Cà Mau: Kiến nghị Bộ Y tế cung cấp thêm vaccine phòng Covid-19

Thứ Bảy, 14/08/2021 12:19  | Đăng Khoa

|

(CAO) Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục cung cấp thêm vaccine hướng tới miễn dịch cộng đồng, mở rộng thiết lập “vùng xanh”.

Tiến độ tiêm chủng hàng đầu cả nước

Ngày 14/8, ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, BCĐ phòng chồng dịch Covid-19 kiến nghị Bộ Y tế cung cấp thêm vaccine để tiêm chủng diện rộng cho dân. Hiện nguồn vaccine đã hết.

Theo BCĐ, Cà Mau khoảng gần 1,2 triệu người. Theo ước tính, khoảng 815.000 người cần tiêm để đạt được miễn dịch cộng đồng. Vì vậy, nhu cầu vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng vào khoảng 1,63 triệu liều.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ Y tế đã 10 lần phân bổ vaccine cho tỉnh Cà Mau tổng số 126.000 liều. Đến nay, lực lượng chức năng Cà Mau đã tiêm được 150.239 liều cho 138.791 người thuộc các đối tượng ưu tiên và người dân trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, từ 26/4 đến 11/8, đã tiêm chủng mũi 1 cho 127.343 người và 11.448 người được tiêm mũi 2. Cao điểm trong 3 ngày (từ 9 đến 11/8), cả tỉnh tiêm chủng đạt tốc độ nhanh chóng cho gần 38.000 người.

Các đối tượng tiêm được mở rộng đến công nhân các nhà máy, xí nghiệp, tài xế vận chuyển hàng hóa thiết yếu, các hộ buôn bán kinh doanh…

Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau (bìa phải) cùng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 kiểm tra tại các địa phương

Để có kết quả trên, công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 đúng đối tượng theo Nghị quyết số 21/NQ-CP và cho người dân trên địa bàn tỉnh diễn ra thuận lợi, kịp thời. Số lượng vaccine nhận về được UBND tỉnh chỉ đạo tiêm ngay cho người dân, không để tồn đọng.

Thực hiện Chiến dịch tiêm chủng vaccine trong 03 ngày, tỉnh đã huy động 2.044 nhân lực, thành lập 181 điểm tiêm chủng, ước tính trung bình mỗi điểm tiêm được khoảng 220 liều/ngày, công suất tối đa của tất cả điểm tiêm chủng là khoảng 40.000/ngày.

Do nguồn vaccine được Bộ Y tế phân bổ có hạn nên tỉnh triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại địa bàn TP.Cà Mau và ba huyện vùng ven biển gồm: Trần Văn Thời, Ngọc Hiển và Phú Tân.

Cán bộ y tế thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời tư vấn người dân chuẩn bị tiêm vaccine phòng Covid-19

Báo cáo của các địa phương, hầu hết người dân phấn khởi khi được tiêm vaccine phòng Covid-19. Huyện Trần Văn Thời hơn 9.000 người thuộc đối tượng tiêm vaccine phòng Covid-19; trong đó thị trấn Sông Đốc được phân bổ ưu tiên hơn 2.326 người. Toàn thị trấn dân số lên đến 32.000 người. Đặc thù địa bàn, thị trấn thường xuyên có sự biến động về dân số do lượng ghe, tàu ra/vào mang theo hàng ngàn ngư phủ.

Trong đợt giãn cách lần 2 (năm 2021) theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch Covid-19, địa phương đã từng đón trên 4.000 ngư phủ theo ghe, tàu vào bờ và đảm bảo các giải pháp an toàn. Nguồn vaccine cung cấp cho thị trấn kịp thời trước diễn biến phức tạp của dịch.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cho biết: “Công tác xét nghiệm, sàng lọc cần được tiến hành càng nhiều, càng nhanh càng tốt và theo thứ tự ưu tiên. Đi cùng với xét nghiệm là đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin. Thông tin từ Bộ Y tế, đến hết quý 4 đảm bảo lượng vắc xin tiêm phòng cho 95% dân số toàn tỉnh.

Cam kết sẽ mở rộng vùng xanh

Sau khi kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh Cà Mau, Tổ công tác của Bộ Y tế đánh giá, 101/101 xã, phường, thị trấn của tỉnh trong mức nguy cơ thấp hoặc ít nguy cơ, đang dần thích ứng với điều kiện bình thường mới, đủ cơ sở thực tiễn và khoa học để thiết lập “vùng xanh”.

Tình hình kiểm soát dịch bệnh tại các khu cách ly tập trung, cách ly điều trị được đảm bảo, chưa có hiện tượng lây nhiễm chéo. Qua khảo sát công tác phòng, chống dịch tại 27 doanh nghiệp đang hoạt động, có 26 doanh nghiệp có nguy cơ lây nhiễm bệnh thấp, 1 doanh nghiệp ít có nguy cơ.

Theo Tổ công tác, mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” ở doanh nghiệp chỉ nên thực hiện đến khi kết thúc thời gian thực hiện Chỉ thị 16. Sau đó, nên thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến” cho từng cá nhân, cam kết cá nhân thực hiện việc chỉ đi từ cơ sở sản xuất về nơi cư trú.

Các cơ sở điều trị đã có sự chuẩn bị tốt về nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư y tế. Cần tập huấn thêm cho lực lượng y tế để xử lý các tình huống cấp cứu điều trị F0 diễn tiến nặng. Năng lực xét nghiệm tốt, nhưng cần trang bị thêm hệ thống xét nghiệm PCR.

Tỉnh Cà Mau là địa phương đầu tiên sử dụng hệ thống kiểm soát người vào địa phương bằng nhận diện gương mặt. Thiết lập hệ thống lưu trữ dữ liệu về phòng, chống dịch bệnh.

Tỉnh Cà Mau siết chặt quản lý người ra, vào tỉnh để mở rộng "vùng xanh"

Theo Tổ công tác Bộ Y tế, công tác phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh Cà Mau làm chặt, linh động, hiệu quả. Tuy nhiên, cần cải thiện về việc thông tin trong các khu cách ly, các loa thông báo cần phải được bố trí phù hợp hơn. Chủ động hơn nữa cho tinh thần “4 tại chỗ”.

Bố trí các trạm, chốt kiểm soát trên đường thuỷ nội địa để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập dịch bệnh. “Cà Mau cần có giải pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài. Trong đó, cần lưu ý, siết chặt việc người nhập cảnh trái phép từ đường biển, coi đây là 1 trong những nguy cơ thường trực", Tổ công tác lưu ý.

Ông Trần Hồng Quân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh cho biết: “Đến nay, Cà Mau có hơn 40 ca, đều từ bên ngoài vào và được phát hiện, cách ly, khoanh vùng kịp thời, 1 ca lây nhiễm cộng đồng đang cách ly, truy vết. Tỉnh đang triển khai kế hoạch để thiết lập “vùng xanh”.

Trên cơ sở đó, địa phương đặc biệt quan tâm đến giải pháp kiểm soát người từ ngoài tỉnh về, trong đó có đối tượng tài xế, những người không vào theo đường chính ngạch theo quy định.

Thời gian qua, có tình trạng xe chở hàng hoá lại chở theo người, việc khai báo thông tin không trung thực. Cà Mau sẽ siết chặt cả đầu vào và đầu ra. Tăng cường bảo vệ vành đai xanh với các tuyến tiếp giáp với tỉnh khác. Tỉnh cam kết giữ vững, mở rộng vùng xanh, chuẩn bị cho điều kiện mới, trước mắt là sau thời gian thực hiện Chỉ thị 16.

Cà Mau: Xây dựng một số huyện
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang