Trong 9.000 tấn rác phát sinh hàng ngày tại TPHCM có 1.800 tấn rác thải nhựa

Chủ Nhật, 01/10/2023 23:13

|

(CAO) Sáng 1/10, HĐND TPHCM phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời với chủ đề "Công tác bảo vệ môi trường - Vấn đề rác thải nhựa". Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng Ban Đô thị HĐND TPHCM, điều hành chương trình.

Mở đầu chương trình, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng Ban Đô thị HĐND TPHCM cho rằng môi trường là một trong những yếu tổ rất quan trọng đến cuộc sống con người. Ô nhiễm môi trường thường ảnh hưởng đến sức khỏe con người, hệ sinh thái, thiệt hại về kinh tế và du lịch. Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường chủ yếu từ các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, rác thải và trong rác thải thì chiếm khoảng 23% là rác thải nhựa.

Hiện nay, các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy trở thành vật dụng khó thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày với ưu điểm là bền, chắc, tiện dụng, giá thành thấp và dễ mua nên được sử dụng thường xuyên và phổ biến từ gia đình đến nhà hàng, quán ăn, chợ, siêu thị…

Tuy nhiên, sự tiện lợi này cũng đem lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, nguy hại cho môi trường và sức khỏe con người. Nguyên nhân là do rác thải nhựa rất khó bị phân hủy trong môi trường tự nhiên, mỗi loại có thời gian phân hủy khác nhau và có thể kéo dài hàng trăm năm.

Chương trình Công tác bảo vệ môi trường - Vấn đề rác thải nhựa tại TPHCM

Trong thời gian qua, TPHCM đã chú trọng triển khai nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường; đã cụ thể hóa một số chỉ tiêu, nhiệm vụ tuyên truyền và nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường, hình thành thói quen giảm sử dụng sản phẩm nhựa một lần, bao bì nhựa khó phân hủy, tăng cường khả năng sử dụng tái chế và xử lý chất thải nhựa.

Bà Vân cho biết chương trình hôm nay tập trung trao đổi về công tác bảo vệ môi trường, vấn đề rác thải nhựa cùng thực trạng và những giải pháp trong lĩnh vực này.

Theo thống kê, rác thải nhựa chiếm hơn 23% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại TPHCM. Trong khoảng 9.000 tấn rác phát sinh hàng ngày trên địa bàn TPHCM, có 1.800 tấn rác thải nhựa; tuy vậy chỉ có 200 tấn được thu hồi, tái chế. Rác thải nhựa xuất hiện khắp nơi trên đường phố, và đặc biệt trên các con sông, kênh rạch.

Cùng với sự phát triển vượt bậc của một đô thị lớn nhất nước, TPHCM đang phải đối mặt áp lực rất lớn của rác thải nhựa đối với môi trường. Giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần là chủ trương của TP nhiều năm qua.

Từ năm 2018 đến nay, TP đã triển khai 4 kế hoạch về tăng cường quản lý chất thải rắn, giảm sản phẩm nhựa dùng 1 lần và đạt được một số kết quả ban đầu. Đến hết năm 2022, hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị trên địa bàn TP đã cơ bản cắt giảm 100% túi nilon khó phân hủy, chuyển sang dùng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Nhiều trung tâm thương mại ở TP đã tích cực hưởng ứng phong trào khuyến khích sử dụng sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường lan tỏa lối sống xanh.

Chợ truyền thống là nơi chiếm hơn 60% lượng rác thải nhựa khó phân hủy của toàn TP. TP đặt mục tiêu đến hết năm 2023, tiểu thương tại các chợ sẽ giảm 65% sản phẩm bao bì nhựa khó phân hủy. Đây là một thách thức không nhỏ và nhiều nơi cũng đã triển khai các giải pháp sáng tạo.

Không phủ nhận lợi ích ngắn hạn mà sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần mang lại, tuy nhiên tính chất khó phân hủy khiến môi trường đối diện thảm họa ô nhiễm trầm trọng. Trong khi đó, các sản phẩm nhựa thân thiện môi trường lại kém sức cạnh tranh so với sản phẩm nhựa dùng một lần.

Nguyên nhân là do giá thành sản phẩm nhựa thân thiện môi trường vẫn còn cao trong khi túi nilon khó phân hủy có giá thành rẻ và vẫn được kinh doanh đại trà, được bày bán khắp nơi và nhiều nguồn hàng trôi nổi.

Từ năm 2019, mức thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì, túi nilon khó phân hủy đã tăng lên 50.000 đồng/kg nhưng giá bán túi nilon truyền thống trên thị trường chỉ từ 25.000-40.000 đồng/kg. Điều này chứng tỏ việc thu thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng này đang rất khó thực hiện triệt để.

Một cuộc cạnh tranh không cân bằng đang hiện hữu và phần thiệt thòi thuộc về các cơ sở sản xuất túi nilon tự hủy và tái chế nhựa.

Nếu không sớm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trên thì TPHCM và nhiều thành phố lớn khác sẽ tiếp tục đối diện với hậu quả lâu dài vì rác thải nhựa.

Tham dự và phát biểu tại chương trình, đại diện lãnh đạo các sở ban ngành TP cho biết TP sẽ có nhiều chương trình đồng hành và khuyến khích các đơn vị, tổ chức trực thuộc hướng đến không sử dụng sản phẩm nhựa một lần và bao bì nhựa khó phân hủy; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực thu gom, tái chế.

Bên cạnh đó, TP tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về ý thức bảo vệ môi trường, giảm thiểu và tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy…

Chương trình Dân hỏi - Chính quyền kỳ tới sẽ được phát sóng vào chủ nhật tuần đầu tiên của tháng 11 có chủ đề “Công tác quản lý thị trường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn TPHCM.”

Bình luận (0)

Lên đầu trang