(CATP) Trên địa bàn TPHCM cũng như các tỉnh thành, tình trạng xả thải rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa như bịch nylon, ly, chai nhựa, hộp xốp... diễn ra tràn lan. Từ trung tâm thành phố tới ngoại thành, từ các con đường lớn cũng như hẻm nhỏ, từ quán ăn cho đến kênh rạch, đâu đâu cũng thấy rác. Do thời gian phân hủy rất lâu nên hiểm họa của rác thải nhựa đối với môi trường là vô cùng lớn, gây nên tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.
Thói quen xấu khó bỏ
Theo quan sát, dọc khắp các tuyến đường từ nội ô ra ngoại thành TPHCM, không kể ngày hay đêm, đều có thể bắt gặp những túi rác, bao nylon, ly nhựa, hộp xốp... nằm ngổn ngang trên lề và cả lòng đường. Đáng nói, rác thải nhựa còn được chất thành đống tại nhiều vỉa hè và nhiều kênh, rạch, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Dễ thấy nhất tình trạng xả rác thải nhựa tràn lan là tại các khu chợ truyền thống, khi tại đây thường tiêu thụ lượng lớn sản phẩm từ nhựa như bao nylon, ly nhựa... Do sự tiện dụng, giá thành rẻ và dễ mua nên nó đã trở thành thói quen tiêu dùng của nhiều người. Thử nhẩm tính, trung bình một người đi chợ mua bao nhiêu món hàng sẽ có bấy nhiêu bịch nylon; thậm chí các loại thịt, cá người bán còn "khuyến mãi" thêm bịch tròng bên ngoài vì sợ có mùi.
Ngay cả tại nhiều công viên, nơi vui chơi giải trí, do nhiều người dân thiếu ý thức trong việc bảo vệ môi trường nên sau khi uống ly trà sữa, cà phê hay ăn uống, họ thản nhiên thải rác ngay tại chỗ ngồi, mặc dù thùng rác cách đó không xa. Thực trạng rác thải ở khu vực TPHCM nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung đang dấy lên hồi chuông báo động. Dù chính quyền địa phương đã tăng cường công tác thu gom và tuyên truyền nâng cao ý thức giữ vệ sinh môi trường, hay tại một số siêu thị lớn đã dùng túi giấy và bao nylon tự hủy, nhưng rác thải nhựa vẫn chưa thực sự được quản lý chặt chẽ.
Rác thải nhựa khó phân hủy tràn lan các tuyến đường.
Không ai biết rằng, khi đựng thực phẩm nóng trong các ly, hộp nhựa hay hộp xốp, hóa chất có trong đó sẽ nhiễm vào thức ăn, tích tụ vào cơ thể lâu ngày có thể gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe con người.
Nói về thói quen sử dụng những sản phẩm từ nhựa, theo một chủ một tiệm cơm tại TPHCM: "Từ khi mở quán đến giờ, mỗi ngày tiệm cơm của tôi sử dụng khoảng 100 hộp xốp kèm bao nylon, thìa nhựa. Đấy là chưa kể những ly nhựa cho khách dùng uống 1 lần. Nói chung, tiệm tôi cũng những các tiệm khác bán trà sữa, đồ ăn vặt... đa phần đều dùng sản phẩm từ nhựa. Bởi vì giá thành rẻ, tiện lợi hơn các sản phẩm từ chất liệu khác".
Mối đe dọa nghiêm trọng
Do thói quen tiêu dùng nhanh, sử dụng các vật liệu, đồ dùng bằng nhựa nên mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường với số lượng rác thải nhựa vô cùng lớn. Điều này dẫn đến việc chúng ta đang phải đối mặt với những tác hại của rác thải nhựa lớn hơn bao giờ hết.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa. Trong đó, TPHCM có lượng tiêu thụ nhựa và túi nhựa hàng ngày lên tới 80 tấn và hơn 80% số túi nhựa đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Còn theo thống kê của Hiệp hội nhựa Việt Nam, lượng chất thải nhựa và túi nhựa ở Việt Nam chiếm khoảng 8 - 12% chất thải rắn sinh hoạt. Thế nhưng, chỉ có khoảng 11 - 12% số lượng chất thải này được tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt hoặc đổ tràn lan ra các bãi đất trống.
Hàng chục ngàn hộp, ly nhựa sử dụng một lần đựng đồ ăn, thức uống được tiêu thụ mỗi ngày, đồng nghĩa với lượng nhựa khó phân hủy bị vứt ra ngoài môi trường. Thực tế cho thấy, chỉ một chiếc túi nylon nhỏ nhưng phải mất ít nhất 100 năm mới có thể phân hủy, một chiếc chai nhựa dù nhỏ cũng cần ít nhất gần 200 năm mới phân hủy được. Các chất thải nhựa và túi nylon khó phân hủy được tái chế với tỷ lệ rất thấp, phần lớn là chôn lấp, đốt hoặc hiên ngang nằm chờ trên những bãi rác. Nếu tính bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nylon/tháng, như vậy riêng 2 thành phố lớn là TP.Hà Nội và TPHCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nylon. Điều đáng lưu ý là việc phân loại, thu hồi và xử lý rác thải tại Việt Nam còn rất hạn chế. Lượng chất thải nhựa và túi nylon ở Việt Nam chiếm khoảng 8 - 12% chất thải rắn sinh hoạt, nhưng 10% số lượng chất thải nhựa và túi nylon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn ra ngoài môi trường. Đây là một "gánh nặng" cho môi trường.
Với thực trạng chất thải nhựa đáng lo ngại như hiện nay không chỉ ảnh hưởng tới mỹ quan thành phố, làm ảnh hưởng tới môi trường nước mà rác thải nhựa còn đang khiến TPHCM phải chi ra rất nhiều ngân sách để thu gom, xử lý. Bên cạnh đó, rác thải nhựa có thời gian phân hủy rất lâu, gây ảnh hưởng khổng chỉ tới cuộc sống trước mắt mà còn ảnh hưởng lớn đến tương lai của con em chúng ta. Do đó, vấn đề tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa là điều cần thiết nhất để người dân nhận biết và thay đổi lối sống sinh hoạt hàng ngày, hạn chế sử dụng và xả rác thải nhựa ra môi trường.
Chính vì vậy, người sử dụng nên hạn chế dùng sản phẩm tiện lợi từ nhựa để bảo vệ môi trường. Theo đó, người đi chợ nên mang theo giỏ xách để đựng thực phẩm, còn người bán có thể buộc người mua phải trả tiền cho các bao bì... Có như thế mới mong hạn chế được rác thải nhựa.
"Cuộc chiến" chống rác thải nhựa là cuộc chiến dài hơi, không hề đơn giản. Mỗi người dân hãy nâng cao thêm ý thức, trách nhiệm của mình với môi trường, xã hội xung quanh, loại bỏ rác thải nhựa từ những thói quen thường nhật nhất. Chúng ta nên học cách biến hóa đồ nhựa đã sử dụng vào các mục đích khác nhau như: Chai nhựa sau khi sử dụng xong có thể tái sử dụng để đựng nước, đựng các đồ dùng khác hoặc làm đồ trang trí; hộp nhựa có thể tái dùng làm chậu hoa nhỏ để bàn học, bàn làm việc... Và người dân nên học cách từ chối túi nylon, thay vào đó là sử dụng túi giấy, túi vải, những sản phẩm được gói đựng bằng lá, tre, nứa..
Chợ truyền thống chiếm hơn 60% lượng rác thải khó phân hủy
TPHCM đã tăng cường quản lý chất thải rắn, giảm sản phẩm nhựa dùng một lần từ năm 2018 và đến nay, hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị trên địa bàn TP đã cơ bản cắt giảm 100% túi nylon khó phân hủy để chuyển sang dùng sản phẩm thân thiện môi trường. Tuy nhiên, hiện nay chợ truyền thống là nơi chiếm hơn 60% lượng rác thải nhựa khó phân hủy của toàn TP. Trong khi đó, TPHCM đặt mục tiêu đến hết năm 2023, tiểu thương tại các chợ sẽ giảm 65% sản phẩm bao bì nhựa khó phân hủy, nhưng mục tiêu này đến nay chỉ đạt hơn 17%.
Tiểu thương chợ truyền thống đa phần dùng sản phẩm nhựa để bán hàng
Hiện còn nhiều tiểu thương sử dụng túi nylon khó phân hủy vì giá rẻ, trong khi đó sản phẩm nhựa thân thiện môi trường có giá thành cao. Cụ thể, mức thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì, túi nylon khó phân hủy tăng lên 50.000 đồng/kg, thế nhưng giá bán của mặt hàng này chỉ từ 25.000 - 40.000 đồng/kg. Còn túi thân thiện môi trường khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg. Cơ quan chức năng cần thu đủ và đúng thuế đối với đơn vị sản xuất mặt hàng túi nylon để tránh thất thu ngân sách và đảm bảo tính cạnh tranh cho các sản phẩm nhựa thân thiện môi trường.