Cẩn trọng cháy, nổ trong ngày Tết Nguyên tiêu

Chủ Nhật, 05/02/2023 07:39

|

(CAO) Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng) là ngày lễ quan trọng cuối cùng trong chuỗi sự kiện liên quan đến Tết Nguyên đán. 

Dịp này, ngoài việc lên chùa, đền thắp hương, nhiều người còn làm mâm cơm cúng dâng lên tổ tiên bày tỏ lòng thành, tham dự các lễ hội đông người. Vì vậy người dân cần chú ý cẩn trọng đề phòng hoả hoạn thực hiện các nghi thức tín ngưỡng, thờ cúng.

Với quan niệm “trần sao âm vậy”, ngoài việc thắp nhang thì không ít người còn mua đủ loại vàng mã (tiền, xe, nhà,…) để đốt nhằm “đưa” xuống âm phủ. Chính điều này đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ gây nhiều thiệt hại.

Điển hình, ngày 11-9-2022, hàng trăm cư dân sống tại chung cư Diamond Riverside (Phường 16, Quận 8) một phen khiếp vía khi nhìn thấy khói lửa bốc lên từ căn hộ tầng 20 của chung cư. Nhiều cư dân đã hoảng loạn chạy xuống đất bằng cầu thang bộ để thoát thân. Ngay sau khi dập lửa thành công, lực lượng chức năng đã khám nghiệm hiện trường và xác định chủ nhà đã xử lý cẩu thả tro tàn vàng mã dẫn đến hoả hoạn.

Theo đó, sau khi đốt vàng mã, gia chủ đã bỏ tro tàn vào thùng xốp và đặt cạnh hai cục nóng máy lạnh. Vài phút sau, do phản ứng nhiệt đã khiến tro tàn bốc lên cháy lan sang thùng xốp gây ra vụ hoả hoạn. Trước đó, cuối năm 2018, người dân tại chung cư Gold View (Quận 4) cũng đã có một đêm sơ tán khẩn cấp vì có một hộ dân đốt vàng mã ngoài hành lang để lửa cháy sang bìa carton khiến hoả hoạn bùng lên.

Người dân dâng hương lễ Phật ngày rằm tháng Giêng.

Chính vì vậy, để hạn chế các vụ cháy tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, Công an TPHCM vừa đưa ra khuyến cáo người dân thực hiện 09 biện pháp đảm bảo an toàn như sau:

Có niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ; Tuyệt đối không đốt vàng mã trong chánh điện và một số nơi có quy định cấm; Bố trí khu vực cắm nhang ở sân chùa, bên ngoài chánh điện và những nơi thông thoáng, rộng rãi…;

Để Kinh Phật, hàng hóa dễ cháy cách bóng điện, bảng điện tối thiểu 0,5m; Lắp đặt thêm các thiết bị bảo vệ cho hệ thống điện như: cầu dao, aptomat. Hàng tháng có kế hoạch kiểm tra các thiết bị điện, dây dẫn điện và thay thế các thiết bị không an toàn, các dây dẫn có dấu hiệu lão hóa, bong tróc…;

Không dùng các vật liệu dễ cháy như: gỗ, tấm nhựa, mút, xốp.. để ốp trần, làm vách ngăn cháy. Nơi đun nấu phải được ngăn cách bằng các vật liệu không cháy; Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho từng tầng, từng khu vực; có trang bị đèn chiếu sáng sự cố, bảng chỉ dẫn lối thoát nạn; Trang bị và sử dụng thành thạo các phương tiện PCCC cần thiết như bình bột chữa cháy, bình CO2 chữa cháy; Xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu người trong các tình huống phức tạp nhất.

Đồng thời, để đảm bảo an toàn tại nơi ở, các hộ gia đình cần chú ý, đảm bảo không phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ngoài ý muốn khi thực hiện thắp hươngthờ cúng, đốt vàng mã. Mỗi gia đình cần thực hiện các biện pháp đảm bảo PCCC như sau:

Chọn vị trí đặt bàn thờ nơi thông thoáng, không đặt sát vách lá, trần nhà và nơi có gió thổi trực tiếp vào; Không chọn vật liệu dễ cháy như ván ép hoặc vật dễ cháy… làm bàn thờ, nếu bàn thờ bằng gỗ thì phải có tấm kiếng trên bề mặt phòng ngừa tàn nhang, đèn, nến đổ gây cháy; Trong quá trình thắp nhang, đốt đèn, nến nên chú ý theo dõi.

Tuyệt đối không thắp nhang, đốt đèn, nến khi nhà không có người; Không nên đốt quá nhiều nhang, đèn, nến cùng một lúc. Thường xuyên dọn dẹp sạch sẽ xung quang bát hương, bàn thờ; rút bỏ bớt chân nhang, vệ sinh bàn thờ đề phòng lửa bùng cháy chân nhang từ bát hương lan cả bàn thờ; Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số máy 114, cho Công an nơi gần nhất đồng thời tổ chức lực lượng phương tiện bằng mọi cách ngăn chặn cháy lan, chữa cháy và cứu người.

Bình luận (0)

Lên đầu trang