(CAO) Khi cài đặt phần mềm giả mạo này, các đối tượng sẽ chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.
Ngày 12/6, Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, xuất hiện các đối tượng giả danh cơ quan Công an gọi điện cho người dân hướng dẫn cài đặt phần mềm Dịch vụ công “giả mạo” rồi chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh cán bộ Công an gọi điện cho người dân thông báo căn cước công dân bị lỗi hoặc phải cập nhật dữ liệu dân cư, mã định danh, rồi yêu cầu người dân đến cơ quan Công an để làm việc.
Các đối tượng sẽ thúc ép với lý do cần hoàn thiện gấp hồ sơ để yêu cầu người dân tải phần mềm Dịch vụ công “giả mạo” theo đường dẫn của đối tượng cung cấp. Khi cài đặt phần mềm giả mạo này, các đối tượng sẽ chiếm quyền điều khiển điện thoại (màn hình bị tối đen, bị hại không thao tác được trên màn hình, không tắt nguồn được), thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.
Mới đây, Công an huyện Hoài Đức, Hà Nội đang điều tra, xác minh 1 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn như trên. Theo đó, vào ngày 23/5/2024, chị H (SN 1984; trú tại Hoài Đức, Hà Nội) có nhận được cuộc gọi của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an yêu cầu chị H tải app Dịch vụ công để làm định danh mức 2. Sau đó, đối tượng gửi cho chị đường link cài đặt phần mềm Dịch vụ công “giả mạo”. Khi cài đặt xong, chị H bị chiếm quyền sử dụng điện thoại và bị chiếm đoạt gần 6 tỷ đồng.
Để phòng tránh lừa đảo, cơ quan Công an khuyến cáo:
Hiện nay Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia chỉ cung cấp duy nhất thông qua tên miền https://dichvucong.gov.vn/. Các dịch vụ công trực tuyến khác cung cấp thông qua tên miền có đuôi: “.gov.vn”.
2. Cổng dịch vụ công quốc gia hiện nay chưa phát triển ứng dụng (app) riêng cho điện thoại. Các đối tượng hướng dẫn cài đặt ứng dụng dịch vụ công quốc gia lên điện thoại là lừa đảo. Người dân tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng
3. Người dân không cài đặt các ứng dụng từ nguồn không chính thống, chưa được xác minh trên các trang web, kho ứng dụng không chính hãng, từ các đường link lạ. Chỉ truy cập, tải và cài đặt ứng dụng chính thức thông qua các kho ứng dụng Google Play và Apple Store, kiểm tra thông tin tác giả (nhà phát triển).
4. Không bật chế độ cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định trên điện thoại, nguy cơ mất an toàn cho thiết bị.
5. Trường hợp người thân không may bị “mắc bẫy” đối tượng, thực hiện cài đặt ứng dụng giả mạo, đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại (màn hình bị tối đen, bị hại không thao tác được trên màn hình, không tắt nguồn được) thì ngay lập tức liên hệ đường dây nóng Ngân hàng để khóa tài khoản. Đồng thời thực hiện ngay việc đổi mật khẩu của tài khoản ngân hàng (internet banking). Sau đó fomat lại điện thoại (về trạng thái ban đầu của nhà sản xuất) để xóa ứng dụng giả mạo chứa mã độc.
6. Khi phát hiện các website, ứng dụng giả mạo cần thông báo ngay với Cảnh sát khu vực/Công an xã trên địa bàn hoặc Cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn.