TP.Hồ Chí Minh:

Giải pháp nào cho việc thiếu nhà vệ sinh công cộng?

Thứ Sáu, 23/09/2022 09:50

|

(CATP) Tại khu vực trung tâm TPHCM hiện có nhiều nhà vệ sinh (NVS) đáp ứng được nhu cầu của người dân. Thế nhưng, ở một số quận giáp ranh nội đô vẫn còn thiếu nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) hoặc có nhưng đa số xuống cấp nghiêm trọng, mất đi tác dụng vốn có của nó.

Đỏ mắt tìm nơi "giải quyết"

Tại trung tâm Q1, ở các công viên (CV), phố đi bộ... trung bình đón 2.000 lượt khách/ngày vào đầu tuần và gấp 2 - 3 lần trong dịp cuối tuần, ngày lễ. Do đó, câu chuyện thiếu NVS cho khách "lỡ đường" càng trở nên bức thiết.

Tại CV Bến Bạch Đằng, nhiều du khách than tìm đỏ mắt vẫn không ra NVS, họ phải dò hỏi mới đến được khu vực tầng hầm của đường Nguyễn Huệ mới có nơi "giải quyết". Tương tự, ngay ở khu vực "trái tim" thành phố (TP) là CV 30-4 cũng thiếu NVS. Những ai "bí” quá thì phải đi nhờ bên Trung tâm thương mại Diamond Plaza nằm trên đường Phạm Ngọc Thạch hoặc tại các quán cà phê gần đó.

Lưu thông trên các trục đường lớn ngay trung tâm TPHCM như: Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Mai Chí Thọ, Nguyễn Hữu Thọ, Điện Biên Phủ, Cộng Hòa..., không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều người "xả” ngay bên vệ đường, bụi rậm, chân cầu. Dọc theo bờ kè Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tiếp giáp giữa Q1, Q3, Q.Bình Thạnh, Q.Phú Nhuận và Q.Tân Bình, NVSCC còn thiếu nhiều. Không ít thanh niên "bí” quá "xả” luôn xuống bờ kênh vốn mất rất nhiều thời gian, công sức của xã hội mới duy trì sự sạch sẽ như hiện nay, còn chị em chỉ biết... cố chịu, bước nhanh!

Nhiều nhà vệ sinh xuống cấp

Toàn TP có khoảng 200 NVSCC nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với nhu cầu. Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, theo chỉ đạo của UBNDTP, thời gian qua có 10 NVSCC phục vụ người dân miễn phí được xây tại một số khu vực trung tâm TP, gồm các CV: 23-9, Gia Định, Lê Văn Tám, Tao Đàn, Bến xe (BX) Đầm Sen, BX Chợ Lớn. Sau hơn nửa năm đưa vào sử dụng được đa số người dân ủng hộ.

Từ tháng 1-2014, TPHCM xuất hiện một số NVSCC tiêu chuẩn 4-5 sao ở các CV: Tao Đàn, 23-9 và Lê Văn Tám (Q1), được xây dựng (XD) theo hình thức xã hội hóa, vốn đầu tư từ 800 triệu - 1 tỷ đồng/cái với diện tích 60m2, đều có nhân viên túc trực dọn dẹp hàng ngày.

Xung quanh CV Tao Đàn, mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai, Trương Định (Q1), cạnh CV Lê Văn Tám, đường Hai Bà Trưng, CV 23-9, phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q1)... là các điểm vệ sinh miễn phí, sạch sẽ. Nhà vệ sinh công cộng được xây theo hình thức xã hội hóa với trang thiết bị hiện đại, có lối đi riêng cho người khuyết tật. Đường Hàm Nghi (Q1), cũng là BX buýt trung tâm, được đặt hai điểm từ năm 2020.

Nhà vệ sinh trước công viên Lê Văn Tám, Q1

Khác biệt với các NVSCC được xây sau này theo kiểu doanh nghiệp (DN) tài trợ, một số NVS trên các đường: Nguyễn Văn Cừ (Q1), Nguyễn Chí Thanh (Q5)... hiện xuống cấp nghiêm trọng. Tại CV Văn Lang (Q5), anh Đỗ Văn Hoành (50 tuổi, sống gần đó) lắc đầu ngán ngẩm: "Nhà vệ sinh ở CV này đã cũ lại không được dọn dẹp thường xuyên nên bốc mùi khó chịu. Tại một số CV, dù đã thu phí vệ sinh 2.000 đồng/lượt nhưng chất lượng phục vụ rất kém, gọi là NVS nhưng vòi nước hỏng, không có giấy là chuyện thường".

Đặc biệt, tại các BX lớn như BX Miền Đông (Q.Bình Thạnh), Miền Tây (Q.Bình Tân), An Sương (Q12), dù lượng khách đến có khi lên tới hàng chục ngàn người nhưng NVS rất ít nên không thể đáp ứng. Chưa kể, do NVS tại các BX đều thu phí nên một số hành khách, tài xế xe ôm hoạt động quanh BX thường "giải quyết luôn" ở các góc khuất quanh đó cho tiện, khiến bức tường phía trước BX Miền Đông (đường Đinh Bộ Lĩnh) luôn trong tình trạng bốc mùi nồng nặc.

Đến khu vực làng hoa (Q. Gò Vấp) cũng đỏ mắt mới tìm ra NVS. Tới ngã 4 Thủ Đức (TP. Thủ Đức), chỉ có mỗi NVS cạnh Đại học Sư phạm Kĩ thuật từ lâu có "nhiệm vụ” cho người đi đường ghé vào "giải quyết"...

Các cây xăng nên "vào cuộc"

Trong lúc chờ chủ đầu tư hay ngân sách "rót tiền" xây NVSCC tại các quận huyện, theo chúng tôi, ở các giao lộ, ngã ba, ngã tư từ Q1 cho đến các quận huyện ngoại thành có nhiều cây xăng lớn, phục vụ nhu cầu đổ nhiên liệu của người dân. Trong số này, các cây xăng của Petrolimex thường có NVS dành riêng cho nam hoặc nữ, rất sạch sẽ.

Tại ngã tư Hai Bà Trưng - Trần Cao Vân (Q3), ngoài việc đổ xăng, người dân có thể ghé quầy thuốc tây và NVS miễn phí cạnh đó. Đây là cách mà cả DN lẫn người dân đều có lợi, qua đó giúp quảng bá thương hiệu của công ty kinh doanh xăng dầu. Trên các tuyến quốc lộ đi các tỉnh thành, những trạm xăng dầu của Petrolimex đều làm tốt việc này. Tại các giao lộ của TP, những cây xăng của các công ty vốn Nhà nước hay tư nhân đều đặt ở các vị trí dễ nhìn. Tuy nhiên, một số cây xăng vì ngại dọn dẹp nên "giấu" NVS, không cho khách đường xa hoặc khách đổ xăng sử dụng, mà chỉ "ưu tiên nội bộ"!

Để chấm dứt tình trạng "xả” bậy, gây mất mỹ quan đô thị, các cây xăng cần chung tay góp sức bằng việc "chia lửa", dán các thông báo nơi đặt NVS cho mọi người biết. Lợi nhuận từ việc bán xăng hoàn toàn có thể gánh vác khoản thuê nhân công quét dọn nơi này. Quan trọng hơn, chủ các cây xăng đang góp phần bảo vệ TP xanh - sạch - đẹp.

Bên cạnh việc trưng dụng NVS đã có sẵn tại các cây xăng, cũng đến lúc cần huy động xã hội hóa với sự chung sức của các DN đầu tư vào lĩnh vực này, có thu phí và cho đặt bảng quảng cáo, các dịch vụ như bán nước giải khát, quầy thuốc tây... để giúp giảm tải cho gánh nặng từ ngân sách. Một công ty quảng cáo tại TPHCM cho rằng, để thu hút được nhà đầu tư cần phải chọn vị trí đặt NVS tại nơi dễ thấy, nhiều người qua lại, nhưng việc này lại khó với cơ quan quản lý nhà nước vì thường NVS phải được thiết kế tại các góc khuất.

Do đó, cần phải hài hòa được lợi ích giữa DN và cơ quan quản lý thì việc đầu tư mới hiệu quả và được triển khai rộng rãi. Ngoài ra, cần linh động trong việc thiết kế mẫu mã NVS và phải có chính sách ưu đãi đối với các vị trí đặt NVS nằm xa nội thành - những nơi có ít người qua lại...

Bình luận (0)

Lên đầu trang