Bỗng dưng thành nạn nhân của công ty cho vay trực tuyến

Thứ Ba, 03/12/2019 18:31

|

(CATP) Đang kinh doanh online, chị Trần Thanh Nga (SN 1990, ngụ P15, Q.Tân Bình) tá hỏa khi nhìn thấy ảnh của mình bị đăng trên Facebook kiểu gần giống như lệnh truy nã, vì là đồng phạm trong một vụ vay nợ rồi bỏ trốn. Tình cảnh oái ăm này đã có không ít trường hợp gặp phải khi người quen dính vào hình thức vay trực tuyến, nhưng mất khả năng chi trả, được báo chí liên tục cảnh báo trong thời gian qua.

KHOẢN NỢ BẤT NGỜ

Có mặt tại tòa soạn Báo CATP, Nga không giấu nổi bức xúc. Mấy tháng qua, gia đình chị phải sống trong cảnh sợ hãi. Công việc bị ảnh hưởng, cuộc sống cũng bị đảo lộn vì những lời hăm dọa của những kẻ lạ mặt. Khi nắm sự việc, chúng tôi hiểu Nga và người thân chính là nạn nhân của kiểu cho vay trực tuyến trên mạng hiện đang giăng bẫy khắp nơi.

Theo tường trình của Nga, anh trai chị (sinh sống tại Bến Tre) có quen một cô gái tên Lê Ngọc Trâm (ngụ ấp Phước Hòa, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, Bến Tre) một thời gian dài. Nga cũng như ba mẹ chị chỉ gặp Trâm 2 - 3 lần nên cũng không gọi là thân thiết. Trâm đứng ra vay 10 triệu đồng của Công ty TNHH dịch vụ thương mại Phong Vũ thông qua hình thức vay trực tuyến (online). Theo yêu cầu của bên cho vay, Trâm tự động cung cấp số điện thoại của Nga, của ba mẹ Nga và một số người nữa.

Đùng một cái, do không có khả năng chi trả gốc và lãi suất mỗi ngày, Trâm đột nhiên biến mất khỏi nơi cư trú. Công ty cho Trâm vay tiền cũng làm một bản tin “truy tìm đối tượng lừa đảo” với nội dung: “Cảnh báo, cảnh báo! Lê Ngọc Trâm đã vay tiền của công ty tôi quá hạn rất lâu (số tiền nợ lại là 5,5 triệu đồng) và nhiều lần từ chối nghe điện thoại, hành vi ác liệt, tình tiết nghiêm trọng.

Vui lòng chuyển lời cho người này phải trả tiền, nếu không thì công ty sẽ áp dụng các biện pháp thu hồi nợ tận nhà, công bố trên mạng xã hội, đưa vào danh sách đen, gởi hồ sơ về phường, xã, liên hệ người nhà để giúp đỡ trả nợ, cho đến khi thanh toan hết khoản nợ. Nếu vẫn chưa chịu trả, sẽ bị coi là hành vi lừa đảo, chúng tôi sẽ gởi hồ sơ lên để được xử lý theo pháp luật, hoặc ủy quyền cho bên công ty đòi nợ Song Long để tiến hành thu hồi nợ, tất cả ảnh hưởng do bên thứ ba dẫn đến, người này và gia đình người này phải tự chịu”. Kèm theo thông tin là hình ảnh của Trâm và chứng minh nhân dân do chính Trâm cung cấp khi vay tiền.

Trong lúc gia đình Nga còn đang phân vân không biết vì sao Trâm biến mất (do không hề biết chuyện vay tiền trực tuyến của Trâm) thì nhân viên bên công ty đã chủ động gọi vào số của Nga và ba mẹ yêu cầu trả nợ giúp. Số tiền phải trả là 15 triệu đồng (cả gốc cả lãi). Mặc dù đã giải thích cho phía công ty hiểu giữa họ và Trâm không hề có mối quan hệ gì và cũng không có liên quan đến việc vay mượn của Trâm, nhưng họ vẫn một mực xác định gia đình Nga che dấu và buộc phải đưa Trâm ra để trả nợ, nếu không sẽ chẳng được yên.

Quá lo lắng, chị Nga đã gọi điện cho Trâm. Lúc đầu, cô này bắt máy nhưng trả lời giọng thờ ơ, không quan tâm gì đến việc vay nợ, còn thách thức thích thì cứ báo công an. Nhưng những lần sau đó, Nga không liên lạc được với Trâm nữa. Khi Trâm bỗng dưng “biến mất” thì phía công ty lại quay sang Nga và gia đình ráo riết đòi trả nợ thay. Gọi điện Nga chán chê, họ lại quay sang gọi cho ba mẹ chị để quấy rầy, hăm dọa đủ kiểu. Điều đáng nói, sau một thời gian chưa đòi được nợ, nhân viên của công ty này đã bêu rếu Nga trên Facebook.

Hình ảnh truy tìm Lê Ngọc Trâm

Đưa cho tôi tờ giấy có nội dung ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của mình mà phía công ty cho Trâm vay nợ đã cho đăng lên mạng xã hội, Nga buồn rầu cho biết: “Mấy ngày nay bạn bè đều nhắn tin hỏi thăm, tôi thật sự mệt mỏi với chiêu trò của Công ty Phong Vĩ.

Nội dung cụ thể là: Phòng điều tra Viện KSND tối cao xin thông báo vừa nhận được đơn khiếu nại về trường hợp - đối tượng đồng phạm Nga đang bao che, cấu kết với đối tượng Lê Ngọc Trâm có 1 khoản vay hơn 15 triệu qua hạn 44 ngày. Anh/chị đang vi phạm nghiêm trọng khoản 3 điều 17 Bộ luật hình sự năm 1985, cũng như khoản 3 điều 20 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm.

Hiện tại cơ quan chức năng chưa liên lạc được với anh/chị để tìm hướng giải quyết vấn đề, nếu ai biết Nga và Trâm đang ở đâu vui lòng liên hệ đường dây nóng 0582193996 hoặc vui lòng liên lạc với cơ quan điều tra để tìm hướng giải quyết”. Bên dưới họ còn kèm theo hình ảnh của Nga (đã lấy từ Facebook) giống như đối tượng bị truy nã.

BỊ QUẤY RỐI ĐỦ KIỂU

Là người kinh doanh hàng online nên thời gian qua, công việc của chị Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đã thế, nhân viên của công ty còn liên tục gọi điện cho chị và người nhà khủng bố tinh thần, hăm dọa các kiểu, đòi xuống tận nhà để đòi nợ.

Cách đây không lâu, một thanh niên có tên Bùi Phương Toàn đã gởi tin nhắn qua mạng Zalo cho Nga yêu cầu trả nợ. Người này đã cung cấp một số tài khoản để Nga chuyển khoản qua. Các tài khoản Sacombank và Techcombank đều cùng chung chủ tài khoản là Công ty Phong Vĩ. Toàn nhắn: “có 15 triệu số tiền không lớn; mất danh dự và uy tín người nhà thì không vui vẻ gì đâu”. Anh ta cũng không quên liệt kê hàng loạt tên bạn bè và các mối quan hệ làm ăn trên Facebook của Nga để hăm dọa làm cho xấu mặt.

Được biết, Trâm vay tiền ở Bến Tre nhưng lại cho số điện thoại của Nga và ba mẹ chị hiện đang sinh sống tại TPHCM. Phía công ty đã thông báo việc nợ nần của Trâm từ 2 - 3 tháng trước, nhưng 3 tuần trở lại đây, nhân viên của công ty liên tục làm phiền để buộc chị Nga và gia đình trả nợ thay Trâm khiến cuộc sống của cả nhà đảo lộn.

Thời gian qua, các phương tiện truyền thông liên tục đăng tải những vụ việc phức tạp có liên quan đến vay trực tuyến nhằm cảnh giác người dân. Báo CATP cũng vừa có một loạt bài “cảnh giác tội phạm dịp cuối năm”, trong đó đề cập đến việc cẩn trọng với hình thức cho vay online qua ứng dụng điện thoại di động (app) - một thủ đoạn biến tướng của “tín dụng đen” hiện nay. Điều đáng lưu tâm, sau câu chuyện của Nga đó là các công ty (với vỏ bọc được cấp phép kinh doanh nhưng hoạt động trái ngành nghề) đang dần chuyển hướng về vùng quê, vùng sâu vùng xa để tiếp tục giăng bẫy người dân nhẹ dạ cả tin và thiếu kiến thức cũng như cảnh giác cần thiết.

Thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng cần tuyên truyền kịp thời và sâu rộng để người dân tránh khỏi chiếc thòng lọng của tín dụng đen, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại khu vực.

Bình luận (0)

Lên đầu trang