Từ vụ "cô giáo xin phụ huynh hỗ trợ mua laptop":

Cần chấn chỉnh không để xảy ra lạm thu trong trường học

Thứ Tư, 02/10/2024 08:22

|

(CATP) Việc thu chi đầu năm học, kể cả quỹ phụ huynh (PH) đều có quy định rất chặt chẽ từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đến HĐND, Sở GD&ĐT. Tuy nhiên nhiều trường không quán triệt hay lơi lỏng, để xảy ra lạm thu. Chuyện cô giáo ở Trường Tiểu học Chương Dương (Q1, TPHCM) "xin cái laptop" từ quỹ PH, cho thấy việc quản lý thu chi quỹ PH còn nhiều bất cập, gây bức xúc dư luận.

Kiểm tra thu - chi đầu năm học của các trường trên địa bàn Quận 1

Chuyện cô giáo T.P.H chủ nhiệm lớp 4/3 của Trường tiểu học Chương Dương (Q1, TPHCM) giữ quỹ lớp, "xin" PH mua cái laptop để phục vụ công tác giảng dạy, đang làm dậy sóng mạng xã hội (MXH) và dư luận. Ngày 30/9, cô T.P.H. đã gặp gỡ báo chí để thông tin về vụ việc này. Cô H., giải trình: "Trong buổi họp PH đầu năm, tôi nói rõ không thu quỹ lớp vì việc này rất rắc rối và sai quy định. Cũng tại cuộc họp, tôi kể rằng năm trước bị mất máy tính ở trên trường, việc này đã báo với nhà trường, nhưng Ban giám hiệu (BGH) không có động thái gì. Lớp 4/3 đã có tivi từ năm trước nên tôi mới xin PH, các Mạnh thường quân hỗ trợ mua laptop để giảng dạy vì nghĩ rằng đây là xã hội hóa giáo dục".

Phát biểu của cô H. càng làm dậy sóng MXH vì rất kỳ lạ, một cô giáo có thâm niên trong nghề, lại giữ tiền quỹ PH lớp, tự ý xin xỏ để mua cái laptop và hiểu về xã hội hóa giáo dục rất lạ lùng. Dư luận đặt câu hỏi, tại sao Phòng GD&ĐT Q1, BGH Trường Tiểu học Chương Dương lại để cô giáo cấp 1 tiếp xúc với báo chí giải trình và phát biểu như vậy? Lẽ ra hiệu trưởng hay trưởng phòng GD&ĐT phải làm điều này.

Từ sáng 01/10, học sinh lớp 4/3 Trường tiểu học Chương Dương đã đi học trở lại với cô chủ nhiệm mới là phó hiệu trưởng nhà trường (Ảnh: Q.Đ)

Trước dư luận đó, sáng 01/10, theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND Q1, tại Trường Tiểu học Chương Dương, ông Võ Cao Long - Trưởng phòng GD&ĐT Q1 đã gặp gỡ báo chí và cung cấp thông tin liên quan đến sự việc cô giáo "xin hỗ trợ mua laptop" xảy ra tại trường này. Ông Long cho biết, đã phân công Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Chương Dương Đinh Thị Kim Thoa dạy lớp 4/3 thay cho cô H. và sáng 01/10 học sinh lớp này đã đi học trở lại.

Ông Long cho biết, Q1 đã và sẽ thực hiện 6 nội dung để giải quyết sự việc. Theo đó, Phòng GD&ĐT kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật (nếu có), không bao che các hành vi vi phạm và đồng thời công khai, minh bạch, làm rõ thông tin dư luận. Theo ông Long, tối 30/9, BGH Trường Tiểu học Chương Dương đã thành lập nhanh tổ công tác gồm đại diện phòng GD&ĐT, cấp ủy, BGH nhà trường, công đoàn trường, ban thanh tra nhân dân đến tiếp xúc, động viên và đề nghị cô H. tường trình làm rõ những nội dung có liên quan đến cô được đăng tải trên MXH, nộp trước 9 giờ ngày 03/10. Việc ứng xử hay nói một cách khác là "giải quyết khủng hoảng" của Phòng GD&ĐT Q1 và BGH trường này là chậm chạp, để dư luận xã hội bức xúc đến vậy là rất bất lợi.

Qua vụ việc trên, UBND Q1 đã giao Phòng Tài chính kế hoạch, Phòng GD&ĐT phối hợp với các đơn vị liên quan kịp thời tham mưu việc kiểm tra thu - chi đầu năm học của các trường trên địa bàn.

Cô giáo có lỗi nhưng...

Việc cô giáo có thâm niên trong nghề như cô H. lại giữ tiền quỹ hội PH của lớp là sai. Chính cô giáo H. cũng biết mình sai nhưng vì sao vẫn giữ tiền ấy? Việc xin tiền quỹ PH để mua laptop càng sai, cách xin của cô H. cũng kỳ lạ, như một hình thức ép buộc.

Trường Tiểu học Chương Dương, Q1, TPHCM Ảnh từ website của trường

Khi xin xỏ bất thành, cô H. đã có những lời nói cũng như hành vi tỏ ra thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức của một giáo viên, khi tuyên bố không có laptop thì sẽ không soạn đề cương ôn tập cho học sinh. Băng ghi âm của PH ghi được cho thấy cách hành xử của cô giáo H. cũng rất "chợ búa". BGH trường cũng không biết chuyện này cho đến khi PH lớp 4/3 quá bức xúc, làm đơn xin nhà trường đổi giáo viên chủ nhiệm hoặc chuyển lớp cho con em mình.

Thực tế cái laptop chẳng đáng giá là bao, lương và phụ cấp tăng thêm của cô H. có thể mua được. Và hình như thầy cô giáo nào ở TPHCM lại không có máy tính để làm giáo án điện tử? Vấn đề là lòng tham trỗi dậy. Nghề giáo có thể nghèo nhưng đã làm nghề, lại là một cái nghề cao quý được nhiều người kính trọng thì phải tự trọng. Không tự trọng và trong sạch, sống đẹp, sống có trách nhiệm thì làm sao dạy học trò mình? Khắc chế lòng tham chính là bài học dành cho cô giáo H. Đây không chỉ là câu chuyện xảy ra ở trường Tiểu học Chương Dương mà nó hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ trường lớp nào, nếu thầy cô giáo chủ nhiệm thiếu lòng tự trọng, không tuân thủ các quy định hiện hành về việc tổ chức, thu chi quỹ hội PH.

Quỹ phụ huynh dùng để làm gì?

Thực tế, Sở GD&ĐT TPHCM đã có văn bản nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện (BĐD) cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư số 55/2011 ngày 22/11/2011 của Bộ GD&ĐT.

Văn bản do Sở GD&ĐT TPHCM ban hành ngày 29/9/2023, sau vụ lạm thu lớn xảy ra ở Trường Tiểu học Hồng Hà (Q.Bình Thạnh) có điểm lưu ý: kinh phí hoạt động của BĐD cha mẹ học sinh do BĐD cha mẹ học sinh quản lý, sử dụng và chỉ phục vụ các hoạt động trực tiếp của BĐD cha mẹ học sinh.

Nhà trường không sử dụng các khoản kinh phí của BĐD cha mẹ học sinh cho các mục đích như: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường, trông coi xe của học sinh, vệ sinh lớp học, vệ sinh trường, khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường, hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục, sửa chữa nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường (điểm b, khoản 4 Điều 10 Thông tư 55).

Văn bản đề nghị hiệu trưởng, thủ trưởng đơn vị thống nhất với Trưởng BĐD cha mẹ học sinh trường để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí của BĐD cha mẹ học sinh trường, và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể BĐD cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến.

Đầu năm học mới 2024, Sở GD&ĐT TPHCM cũng đã ban hành công văn về hướng dẫn thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác của các cơ sở GD&ĐT công lập; trong đó có 26 khoản thu được quy định trong 2 phụ lục. Mức học phí các cấp học, các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục theo Nghị quyết số 13/2024/NQ-HĐND. Nghị quyết yêu cầu: Các mức thu quy định tại nghị quyết này là mức thu tối đa. Tùy tình hình thực tế của các cơ sở giáo dục và nhu cầu của học sinh, cơ sở giáo dục thống nhất với PH học sinh mức thu cụ thể nhưng không vượt quá mức thu quy định tại nghị quyết này và không được cao hơn 15% so với năm học liền kề trước đó.

Các cơ sở giáo dục công lập căn cứ vào tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và nhu cầu của học sinh để xây dựng dự toán thu - chi cho từng nội dung thu, làm căn cứ tính toán mức thu cụ thể, bảo đảm nguyên tắc thu đủ, chi đủ, phù hợp với tình hình thực tế năm học, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc sử dụng các khoản thu phải đúng mục đích, công khai kế hoạch thu - chi của từng khoản thu đến PH học sinh trước khi tổ chức thực hiện và thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định. Ngoài ra còn có quy định rất rõ khoản thu tổ chức các hoạt động giáo dục khác của chương trình nhà trường; khoản thu tổ chức các hoạt động giáo dục thực hiện theo các đề án; các khoản thu cho cá nhân học sinh... Không được phát sinh bất kỳ nội dung thu nào ngoài các danh mục được quy định.

Quy định là như vậy nhưng năm nào cũng có những trường hợp khiếu nại của PH. Mới đây, PH Trường THPT Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TPHCM) nêu thắc mắc, tranh cãi về việc thuê hay mua máy lạnh cho lớp học. Nhiều trường cấp 1, 2 ở TPHCM và ở các đô thị khác cũng lắp máy lạnh, trang bị quạt, tivi, máy chiếu, thậm chí phải đóng tiền các khoản sơn, sửa lớp học. Với những PH không có điều kiện, các khoản đóng góp đầu năm trở thành gánh nặng. Điều đáng nói là năm nào PH cũng phải đóng tiền mua máy lạnh hay quạt máy, tivi... Chẳng lẽ những thứ đó chỉ xài xong 1 năm là... bỏ?

Đó là những hình thức lạm thu, lợi dụng danh nghĩa "xã hội hóa" và không hiểu hay cố tình hiểu sai khái niệm này để lạm thu.

Các khoản tiền trường không được phép thu

Theo khoản 4 Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, BĐD cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học những khoản tiền sau: Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện. Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của BĐD cha mẹ học sinh, gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Bình luận (0)

Lên đầu trang