Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP.Hồ Chí Minh:

Hướng dẫn người dân cách phòng, chống đuối nước

Thứ Ba, 03/12/2019 16:15

|

(CAO) Đó là nội dung của Đoàn thanh niên Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an TP.HCM tổ chức huấn luyện đến hơn 160 bà con tại ấp Trung Hưng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, ngày 30-11-2019.

Được biết, xã Trung Lập Thượng là địa phương có nhiều sông ngòi, kênh rạch. Trong đó, phần lớn các hộ gia đình đều sống gần kênh, sông để tiện việc sinh hoạt. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến tai nạn đuối nước có cơ hội hoành hành.

Bà con đến tham dự tập huấn

Để giúp bà con có kiến thức vững vàng về tai nạn đuối nước cũng như các kỹ năng phòng chống đuối nước, cứu nạn, cứu hộ dưới nước, đoàn viên thanh niên PCCC&CNCH CATP đã tổ chức chia sẻ những vấn đề thực tế, sát thực với người dân.

Bởi lẽ, tai nạn đuối nước không chỉ do sự bất cẩn của con người mà môi trường sống xung quanh còn là một trong những yếu tố chính "cướp" đi tính mạng người dân.

Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH hướng dẫn bà con cách sơ cứu người bị nạn

Cụ thể, các yếu tố thường xuyên gây tai nạn đuối nước như: chậu nước, chum vại, bể nước… không có nắp đậy và cảnh báo nguy hiểm; sông, ao nước… không được rào chắn an toàn. Ngoài ra, còn có tình trạng xây dựng công trình, đào bới khai thác than, đá tràn lan, vô tình gây ra những hố sâu không có rào che chắn cũng rất dễ gây nguy hiểm, tai nạn đuối nước cho con người, nhất là trẻ em.

Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH hướng dẫn bà con cứu hộ dưới nước

 Cũng tại buổi tập huấn, Đoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tặng 20 áo phao cho nhân dân sống tại những khu vực có nguy tai nạn đuối nước cao.

Đoàn Thanh niên tặng áo phao cho bà con sống gần sông, nước

Cách xử lý khi gặp đuối nước:

1. Khi phát hiện người đuối nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu. Tuyệt đối không được nhảy xuống cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối nước

2. Nhanh chóng đưa nạn nhân lên bờ bằng cách ném phao có buộc dây thừng hoặc đưa cây sào cho nạn nhân bám vào.

3. Đặt nạn nhân nằm chỗ thoáng khí.

4. Nếu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra xem còn thở bằng cách quan sát sự chuyển động của lồng ngực. Nếu lồng ngực không chuyển động tức là nạn nhân ngưng thở hãy thổi ngạt miệng qua miệng. Sau đó kiểm tra mạch cổ, mạch bẹn. Nếu không bắt được mạch tức là nạn nhân đã ngưng tim, phải ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt liên tục trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.

5. Nếu nạn nhân còn thở được hãy đặt nạn nhân nằm nghiêng một bên để nạn nhân nôn ra dễ dàng.

6. Cởi bỏ quần, áo ướt và giữ ấm cho nạn nhân bằng cách đắp lên người nạn nhân tấm khăn, mền khô và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế sơ cứu vì nguy cơ khó thở có thể xảy ra vài giờ sau khi ngạt nước.

Cách phòng tránh tai nạn đuối nước:

- Phải có phao bơi an toàn khi tiếp xúc với nước

- Không được nhảy cắm đầu ở những nơi không có chỉ dẫn.

- Không tắm, bơi ở những nơi có nước sâu, chảy xiết, xoáy và không có người lớn biết bơi và cứu đuối.

- Không bơi khi trời đã tối, sấm chớp.

- Tuyệt đối phải tuân thủ các bảng chỉ dẫn nguy hiểm.

- Phải khởi động trước khi xuống nước.

- Không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước.

- Đối với trẻ em không được tắm ở hồ một mình mà không có người lớn đi cũng.

- Cần phải thực hiện nghiêm túc về an toàn giao thông đường thủy như: An toàn về phương tiện, có đầy đủ phao cứu sinh, áo phao, chở đúng số người quy định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang