Yêu nước hãy bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất

Thứ Năm, 03/09/2015 10:23  | Tây Phương (tổng hợp)

|

(CAO) Tình trạng ngập rác sau các dịp lễ lớn đã trở nên rất quen thuộc. Lại vẫn là câu chuyện cũ về ý thức của người dân nơi công cộng, thế nhưng mỗi lần nhắc đến đều khiến không ít người giật mình, rồi lắc đầu thất vọng.

Sau khi kết thúc lễ Diễu binh, diễu hành mừng Quốc khánh 2-9, tại các điểm nơi đoàn diễu binh đi qua đều tràn ngập rác, chai lọ… Một hình ảnh thật đáng buồn, trái ngược với hình ảnh Hà Nội đẹp đẽ, thanh bình và dịu mát là thủ đô ngập rác khiến ai trong chúng ta đều cần phải suy nghĩ.

Tình trạng này luôn diễn ra qua nhiều sự kiện quan trọng và hình ảnh không đẹp này không ngừng được chia sẻ trên mạng xã hội và ngay lập tức trở thành chủ đề được nhiều người bàn luận, chỉ trích.

Sau khi kết thúc lễ Diễu binh, diễu hành mừng Quốc khánh 2-9, tại các điểm nơi đoàn diễu binh đi qua đều tràn ngập rác, chai lọ…

Nhiều người lắc đầu ngán ngẩm, chạnh lòng: “Đi xem diễu hành 70 năm ngày Quốc Khánh để thể hiện tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Nhưng lại đua nhau xả rác thế này…”.

Mặc dù trên các diễn đàn đã có hàng loạt những lời kêu gọi đừng xả rác ngay trước dịp lễ. "Hà Nội sẽ rực rỡ, đẹp đẽ biết bao nếu tất cả mọi người đều chung tay giữ gìn và ngừng xả rác. Chỉ một hành động nhỏ nhưng nó sẽ đem lại kết quả lớn nếu chúng ta ý thức được việc này", một thông điệp viết.

Nhưng rõ ràng, hàng loạt thông điệp và lời kêu gọi dường như chẳng có tác động mấy.

Tương tự, tại Sài Gòn, sau những màn pháo hoa rực rỡ đêm Quốc khánh 2-9, đường phố Sài Gòn cũng lại trở về với những hình ảnh đau lòng. Sau khi những cuộc chơi kết thúc, những cuộc vui đã tàn là những bãi rác ngập ngụa ở lại trên những hè đường.

Đường Sài Gòn ngập rác sau màn pháo hoa rực rỡ đêm Quốc Khánh 2-9

Có thể nói, ở Việt Nam, ở bất cứ nơi công cộng nào cũng có biển "Cấm vứt rác", thế nhưng rác vẫn tràn ngập từ đường phố, công viên cho đến bệnh viện hay cả những nơi linh thiêng như đền, chùa. Rác luôn hiện diện không chừa nơi nào, nhất là khi có sự kiện sinh hoạt văn hóa quy tụ đông người.

Người ta có thể đổ lỗi cho lượng người xuống đường quá đông, những điểm chứa rác vì thế mà quá tải, nhưng hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng vẫn khó có thể chấp nhận.

Thói "tiện đâu vứt đấy" đã trở thành thói quen của hầu hết người dân Việt Nam. Nói theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện xã hội học) thì hành động vứt rác bừa bãi nơi công cộng là biểu hiện của thói man rợ.

Thật vậy, không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh, sinh viên đi học sớm, cầm theo gói xôi, gói bánh ăn xong quẳng luôn vào gốc cây, ném rác qua cửa kính xe buýt. Trong lớp học, sân học, học sinh cũng ngang nhiên xả rác ở hộc bàn, góc lớp, hành lang,...

Vứt rác bừa bãi dường như dã thành thói quen, không trẻ trẻ nhỏ, giới trẻ mà kể cả người lớn. Uống xong một lon nước ngọt hay một chai nước suối, họ vứt lon, vứt chai ngay tại chỗ vừa ngồi mặc dù thùng rác để cách đó rất gần. Thậm chí khi ăn xong một tép kẹo cao su, họ cũng không mang đến thùng rác mà vo tròn rồi trét lên ghế đá và cứ thế bỏ đi chỗ khác...

Những công nhân vệ sinh thành phố lại có thêm một đêm làm việc vất vả

Vậy do đâu mà hiện tượng xả rác bừa bãi lại tràn làn như vậy? Nguyên nhân đầu tiên là do những thói quen xấu lười biếng và lối sống lạc hậu ích kỷ chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân của một số người. Họ sống theo kiểu: “Của mình thì giữ bo bo. Của người thì thả cho bò nó ăn” nên cứ vứt bừa bãi, ai dọn ai quét, dơ hay sạch không cần quan tâm vì chỗ đó... không phải của mình. Nói vậy không có nghĩa là ai cũng kém ý thức, vẫn còn nhiều người có ý thức nhưng con én chẳng làm nên mùa xuân, một bộ phận chưa thể khẳng định được giá trị đám đông.

Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện xã hội học), khi nói tới thói quen của người Việt hay vứt rác nơi công cộng là nói tới tập quán sinh hoạt có bắt nguồn từ tác phong của nền sản xuất tiểu nông lúa nước, văn minh làng xã đó là sự tùy tiện, thoải mái, tự do… Thói tự do đó không chỉ có trong việc vứt rác bừa bãi, thái độ ứng xử với tài nguyên môi trường mà còn thể hiện trong hàng loạt nề nếp sinh hoạt trong cộng đồng đó là việc đi sớm về muộn, chấp hành hiệu lệnh tập trung chậm. Điều đó nói chắc chắn không oan với người Việt. Đây là thói quen tương thích với tốc độ dòng chảy của nền sản xuất nhàn tảng.

Do đó, nếu muốn dọn sạch rác ở đường phố, những nơi công cộng, đầu tiên, phải dọn sạch “rác” trong tư tưởng mọi người. Ý thức là điều rất khó thay đổi trong một sớm một chiều nhưng không có nghĩa là bất khả thi.

Ý thức được hình thành qua thời gian hoat động của mỗi người. Chính vì lẽ đó, nhà trường và cả cha mẹ hãy giáo dục các em nhỏ có ý thức bảo vệ môi trường, giúp các em hiểu được tầm quan trọng trong việc bảo vệ môi trường…

Thử nghĩ xem, nếu chỉ cần để ý một chút, vứt rác đúng nơi quy định, nhà nước sẽ phần nào thêm được một khoản phí lớn để khang trang trường học cho các em nhỏ thay vì phải thuê công nhân thu dọn bãi rác của mọi người.

Ngay từ bây giờ, hãy sửa lại thói quen xấu này, hãy nhắc nhở mọi người xung quanh ý thức. Bằng những hành động, cử chỉ nhỏ, chúng ta sẽ thay đổi tương lai đất nước Việt Nam.

Bình luận (1)

Việc tuyên truyền, giáo dục về xả rác không được làm triệt để, trong trường thì thầy cô phải nhắc nhở thường xuyên, ở công ty thì ban giám đốc nhắc, ở làng xã thì tổ trưởng, trưởng ấp... và phải nhắc nhở, tuyên truyền thường xuyên để dân mình thấm từ từ. Thử hỏi bây giờ có thấy ai nhắc nhở, dạy bảo từng việc tưởng là nhỏ như vậy đâu.

Ngộ Không - Thứ Sáu, 04/09/2015, 09:10 Trả lời | Thích
Lên đầu trang