi đầu tháng 8-2015. Nay Phước mang bầu tháng thứ 5, cả hai đang quần quật đi nhổ sắn thuê để kiếm tiền đong gạo.

Ăm Thông giải thích thêm, Thê đã làm cho Phước có bầu, nếu không chịu cưới sẽ bị nộp phạt trâu, bò, gà, vịt, tiền... Vì thế, Ăm Thông không dại gì nộp phạt mà cho cưới để trong nhà hưởng thêm một lao động.

Kém may mắn hơn cả là trường hợp em Hồ Thị Mông (thôn Tà Lao, Tà Long). Mới học lớp 9, em đã phải bỏ học giữa chừng bởi vì “cái bụng” đang to dần từng ngày. Sau những buổi đi sim, Mông đã mang trong mình giọt máu của người bạn tình mà em rất yêu thương. Dù giới thiệu mình là mẹ của bé gái 5 tháng tuổi nhưng nhìn từ gương mặt “búng ra sữa” đến cái sự luống cuống không biết cách chăm sóc con của Mông thì ai ai cũng nhận ra đây là người “mẹ trẻ thơ”.

Nhiều câu chuyện buồn về tảo hôn ở vùng cao biên giới

Mông cho biết, em với Thưu, một chàng trai cùng lớp, ở cùng bản đã có quan hệ yêu đương từ lâu. Hai đứa nhắn tin, điện thoại với nhau năm lớp 8 rồi hẹn hò nhau lên rừng những tối. Hai đứa vẫn chưa biết được hệ lụy xảy ra khi vẫn thường xuyên làm chuyện người lớn với nhau.

Đầu năm lớp 9, Mông có thai. Tuy nhiên, mãi đến tháng thứ 6 em mới nhận ra sự việc và báo với gia đình. Sốc và tủi nhục nhưng anh Hồ A Hùng – bố Mông phải qua nhà Thưu thưa chuyện cưới xin. Đau đớn thay, gia đình Thưu không thừa nhận cái thai là máu mủ của mình. Mông sinh con non tháng nên bị suy dinh dưỡng nặng. Hai tháng sau sinh, Mông đã phải xách cuốc lên nương hì hục cả ngày, để con nhỏ cho em gái út 7 tuổi trông coi.

Từ ngày đứa con ra đời, gia đình bên “chồng” không hề thăm hỏi mẹ con Mông nữa lời. “Em có buồn sơ sơ thôi. Họ không cần nên em cũng chẳng thiết” – Câu trả lời hồn nhiên của Mông khiến chúng tôi quặn thắt lòng.

Thống kê chưa đầy đủ của Ban dân tộc tỉnh Quảng Trị từ năm 2011 đến tháng 5-2015, địa bàn có 308 trường hợp tảo hôn (riêng huyện Đakrông chiếm 82,4%). So sánh qua các năm, tình trạng tảo hôn đang có xu hướng tăng nhanh.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn là do trình độ dân trí, nhận thức của người dân còn hạn chế; quan hệ tình dục sớm, mang thai trước hôn nhân có chiều hướng gia tăng… Để ngăn chặn tảo hôn, chính quyền địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về tác hại của tảo hôn, đặc biệt là giáo dục ngay tại nhà trường. Gia đình cần quan tâm đến đời sống tâm lý, quản lý chặt chẽ hơn các mối quan hệ của con cái.

Bình luận (0)

Lên đầu trang