TPHCM: Cần xây thêm nhiều nhà vệ sinh để phục vụ du khách

Chủ Nhật, 19/03/2023 17:15

|

(CATP) Vấn đề thiếu nhà vệ sinh công cộng tại khu vực trung tâm TPHCM tiếp tục được đem ra bàn luận. Đặc biệt, nhiều du khách quốc tế đã góp ý về việc gặp khó khăn trong việc tìm nhà vệ sinh công cộng ở nhiều điểm trên địa bàn thành phố.

Chia sẻ với Chuyên đề Công an TPHCM, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện trên địa bàn TPHCM có khoảng 255 nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, số lượng phân bố lại không đồng đều, có nơi nhiều, nơi ít, còn có nơi tìm mỏi mắt cũng không ra. Cụ thể, nơi tập trung nhiều nhất trong khu vực nội thành là Q5 (38 nhà vệ sinh công cộng), Q1 và Q3 (khoảng 20 nhà vệ sinh công cộng)... Với số lượng này, rõ ràng là chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.

Hồi đầu năm 2023, một tờ báo chuyên mảng du lịch hàng đầu Châu Á đăng bài với nội dung cho rằng chất lượng các nhà vệ sinh công cộng của TPHCM và Hà Nội không được đánh giá cao. Bài viết lập tức nhận nhiều bình luận của du khách quốc tế, chia sẻ trải nghiệm không hài lòng khi sử dụng dịch vụ này.

Ông Trần Nguyên Hiền (Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường) nhận định, dù TPHCM đã đầu tư nhiều nhà vệ sinh công cộng, nhưng sẽ có những lúc người dân, khách vãng lai, khách du lịch đến thành phố lại gặp khó khăn, bất tiện khi sử dụng dịch vụ này. Cạnh đó, có những lý do khách quan như: nhà vệ sinh công cộng có thu phí, cách xa các điểm tham quan... nên bị du khách và người dân "chê”.

Theo ông Hiền, còn xảy ra tình trạng người dân và du khách trong quá trình sử dụng nhà vệ sinh công cộng, việc giữ gìn vệ sinh chung, bảo quản tài sản công chưa cao, dẫn đến việc nhà vệ sinh công cộng xuống cấp nhanh chóng.

"Cụ thể, có tình trạng người sử dụng trước không giữ gìn vệ sinh sau khi sử dụng, như: không khóa van nước, xả rác thải, giấy vệ sinh bừa bãi xuống sàn, giẫm chân lên bệ bồn cầu, đổ bỏ thức ăn thừa, phá hoại các trang thiết bị vệ sinh, sử dụng trái phép các chất kích thích, nôn mửa vào bồn rửa mặt...; gây ảnh hưởng cho người có nhu cầu sử dụng tiếp theo. Điều này đã và đang trở thành nỗi ám ảnh cho người dân, du khách khi đi vui chơi, du lịch đến TPHCM" - ông Hiền chia sẻ.

Một nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn

Ông Hiền khuyến nghị, hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng phải được lên án và xử phạt, nhằm nâng cao ý thức của người dân và du khách. Từ đó, việc giữ gìn vệ sinh chung trong cộng đồng được quan tâm, thực hiện tốt, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, sự hài lòng, thoải mái cho khách du lịch đến với TPHCM.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện một số giải pháp, gồm: yêu cầu các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, vận hành, khai thác các nhà vệ sinh công cộng khẩn trương cải tạo, nâng cao chất lượng phục vụ; UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện chủ động, khẩn trương lựa chọn vị trí, thực hiện lắp đặt mới các nhà vệ sinh công cộng di động trên địa bàn.

Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục vận động các chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý, khai thác những cơ sở như: bưu điện, cây xăng, trung tâm văn hóa, trung tâm đào tạo, siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ ăn uống, bến xe... tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, khách vãng lai được sử dụng nhà vệ sinh ở bên trong các khu vực này; bố trí biển báo hướng dẫn để khách du lịch, khách vãng lai dễ dàng nhận biết và tiếp cận sử dụng.

Trong năm 2022, trên địa bàn TPHCM, có 20.302 trường hợp vi phạm về vệ sinh nơi công cộng (trong đó có hành vi tiểu tiện, phóng uế nơi công cộng), đã nhắc nhở nhưng chưa xử phạt 6.733 trường hợp, xử phạt 13.569 trường hợp (tổng số tiền phạt là 6,33 tỷ đồng)... Trong năm 2023, các địa phương đang tăng cường kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát được lắp đặt trên địa bàn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang