(CAO) Thời điểm hiện tại mới là đầu mùa mưa nhưng bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đã có 102 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Đây là dấu hiệu cảnh báo số ca mắc sốt xuất huyết sẽ còn tăng cao trong những tháng sắp tới.
Chiều ngày 7-9, Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, số trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) đang tăng rất cao không chỉ tại bệnh viện Nhi Đồng 1 mà cả toàn quốc.
Cụ thể, hồi tháng 6-2015, theo thống kê trên cả nước có 10.000 trường hợp SXH, 10 ca tử vong; nhưng cho tới thời điểm hiện tại, số trường hợp mắc SXH trên cả nước đã tăng lên 25.000 trường hợp và 16 trường hợp tử vong. Như vậy, chỉ sau 2,5 tháng, số trường hợp SXH trên cả nước đã tăng trên 250% và số ca nặng, số ca tử vong do SXH cũng gia tăng đột ngột.
Riêng tại Nhi Đồng 1, vào tháng 5, tháng 6, mỗi ngày khoa Sốt xuất huyết của bệnh viện Nhi Đồng 1 chỉ có khoảng 30 bé nay đã tăng thành 102 bé, trong đó 13 bệnh nhi SXH rất nặng, phải chăm sóc đặc biệt, thậm chí thở máy trong tình trạng nguy kịch.
Bệnh nhi SXH rất nặng, phải chăm sóc đặc biệt tại Nhi Đồng 1
Cũng theo BS Tuấn, dự báo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong năm 2015, dịch bệnh SXH sẽ diễn biến phức tạp vì rơi vào chu kỳ từ 3 tới 5 năm/lần.
Bác sĩ Tuấn cảnh báo mùa mưa mới chỉ bắt đầu, vì thế đỉnh dịch còn ở phía trước, do đó năm nay SXH rất dễ bùng phát thành dịch lớn. Ai cũng có thể bị SXH, không riêng gì trẻ em mà người lớn cũng có nguy cơ.
Theo bác sĩ Tuấn, trong 3 ngày đầu của bệnh SXH thực sự là rất dễ nhầm với các bệnh lý khác nên phụ huynh cần theo dõi trẻ thật kỹ. Nhiều ca nhập viện cho thấy, nhiều bà mẹ cứ nghĩ con bị cảm hoặc bị sốt siêu vi, viêm họng, viêm phế quản… cho uống vài viên thuốc là “tự khỏi” nên hậu quả là khi tới BV quá trễ, bệnh diễn tiến quá nhanh không cứu được.
Một phụ huynh đang có con trai bị SXH nằm tại Khoa cho biết, trước đó, thấy con sốt cao nên đưa khám, được chẩn đoán là viêm amidan, cho uống thuốc nhưng 2 ngày không thấy đỡ mà tiếp tục sốt cao. Gia đình cho nhập BV Nhi Đồng 1, kết quả xét nghiệm phát hiện cháu SXH đã vào ngày thứ 4 và đã trong tình trạng sốt, ói, tay chân lạnh phải thở máy...
Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, bệnh nhi nằm la liệt
Đặc tính của bệnh SXH, theo bác sĩ Tuấn, ngay từ khi khởi phát bệnh nhân đã sốt rất cao (từ 39 độ). Nếu được uống thuốc hạ sốt, thân nhiệt sẽ giảm nhưng rồi lại tăng cao trở lại. Bị SXH sẽ rất mệt mỏi, lừ đừ, trẻ không thể xem ti vi, thực hiện những hoạt động đơn giản thường ngày...
Từ ngày khởi bệnh thứ 4 trở đi là giai đoạn sốc SXH có thể xảy ra. Lúc này bệnh nhân sẽ nôn ói, đau bụng, biến chứng suy đa cơ quan, tử vong rất nhanh nếu không được can thiệp kịp thời. Do đó, khi nghi ngờ trẻ hay trong gia đình có người bị SXH, cần đưa đi khám để được chẩn đoán và điều trị.
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh, mọi người hãy làm sạch môi trường sống, không để vật chứa nước đọng làm điều kiện cho muỗi sinh sôi và nên cho trẻ ngủ mùng...".